Lại khởi động chọn đại sứ du lịch

Hội An - nơi người dân rất có ý thức làm du lịch. Ảnh: N.M.Hà
Hội An - nơi người dân rất có ý thức làm du lịch. Ảnh: N.M.Hà
TP - Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho biết trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2014 (tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ) ngày 6/4, sẽ có cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các ứng viên đại sứ du lịch với các doanh nghiệp du lịch, báo chí “để họ trình bày kế hoạch hành động”.

Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân, người đẹp Huỳnh Thị Ngọc Hân, diễn viên Lan Phương, cô giáo tiếng Anh Hồng Thuận là các ứng viên cho tới thời điểm này. Liên hệ với Lan Phương xem thời gian qua cô có hoạt động mang tính “chiến dịch tranh cử” gì không, cô cho biết “chỉ làm những gì Bộ yêu cầu- gửi kế hoạch hành động 2 năm”.

Nếu được yêu cầu tự lo chi phí, hoặc vận động cho các hoạt động quảng bá du lịch?. “Doanh nghiệp muốn kinh doanh cũng phải huy động vốn từ nhiều nguồn. Tôi nghĩ nếu dự án của mình tốt, cũng sẽ có những người quan tâm”, cô tự tin.

Lại khởi động chọn đại sứ du lịch ảnh 1

Hội An - nơi người dân rất có ý thức làm du lịch Ảnh: N.M.Hà

Cuộc bầu chọn thời gian qua gây tranh luận, nhiều người cho rằng không cần. “Ngành nào cũng cần đại sứ thôi. Phương Tây đi trước rất lâu rồi, bắt buộc phải có, rất cần thiết là đằng khác. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa chuyên nghiệp nên khi bầu không được công chúng, kể cả người trong ngành du lịch đón nhận”, anh Trịnh Duy Điềm (Cty DL Bến Thành) nói.

Đồng quan điểm, chị Đoàn Thị Thanh Trà (Saigontourist) cho rằng, nên nhìn nhận về đại sứ du lịch cũng như du lịch ở khía cạnh rộng và sâu. “Hãy quan tâm nhiều hơn đến thái độ và hành động đời thường của mọi người về du lịch, để từ đó hình dung một đại sứ du lịch chúng ta muốn có”.

Anh Điềm cũng cho rằng, không nên dựa vào tiêu chí đẹp, năng động, mà phải am hiểu nhất định về du lịch. “Nếu không, sẽ chỉ lăng xê được hình ảnh đại sứ, không tác động đến du lịch như mong muốn”, vị này nói.

Anh Điềm lí giải, nhiều nước có ngành du lịch phát triển chọn đại sứ là người trong ngành, hoặc có hoạt động gắn với du lịch như hàng không chẳng hạn. Bởi ngành công nghiệp không khói này đòi hỏi sự tinh tế, phong thái của người làm dịch vụ. “Có tới 2,5 triệu người làm du lịch, tôi cho rằng rất dễ chọn ra một đại sứ, có thể là hướng dẫn viên xuất sắc, hay bất cứ ai khác”, anh Điềm nói.

Nhiều người làm du lịch cũng chung ý kiến, không nhất thiết dồn công sức, tiền của cho cuộc chơi bầu chọn đại sứ. Chính phủ các nước có ngành du lịch phát triển đều chỉ thị mỗi người làm trong ngành du lịch đều phải đại diện một phần nhỏ cho quốc gia đó trong quảng bá hình ảnh.

“Du lịch Việt Nam muốn phát triển không chỉ phụ thuộc hình ảnh người đại diện. Trong bản kế hoạch hành động 2 năm, tôi nêu phần quan trọng: phải nâng cao ý thức của người dân về cái đẹp của đất nước. Đầu tiên phải là người Việt yêu đất nước mình, sau mới đến người nước ngoài yêu Việt Nam”, Lan Phương nói.

MỚI - NÓNG