> Sẽ tăng viện phí theo từng giai đoạn
Việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ đẩy mức đóng phí BHYT của người dân ngày càng cao. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Giá kịch khung
Ông Vũ Xuân Bằng-Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định, các địa phương khi xây dựng giá của từng dịch vụ kỹ thuật phải căn cứ vào cơ cấu, định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành cũng như tình hình thực tế kinh tế xã hội và chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực của địa phương.
Theo BHXH Việt Nam, mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của quỹ BHYT mỗi năm tăng thêm 12.000-15.000 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê, từ năm 2007 đến năm 2010, quỹ BHYT bội chi luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2011, Quỹ BHYT kết dư 5.000 tỷ đồng. Theo lộ trình thực hiện BHYT, mức đóng BHYT từ 4,5% lên 5% mức lương tối thiểu cũng đang được tính đến. Khi đó, mức đóng của đối tượng công chức sẽ tăng thêm khoảng 11% so với mức đóng hiện tại, mức đóng với đối tượng cận nghèo sẽ tăng từ 430.000 đồng lên 450.000 đồng/năm. |
Đồng thời, các địa phương không được phê duyệt giá cao hơn mức giá tối đa quy định tại Thông tư 04. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Thông tư 04, tại nhiều địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh đang xây dựng và đề xuất với mức giá khá cao, đa số các dịch vụ được xây dựng bằng 90%-100% của mức giá tối đa theo khung giá ban hành tại Thông tư 04. Điển hình như Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre.
Đặc biệt, một số địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, quỹ BHYT luôn trong tình trạng bội chi nhưng đa số các dịch vụ y tế được sở y tế đề xuất bằng hoặc cao hơn 90% mức giá tối đa của khung giá do liên Bộ Tài chính, Y tế ban hành.
Điển hình như Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định, Vĩnh Long, Cà Mau, Ninh Thuận... Tại Ninh Thuận, dù là tỉnh nghèo nhưng mức giá dịch vụ y tế được quy định chủ yếu từ 80-90%, thậm chí có một số dịch vụ ở mức kịch khung 100% như giá giường điều trị, tiền phẫu thuật, xét nghiệm...
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong tại một số bệnh viện ở Hà Nội và miền Bắc, trong xét nghiệm, điều trị, tình trạng tăng giá viện phí diễn ra khá phổ biến. Giá xét nghiệm máu tổng quát theo bảng giá cũ khoảng 100.000 đồng nhưng tại các bệnh viện hiện nay, xét nghiệm máu tổng quát có giá lên gần 300.000 đồng/lần.
Thậm chí, các loại xét nghiệm viêm gan có nơi lên đến 1,5 triệu đồng, xét nghiệm viêm gan siêu vi A là 200.000 đồng, tăng gấp 7 lần so với giá cũ.
Chụp CT, giá hiện nay là 1,2 triệu đồng/lần, chụp cộng hưởng từ MRI có thuốc cản quang giá 2,7 triệu đồng/lần…tăng hàng chục lần so với khung giá cũ.
Theo ông Bằng, nhiều địa phương xây dựng giá dịch vụ y tế chưa căn cứ vào điều kiện thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế, điều kiện kinh tế, mức sống của đại bộ phận dân cư, mà chủ yếu dựa trên định mức do Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, là đối với dịch vụ khám bệnh, giường bệnh, thủ thuật, phẫu thuật. Đa số các cơ sở y tế hiện nay, số bệnh nhân khám ngoại trú đều vượt xa định mức mà Bộ Y tế làm căn cứ để xây dựng giá khám bệnh (35 bệnh nhân/bàn khám/ngày).
Tương tự, buồng bệnh tại các bệnh viện chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định nhưng vẫn xác định mức giá tối đa.
Sẽ phải tăng mức đóng
Theo BHXH Việt Nam, giá dịch vụ y tế phải tính đến khả năng cân đối quỹ BHYT tại địa phương, bởi khi tăng giá dịch vụ y tế, quỹ BHYT phải chi thêm ít nhất 25% so với trước khi chưa tăng giá.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH Hải Dương cho biết, việc các địa phương đua nhau tăng giá các dịch vụ y tế ở mức tối đa đe doạ vỡ quỹ BHYT cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người dân nghèo, không có thẻ BHYT.
Theo ông Đại, nếu các địa phương đua nhau xây dựng mức giá quá cao, chắc chắn người dân sẽ chịu thiệt thòi.
Vì, toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh từ trước đến nay đã được bao cấp, không hề thay đổi, các dịch vụ y tế vẫn như cũ, trong khi mức giá lại tăng lên thì rõ ràng là người dân bị thiệt.
“Nếu giá các dịch vụ y tế tăng cao, người không có thẻ BHYT sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi khám chữa bệnh” - ông Đại nói.
Ông Đại cũng cho biết, hiện, các cơ quan liên quan đang đề xuất tăng giá các dịch vụ y tế ở Hải Dương khoảng từ 65%-70% trước khi trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Với mức tăng này, 6 tháng cuối năm 2012, Quỹ BHYT của Hải Dương sẽ cân đối được, nhưng sang năm 2013, chắc chắn sẽ vỡ quỹ.
Để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHYT, những người tham gia BHYT bắt buộc phải tăng từ mức đóng 4,5% hiện nay lên 5%; còn đối với người tham gia BHYT tự nguyện, phải tăng mức đóng từ 4,5% mức lương tối thiểu lên 6%.
“Trường hợp tăng hết cỡ, nhưng nguy cơ vỡ quỹ BHYT vẫn xảy ra thì lúc đó, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương phải bù vào để chi trả” - ông Đại nói.
Một lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, nếu các địa phương xây dựng khung giá cao thì chắc chắn quỹ BHYT sẽ không đảm bảo được khả năng chi trả vì có tới 90% số thu BHYT là từ địa phương.
Hơn nữa, nếu đưa ra khung cao, chắc chắn nhiều địa phương, nhất là các tỉnh thành phố giàu sẽ xảy ra tình trạng bội chi cục bộ.
“Hiện, quỹ BHYT chỉ xây dựng được trong ngắn hạn. Với việc tăng giá các dịch vụ y tế, năm 2012 nguy cơ bội chi quỹ sẽ rất cao và năm 2013, quỹ BHYT bội chi là điều chắc chắn” - vị lãnh đạo BHXH Việt Nam nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu quỹ BHYT tiếp tục bội chi, chắc chắn sẽ phải đề nghị Chính phủ tăng mức đóng BHYT.