Khán giả được chiều chuộng đến mức BTC rải cả chiếu để ai muốn nằm xem cứ tự nhiên. Trà nước, đồ ăn nhẹ cũng được chuẩn bị, khán giả có thể nhâm nhi kèm với phim. Khán giả tuy ít nhưng tỏ ra “chất”, cá tính. Một số nam khán giả ăn mặc rất cầu kỳ, trong khi một số khán giả nữ lại rất phủi.
Phim trong liên hoan chủ yếu nói về các nhân vật có giới tính hoặc cách thể hiện giới tính khác lạ với số đông. Tiếng Anh có một từ để gọi họ: “queer”. Có vẻ như từ này không nặng về phân chia xu hướng tính dục như LGBT mà thiên về lối sống, cách thể hiện khác với chuẩn giới phổ thông. Chả thế mà liên hoan tên là Queer Forver, tổ chức lần đầu năm 2013, đến nay là lần thứ ba. Liên hoan cũng có những phim nội dung không liên quan đến queer, nhưng để được chiếu ở đây, tác giả của chúng phải là queer. Và vì thế, tác phẩm hẳn sẽ thể hiện một quan điểm, phong cách queer.
Phim dài nhất của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus - Đi tìm Phong, tiếng rưỡi, vừa được một trong 5 giải lớn của Liên hoan phim Jean Rouch (Pháp) 2015 nói về hành trình chuyển giới (từ nam sang nữ) của Lê Ánh Phong - họa sĩ quê Quảng Ngãi. Được sự quan tâm ủng hộ của gia đình và những người xung quanh, Phong không phải chịu nhiều áp lực từ sự kỳ thị cũng như không lo thiếu tiền để sang Thái chuyển giới. Phim có nhiều đất để bóc tách quá trình biến đổi tâm sinh lý của một chàng trai học cách làm con gái. Phim lồng ghép cả những nhật ký bằng video do chính nhân vật tự thực hiện. Có thể thấy sự cởi mở và bền bỉ của nhân vật góp phần làm nên thành công của phim.
Xem xong chùm phim của các nghệ sĩ Thái Lan, một nhà làm phim Việt Nam tỏ vẻ ngạc nhiên, sao phim của các bạn không thấy có sự đấu tranh vì quyền lợi của LGBT. Các bạn Thái cười, trả lời đại ý ở Thái những chuyện đó đã qua rồi.
Chùm phim Thái hầu hết mang tính thể nghiệm, khá khó xem. Một nghệ sĩ tỏ ra hoàn toàn thoải mái với thân thể của mình qua việc khỏa thân để nhảy múa hoặc nấu cà-ri trong cả hai phim, phim của chính mình và phim của bạn. Có phim chỉ quay cảnh bầu trời để minh họa cho giọng đọc một bài gì như thơ. Lại có phim từ đầu đến cuối chỉ quay miệng của người kể chuyện… Phim dễ xem nhất có lẽ là Chất dịch trong cơ thể mạnh thật (Bodily fluid is so revolutionary) dài 40 phút của đạo diễn R. Boonbunchachoke. Kể về cặp đồng tính nam rất yêu nhau nhưng không thể chung đụng vì người này dị ứng với các loại dịch (kể cả mồ hôi) của người kia. Kết phim đầy hài hước khi cho nhân vật nam đồng tính sau một thời gian bị nữ bác sĩ tán tỉnh đã đồng ý ngủ với bà này trong sự đồng tình của bạn trai… Qua những phim này, có thể thấy người Thái đã thoải mái đến mức “chơi” với sự khác biệt về giới tính, bỏ qua những gì gọi là mặc cảm, kỳ thị từ lâu.
Queer Forever 2016 cũng dành riêng một buổi chiếu cho các phim Myanmar, trong đó có phim tài liệu Người tri kỷ (Soulmate). Phim kể về cuộc sống của cặp đồng giới nữ tại một vùng nông thôn. Hai người sống chung 15 năm, nhận nuôi nhiều trẻ con của các anh, chị trong nhà. Bằng sự kết đôi bền chặt, họ được làng xóm thừa nhận, trở thành một gia đình như bất cứ gia đình nào khác. Nữ đạo diễn Lei Lei Aye cho hay đã quay nhiều cảnh nói về việc họ từng bị kỳ thị ra sao nhưng khi dựng phim quyết định bỏ, chỉ tập trung thể hiện tình yêu của hai nhân vật.
Trương Minh Quý có 3 phim tại liên hoan. Quý sinh 1990, học được một năm tại Trường SKĐA TPHCM thì bỏ, đi theo con đường làm phim tự do. Phim của anh mạnh về ý tưởng. Trong Sao Hỏa nơi đáy giếng, anh đưa khán giả đến thời điểm 2053 khi Sài Gòn đã bị chìm và Buôn Ma Thuột chỉ cao 5m trên mực nước biển. Sau nhiều lần thử nghiệm, Việt Nam đã đưa được người lên Sao Hỏa để… phát triển kinh tế. Thoạt tiên, Quý nghĩ ra nhiều thứ để làm với Người đàn ông có móng tay đỏ, sau vì giận người yêu (cũng là đối tác làm phim) nên cuối cùng phim trở thành phép thử khi tác giả chỉ có phương tiện và nhân lực tối thiểu để làm phim. Trong phim, Quý vào vai người đàn ông tự dưng tỉnh dậy bên bờ sông Loire (Pháp) và không nhớ mình là ai, tại sao ở nơi này. Phim của Quý chiếu ở nhiều liên hoan Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Mới đây, anh được mời dự Berlinale Talents dành cho các tài năng trẻ tại LHP Quốc tế Berlin.
“Hiểu một cách đơn giản nhất, “queer” tức là những người LGBT, đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới. Nói rộng hơn, “queer” là những người “đứng giữa”, không thuộc về bất cứ phân loại liên quan đến giới và tình dục nào trong xã hội, không đồng tình với việc “đặt đâu ngồi đấy”... Queer cho chúng ta thấy cuộc sống đa dạng và nhiều khi không hoàn toàn như ta tưởng tượng”.
(Trích định nghĩa của BTC Liên hoan Nghệ thuật Queer Forver)