Lại bốc thăm vào trường mầm non công lập

Năm nay nhiều trường mầm non công lập ở Hà Nội vẫn tiếp tục phải chọn hình thức tuyển sinh bằng cách… bốc thăm may rủi.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2014 - 2015 sẽ bắt đầu từ ngày 1 đến 15.7. Trong khi cấp tiểu học và THCS đều đáp ứng tất cả nhu cầu học tập của người dân thì nhiều trường mầm non công lập chỉ tiếp nhận được một lượng rất ít so với số trẻ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, cho biết: “Theo kế hoạch tuyển sinh năm nay, tất cả các trường mầm non công lập trên địa bàn sẽ phải tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm, không có trường nào là ngoại lệ”. Thống kê cho thấy trừ lứa tuổi mẫu giáo 5 tuổi, các độ tuổi còn lại theo số liệu điều tra, số trẻ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn đều cao hơn so với chỉ tiêu các trường có thể nhận. Cụ thể, độ tuổi nhà trẻ chỉ đáp ứng được 24,1%; 3 tuổi là 65,8%; trẻ 4 tuổi là 87,5%...

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, cho rằng nhiều trường ở khu vực đông dân cư sẽ phải tổ chức bốc thăm để tuyển sinh vì cầu vượt quá cung. Đó là cách làm không ai muốn nhưng cũng là cách đỡ gây lộn xộn và vất vả nhất cho phụ huynh. Việc xếp hàng trắng đêm để chờ mua đơn xin học sẽ không xảy ra nữa.

Q.Ba Đình cũng lựa chọn hình thức bốc thăm vào trường mầm non từ vài năm gần đây. Theo quy trình, các trường sẽ yêu cầu phụ huynh có hộ khẩu đúng tuyến đến trường để đăng ký tuyển sinh. Sau khi đăng ký, phụ huynh nhận được giấy hẹn cụ thể về ngày phát hành đơn xin học. Nếu số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu mà trường có thể nhận thì sẽ tiến hành bốc thăm, còn nếu ngược lại thì sẽ phát đơn cho tất cả phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ (đã đăng ký).

Theo tìm hiểu của PV, cũng có hiện tượng phụ huynh chưa có nhu cầu gửi con vào trường nhưng do có hộ khẩu đúng tuyến tuyển sinh nên vẫn đăng ký đi bốc thăm để sử dụng tờ thăm đó vào mục đích khác.

Một phụ huynh ở khu vực Thanh Xuân Bắc cho biết năm ngoái gia đình anh đi bốc thăm vào trường mầm non trên địa bàn phường cho con, chẳng may bốc phải tờ thăm “không có đơn”. Sau đó, anh đã “mua” lại tờ thăm “có đơn” của một phụ huynh khác với giá vài triệu đồng.

Về vấn đề này, rõ ràng nhà trường rất khó kiểm soát vì trên nguyên tắc, học sinh có hộ khẩu đúng tuyến thì phụ huynh sẽ được quyền đăng ký đi bốc thăm cho dù họ có nhu cầu gửi trẻ hay không.

Do mục tiêu phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi nên trong kế hoạch tuyển sinh của tất cả các quận huyện đều nêu rõ: “Ưu tiên tuyển sinh trẻ 5 tuổi”. Do số lượng trường lớp có hạn nên các trường đều thông báo tuyển sinh trước trẻ 5 tuổi, sau khi đã nhận hết trẻ 5 tuổi theo nhu cầu của người dân thì việc tuyển sinh trẻ 4 tuổi trở xuống mới được thực hiện.

Việc ưu tiên phổ cập mẫu giáo 5 tuổi khiến những lớp nhà trẻ vốn đã lép vế trong trường mầm non lại ngày càng teo tóp dần. Phụ huynh có con từ 2 tuổi trở xuống thường phải tự thân vận động, nếu không tìm được chỗ gửi trẻ ở cơ sở tư thục như ý thì phải thuê người giúp việc hoặc “nhắm mắt” gửi con vào một nhóm trẻ gia đình (dù biết không hề được cấp phép) để đi làm.

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.