Trong kế hoạch nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc cung cấp cho thị trường Việt Nam của công ty Honda Việt Nam (HVN) có tính toán sẽ nhập khẩu 30 chiếc xe ô tô trong 6 tháng đầu năm 2014 và cho 6 tháng còn lại là 90 chiếc.
HVN đang cung cấp cho thị trường các mẫu ô tô là Accord, Civic, City và CR-V. Tuy nhiên, trong số này, chỉ duy nhất Honda Accord là nhập khẩu nguyên chiếc. Ba mẫu xe ô tô còn lại đều được lắp ráp tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy loại xe mà HVN đang nhập khẩu nguyên chiếc với số lượng 120 chiếc trong năm 2014 chính là Accord.
Vào ngày 25/6 vừa qua, Accord thế hệ thứ 9 cũng đã chính thức được HVN mang tới Việt Nam với mức giá bán công bố là 1,47 tỷ đồng.
Trị giá lô 30 xe ô tô mà HVN nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2014 là 717.720 USD, tức là tương đương 23.924 USD/chiếc. Số thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng phải đóng cho lô xe này tổng cộng trên 22 tỷ đồng.
Nếu tính theo tỷ giá ngoại tệ được áp dụng, mỗi chiếc ô tô nhập khẩu nói trên khi về Việt Nam có giá quanh mức 1,245 tỷ đồng là đã tính các loại thuế phải nộp theo quy định gồm 50% thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN, 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế giá trị gia tăng.
Nếu đây chính là xe Accord mới, thì xem ra, với mức giá bán ra 1,47 tỷ đồng theo công bố của HVN, phần chênh lệch sẽ lên tới khoảng 225 triệu đồng, chiếm khoảng 15% giá bán.
So sánh với một số mẫu xe khác cũng được nhập khẩu nguyên chiếc, có thể thấy, tỷ trọng của phần chênh lệch này là không hề thấp tính trên giá bán xe.
Đơn cử, hồi đầu năm nay, một mẫu xe hạng sang có giá nhập khẩu theo khai báo là 33.051 USD, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 121.000 USD và doanh nghiệp tự nhận là chênh lệch 12.394 USD, tương đương 260 triệu đồng.
Với mẫu xe hạng sang khác có giá khai báo là 40.021 USD và giá bán lên tới 2,932 tỷ đồng, doanh nghiệp thu được chênh lệch 11.805 USD, khoảng 250 triệu đồng/xe.
Bản thân doanh nghiệp cũng cho hay, phần chênh lệch trên còn được chi dùng cho nhiều hoạt động như thưởng cho đại lý, các chiến dịch hỗ trợ bán hàng, quảng cáo, chi phí bảo hiểm, bảo dưỡng miễn phí… Do đó, phần còn lại sẽ rất khiêm tốn.
Với một mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc khác đến từ Đức, có giá tính thuế của đơn vị nhập khẩu đưa ra với cơ quan hữu trách là 47.749 EUR (khoảng 1,33 tỷ đồng), sau khi đóng thuế các loại đã lên mức 143.000 EUR. So với giá bán công bố của mẫu xe này, con số chênh với giá sau khi đóng thuế các loại là khoảng 600 triệu đồng/xe.
Đại diện một hãng xe liên doanh thừa nhận trong giải trình gửi tới cơ quan hữu trách, việc xây dựng giá bán còn phụ thuộc vào tình hình bán hàng, kết quả nghiên cứu thị trường, kế hoạch kinh doanh xe nhập khẩu tại Việt Nam, gồm lựa chọn tính năng, chi tiết kỹ thuật cần thiết cho xe.
Đặc biệt, giá bán lẻ và số lượng bán sẽ được quyết định dựa vào khả năng cạnh tranh của mẫu xe đó tại thị trường Việt Nam, nói cách khác là phương án kinh doanh của doanh nghiệp dựa vào giá bán và số lượng bán của các đối thủ cạnh tranh.
Bởi vậy, nếu mẫu xe ô tô có sản lượng bán hàng tốt, thì việc hãng ăn lời ít đi là dễ hiểu. Ngược lại, những mẫu xe bán được số lượng không nhiều, thì lợi nhuận mà doanh nghiệp muốn thu về trên mỗi đầu xe sẽ cần phải lớn hơn để bù đắp các chi phí cần thiết để vận hành guồng máy.
Quay trở lại với câu chuyện nhập khẩu xe nói trên, nếu đây là mẫu xe Honda Accord vừa được HVN giới thiệu, thì việc dự báo bán được khoảng 120 xe trong khoảng 6 tháng còn lại của năm 2014 là không nhiều, bởi chỉ đạt mốc 20 xe/tháng.
Có lẽ cũng bởi vậy, mà các quan chức của HVN đã không mặn mà khi nói về các chỉ tiêu được đặt ra để bán hàng, dẫu mối quan tâm của người tiêu dùng với ô tô Honda đã đột ngột tăng mạnh trong năm 2013.
Nếu so với các đối thủ cùng phân khúc như Toyota Camry 2.5L hay Mazda 6, thì việc tiêu thụ xe Accord của Honda quả thật là khiêm tốn. Năm 2013, phiên bản Camry 2.5L bán được 4.069 xe, còn Mazda 6 bán được 180 xe, trong khi Honda Accord bán được chưa đến 70 xe.