Giới hạn khu vực và bắt buộc
Theo Sở QHKT Hà Nội, tại phiên họp tháng 5 của UBND thành phố vừa qua, nội dung được dư luận quan tâm là Dự thảo Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã đưa ra lấy ý kiến trước khi hoàn chỉnh trình tại kỳ họp HĐND thành phố sắp diễn ra. “Đóng góp ý kiến về dự thảo này, các sở ngành đều bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải có bãi đỗ xe ngầm tại các công trình xây dựng mới, nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách hiện nay và chống ùn tắc giao thông. Hơn nữa, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm đã có quy định của Bộ Xây dựng, Thường trực Thành ủy cũng đã có thông báo chỉ đạo. Lần này, chúng tôi đã khảo sát, đánh giá tính toán kỹ lưỡng để đưa ra hướng dẫn phù hợp thực tế”, đại diện Sở QHKT nói.
Theo đề xuất của dự thảo, các dự án thuộc khu đô thị nội đô (giới hạn từ vành đai 2 trở vào) và khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới phải xây dựng tầng hầm đỗ xe tối thiểu bằng diện tích xây dựng công trình; tối đa trùng với chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất hợp pháp của ô đất xây dựng công trình; chiều sâu tầng hầm để xe không quá 5 tầng (theo quy chuẩn Bộ Xây dựng)…
Đáng chú ý, dự thảo cũng đề cập việc các dự án bổ sung diện tích tầng hầm gồm các dự án nhà ở, không phân biệt các loại công trình nhà ở như: Chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư…; công trình công cộng, hỗn hợp, cơ quan (văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…).
Bắt buộc có hợp lý?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở QHKT), đơn vị chủ trì soạn dự thảo trên cho biết, đề xuất công trình xây dựng mới phải có tầng hầm, phải bố trí chỗ để xe là cần thiết. Trên cơ sở hướng dẫn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quy định phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, dự thảo đã đưa ra các đề xuất để hướng dẫn cụ thể cho các công trình xây dựng trên địa bàn. “Khác với thông báo lần trước về công trình xây dựng phải có 3 tầng hầm, lần này trên khảo sát thực tế để có một hướng dẫn đối với công trình xây dựng mới trên địa bàn, nhằm phát triển và đáp ứng được nhu cầu giao thông tĩnh, trên cơ sở công bằng, không cứng nhắc, được sự đồng thuận”, ông Nghĩa nói.
Theo lý giải của đơn vị soạn thảo, các dự án cao tầng thuộc khu đô thị nội đô giới hạn từ vành đai 2 trở vào bắt buộc xây tầng hầm, thậm chí quy định về số lượng tầng hầm (không quá 5 tầng); Khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới như khu đô thị vệ tinh, khu vực không hạn chế chiều cao sẽ không cứng nhắc mà phải đáp ứng về quy mô, đảm bảo đủ diện tích tầng hầm để xe cho công trình và cho khu vực xung quanh. Các công trình cấp III và IV, nhà ở gia đình của người dân chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc. “Tùy vào tính chất công trình, điều kiện địa chất không nhất thiết phải bắt buộc xây đủ số tầng hầm theo quy định. Còn ý kiến lo ngại nhà ở xã hội, nhà tái định cư phải có tầng hầm là không hợp lý. Tuy nhiên, điều này không đúng, vì đã là nhà ở phải đảm bảo đủ diện tích để xe, việc xây thêm tầng hầm làm giá nhà đội lên là câu chuyện kinh doanh, doanh nghiệp phải tính khi thực hiện dự án”, vị này lý giải. Vị này cũng cho biết, đề xuất dự án xây dựng mới phải xây tầng hầm với diện tích tối thiểu bằng diện tích xây dựng thì không có “cửa” cho nhà đầu tư lách. Vì khu vực nội đô đang thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, nếu tính toán đủ các công trình đều phải có 3 tầng hầm trở lên mới đủ điều kiện phục vụ cho bản thân công trình và khu vực xung quanh nó.
Đánh giá về những nội dung của dự thảo, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định phải có tầng hầm đối với dự án nhà cao tầng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội là cần thiết và phải ủng hộ. “Quy chuẩn về diện tích bố trí chỗ để xe cho nhà cao tầng đã có từ lâu, nó áp dụng chung toàn quốc còn những khu vực nội đô như Hà Nội thì phải có hướng dẫn riêng mới phù hợp thực tế. Vấn đề ở đây là quản lý như thế nào, vì dù có quy định nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tìm cách lách xây bớt tầng hầm đi để giảm chi phí đầu tư. Đơn giản, xây nhiều tầng hầm chi phí vừa cao vừa mất thời gian thi công”, vị này nói.
Theo yêu cầu của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở QHKT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án trên, trong đó chú trọng quy định buộc từ nay các công trình xây dựng mới trong thiết kế phải có bãi đỗ xe tầng hầm. Đối với các công trình đã và đang xây dựng (trước khi có hướng dẫn này), lãnh đạo thành phố giao Sở QHKT phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra, đề xuất các giải pháp khắc phục xây dựng bãi đỗ xe, phù hợp thực tế và quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đô thị.