Lại nói chuyện dân nông

Lại nói chuyện dân nông
TP - Thời khốn khó, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đua nhau đóng cửa hạ bảng hiệu. Còn với nhiều hộ nông dân, cách phá sản chỉ có thể là bỏ làng ra phố làm thuê, hoặc viết đơn trả lại ruộng.

> Thương hiệu lúa gạo - phải một thập kỷ nữa?
> Lại bàn thương hiệu

Như đã xảy ra tại một số tỉnh, nông dân nhiều xã thuần nông ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) viết đơn trả lại ruộng.

Bởi đầu tắt mặt tối suốt 6 tháng trời, nếu mùa màng thuận lợi mỗi sào ruộng thu về chỉ có 2,5 tạ thóc, chi phí đầu tư hết gần 2 tạ, nộp thuế sản nữa là vừa hết. Đó là chưa tính chi phí nhân công bỏ ra suốt nửa năm, coi như “hít không khí đi cày”.

Ở nơi này, nông dân đang chịu 13 khoản thu của xã theo đầu sào, đầu khẩu và đầu hộ. Như giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ thủy lợi, bảo vệ nông, khuyến nông, diệt chuột, cân đối thù lao cán bộ, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ văn hoá y tế giáo dục, quỹ hành chính, phí môi trường…

Chiếc áo người nông dân khó thể rách hơn, nhưng mọi thứ tai ách, lừa lọc lại cứ tìm đến họ. Mấy trăm hộ nông dân ở Đơn Dương (Lâm Đồng) đang khóc dở với giống cà chua cứ tưởng của Mỹ nhưng bị nhà cung cấp đánh tráo bằng giống Trung Quốc, đến khi thu hoạch cho không ai lấy.

Cùng lúc người trồng ớt ở Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng bị bán giống dỏm có nguồn gốc từ Trung Quốc, cây lớn lên thì rụi lá, thối rễ. Nhiều nông dân ở Đăk Lăk lại cay đắng với giống bí Nhất Phẩm cũng từ Trung Quốc, năng suất rất thấp khiến người trồng trắng tay, nợ nần chồng chất.

Chưa hết, giống “chồn nhung đen” nuôi theo mô hình đa cấp mà nhiều hộ nông dân ở Nam Định, Thừa Thiên-Huế bị một số kẻ xấu dụ dỗ “nuôi để giàu nhanh” đang khiến họ mất sạch tài sản ky cóp, vay mượn, ôm đống nợ nần. Toàn những thứ giống cây giống con “trời ơi” chưa từng có trong danh mục nào, đua nhau bần cùng hoá người dân nông, mà chẳng thấy bóng dáng cơ quan chức năng đâu. Dù các loại phí bảo vệ nông, khuyến nông, cân đối thù lao cán bộ…, bà con vẫn phải nộp đều đều.

Nhà báo kỳ cựu Thái Duy viết trên báo Đại Đoàn Kết mới đây, rằng các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bằng vốn Nhà nước, được độc quyền, thua lỗ được bù lỗ, nợ không trả được đã có Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ. Khi được xoá nợ, cũng có nghĩa món nợ trên do chính dân phải trả, trong đó có hơn 70% là nông dân. Trong khi lãnh đạo những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lương thực nhận lương mỗi tháng 5-7 chục triệu đồng. Không cán cân nào có thể chênh lệch hơn đối với người nông dân hiện nay.

Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” viết từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã nhức nhối thốt lên: “Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang trọng tội. Chúng ta phá tan phá nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy…, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh”.

Hàng loạt thôn ấp ở miền Tây phải rào làng khoá cổng để tự bảo vệ mình khỏi các mối đe doạ từ trộm chó đến an ninh an toàn cho người. Một hình ảnh tiêu biểu cho sự đơn độc của người nông dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG