Lạ lùng doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất

Nhiều dự án tại Hà Nội đang nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất. Ảnh: Đức Huy.
Nhiều dự án tại Hà Nội đang nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất. Ảnh: Đức Huy.
TP - Chủ đầu tư gặp khó khăn hoặc bỏ trốn nợ thuế, tiền sử dụng đất (SDĐ) có thể hiểu. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư “sống khỏe” vẫn chây ỳ nộp. Bộ Tài chính phải gửi công văn trực tiếp tới Hà Nội đề nghị quyết liệt, đôn đốc xử lý vi phạm tài chính.

Quên thu hay phớt lờ nộp?

Năm 2009, chủ dự án nhà cao tầng 302 Cầu Giấy  là Cty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Cầu Giấy được điều chỉnh tăng thêm 20 tầng, nhưng mãi đến năm 2012, Thanh tra Hà Nội mới phát hiện công ty này nợ thuế, tiền sử dụng đất. Lúc đó, Sở Tài chính (Chi cục Quản lý Công sản) đã tạm tính số tiền sử dụng đất tăng thêm kể trên nhưng không giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp bảo không thể nộp vì không nhận được văn bản nào (dù trước đó thanh tra đã yêu cầu nộp trong vòng 10 ngày). Cục thuế Hà Nội mãi gần đây mới có văn bản gửi UBND Hà Nội đề nghị cho phép tạm thu số tiền kể trên. Cty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Cầu Giấy là thành viên của Tập đoàn Kinh Đô TCI (chủ đầu tư của công trình 8B Lê Trực).

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Cầu Giấy, ông Trần Đức Minh cho biết, từ năm 2012, doanh nghiệp không nhận được một văn bản nào yêu cầu nộp khoản tiền kể trên, nên không thể xem là nợ. Liên lạc với Cục thuế Hà Nội, Phó Cục trưởng Thái Dũng Tiến cho hay, chỉ vài ngày trước, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản chỉ đạo đôn đốc thu khoản này.

Những con nợ khủng

Hà Nội có hàng chục dự án chây ỳ nợ thuế, tiền SDĐ. Nguyên nhân,  là: Dự án gặp vướng mắc liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phương án kiến trúc, đề nghị khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời, điều chỉnh đơn giá thu tiền SDĐ, mất cân đối tài chính,… Một loạt doanh nghiệp nằm trong nhóm này, như: Dự án chung cư 31 Láng Hạ của Tổng Cty Đường sắt nợ 680 tỷ đồng; Dự án 201 Minh Khai của Tổng Cty CP thương mại xây dựng (473 tỷ đồng); Dự án Hòa Bình Green City 505 Minh Khai (216 tỷ đồng); Dự án tại phường Hoàng Liệt (445 tỷ đồng); Khu nhà ở Đồi Dền 366 tỷ đồng; Dự án 109 Nguyễn Tuân (122 tỷ đồng);….

Một loạt dự án khác nợ thuế, tiền SDĐ không rõ lý do (hơn 3.083 tỷ đồng). Những đại dự án trong nhóm này, gồm: Dự án số 53 Triều Khúc của Cty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình nợ 702 tỷ đồng; Tổng Cty Thương mại Hà Nội nợ 207 tỷ đồng với dự án Khu nhà ở và khu phụ trợ cụm công nghiệp thực phẩm Hapro; Tòa nhà 36 Phạm Hùng (55 tỷ đồng); Dự án 108 Nguyễn Trãi (181 tỷ đồng); Dự án 360 Giải Phóng nợ 218 tỷ đồng;…

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính lại có công văn gửi riêng UBND thành phố Hà Nội đề nghị quyết liệt chỉ đạo xử lý sai phạm nghĩa vụ tài chính của các dự án bất động sản trên địa bàn. Công văn do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí ký ngày 4/11 đề nghị Hà Nội rà soát, phân loại các dự án thực hiện trên địa bàn từ đó báo cáo phương án xử lý về nghĩa vụ tài chính đối với các dự án chây ỳ. Thậm chí, bộ này đề xuất không cấp dự án mới với chủ đầu tư chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính.

Hà Nội hiện có khoảng 78 dự án bất động sản trốn nghĩa vụ ngân sách hơn 7.560 nghìn tỷ đồng (tính đến 31/8). Trong đó, tiền SDĐ gần 6.000 tỷ đồng, chiếm hơn nửa tổng số tiền SDĐ mà Tổng cục Thuế thống kê gần đây (khoảng 12 nghìn tỷ đồng). Khi được hỏi về con số này, ông Thái Dũng Tiến từ chối trả lời. Vào thời điểm đó, Cục thuế Hà Nội công bố tổng nợ tiền SDĐ vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG