Lại nóng tiểu thuyết lịch sử gây tranh cãi

Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tặng 28 tác phẩm lý luận và phê bình xuất bản 2016-2017. Ảnh: Hà Phương.
Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tặng 28 tác phẩm lý luận và phê bình xuất bản 2016-2017. Ảnh: Hà Phương.
TP - Tiểu thuyết lịch sử là vấn đề nóng nhất được mổ xẻ tại kỳ họp thứ tư Hội đồng Lí luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.

NHIỄU LOẠN

PGS.TS. Đoàn Lê Giang, Chủ nhiệm Khoa Văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cảnh báo một số tác giả trẻ viết tiểu thuyết lịch sử hiện nay dựa trên kênh Việt sử giai thoại trên Youtube. Hình ảnh được đầu tư công phu tuy nhiên sự nguy hiểm ở chỗ thật giả lẫn lộn. Việt sử giai thoại là bộ sách nổi tiếng của Nguyễn Khắc Thuần, nhưng khi được một nhóm người dựng trên Youtube đưa vào nhiều thông tin không kiểm chứng, thậm chí xuyên tạc. “Một số nhà văn trẻ đọc Việt sử giai thoại và viết thành tác phẩm gây ồn ào: Trần Ích Tắc trong bản trên youtube biến thành ông tình báo chiến lược cho Việt Nam, là người giúp Trần Nhân Tông cản bước quân Nguyên chứ không phải tay phản quốc”, PGS. Giang nói.

Tác phẩm gây xôn xao dư luận đầu năm 2018 chính là truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga in trên báo Văn nghệ. Hỏi ra sự tình mới biết tác giả dựa vào kênh Việt sử giai thoại trên Youtube biến Trần Ích Tắc thành người trung quân ái quốc. Một số người đứng ra bênh vực tác giả cũng dựa trên nguồn này. Trong khi đó chính sử chép hết sức khách quan về Trần Ích Tắc  ở chỗ ghi nhận ông là người có tài, tập hợp và đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên không thể phủ nhận sự thật Trần Ích Tắc đưa cả gia quyến sang hàng giặc và được phong An Nam Quốc Vương, quân Nguyên bại trận Ích Tắc theo về phương Bắc.

PGS.TS. Trần Mạnh Tiến, ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra sự thật nhiều người viết tiểu thuyết lịch sử nhưng chưa đọc Đại Việt sử ký toàn thư, chưa tìm hiểu nguyên gốc nên dẫn tới sai lầm, thậm chí bóp méo sự thật.

 TRANH LUẬN KHOA HỌC

“Các nhà văn không ý thức về nguồn tư liệu, gần như mù về mặt sử học, không có khả năng kiểm tra sử liệu, tôi đề nghị Hội đồng cần tìm hiểu kỹ về kênh Việt sử giai thoại, phải đấu tranh chống lại sự sai trái”, PGS. Đoàn Lê Giang đề xuất. TS. Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn, Đại học KHXH&NV Hà Nội mong mỏi các tọa đàm khoa học, nhất là phần thuyết trình mang tính khoa học. “PGS. Đoàn Lê Giang nhắc đến tranh luận về Trần Ích Tắc, Trần Khánh Dư nhưng thực sự tranh luận này chỉ trong giới văn học thôi, thiếu tiếng nói của giới sử học. Gần đây giới sử học cũng có phát hiện chất lượng”, TS. Thạch nói.

Trong báo cáo kết quả hoạt động, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nhắc tới vai trò tư vấn cho Ban Bí thư, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương xử lý một số vụ việc nảy sinh trong đời sống, góp phần giải toả bức xúc trong dư luận. Không thể không nhắc tới cuốn tiểu thuyết lịch sử Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt gây tranh cãi gay gắt khi được giải C sách hay tại Giải thưởng sách quốc gia 2018. Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị Hội đồng vào cuộc cho ý kiến. “Tôi thấy rằng uy tín của Hội đồng ngày một nâng cao, thể hiện ở việc cơ quan cấp trên cần tư vấn và hội đồng cho ý kiến xác đáng. Thể hiện cơ quan cấp trên cần tư vấn, chúng ta đều có ý kiến xác đáng như góp ý về sách giáo khoa môn văn, thẩm định nội dung tác phẩm gây tranh cãi. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, hội đồng cần cố gắng hơn vì dấu ấn của hội đồng với thực tiễn văn học nghệ thuật chưa mạnh”, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị nói.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao tiếng nói của Hội đồng khi thẩm định cuốn Chim ưng và chàng đan sọt. Cuốn tiểu thuyết không vấp phải sai sót, xuyên tạc lịch sử mà chỉ gây tranh cãi ở một số chi tiết, câu chữ khi tả về đời sống riêng tư của Trần Khánh Dư.

Ghi nhận kết quả Hội đồng làm được, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng cũng chỉ ra những hạn chế: Một số tiểu ban chuyên môn chưa chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ. Ông nhấn mạnh thời gian tới Hội đồng cần bám sát chức năng tư vấn giúp Đảng  và Nhà nước những vấn đề thuộc về lý luận, phê bình VHNT. Ông đề xuất các thành viên nên tham gia viết bài cho các hội thảo khoa học toàn quốc, giảng bài tại các hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
TPO - Vượt qua 11 thí sinh khác và chinh phục khán giả bằng sự duyên dáng, tài năng và ứng xử tự tin, thông minh, thí sinh Nguyễn Thị Hằng – sinh viên năm 4 ngành Marketing đã đăng quang ngôi vị Hoa khôi cuộc thi Miss Gia Định và Học sinh tài năng 2024.