Người dân cầu tài cầu lộc ngày đầu năm
Cây lộc vừng nằm khuất trong nhà dân ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có tuổi đời hơn 300 năm đang được Sở VH&TTDL Hậu Giang đề nghị Bộ VH&TTDL công nhận cây di sản Việt Nam.
Cây cao khoảng 22 m, đường kính gốc khoảng 8m. Thân cây chính đã mục từ lâu, hiện chỉ còn 2 nhánh phụ. Bên gốc cây lộc vừng cổ thụ này từ xa xưa có miếu thờ, vào ngày 16/3 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ cúng mang đậm nét văn hóa của người dân Nam Bộ. Hơn 2 năm nay, chính quyền địa phương đã xây dựng căn nhà thờ Bà chúa xứ và Mẹ quan âm để người dân thập phương đến viếng.
Bà Bùi Thị Ương, người hằng ngày chăm sóc, quét dọn nơi thờ cúng ở đây cho biết, từ nhỏ đã thấy thân cây chính rất to, cao sừng sững. Sau giải phóng, thân cây chính ngã xuống vì gió bão, mục dần và 2 cây phụ cạnh bên tiếp tục phát triển xanh tốt.
Những người cố cựu ở đây cho rằng, cây lộc vừng cổ thụ này có hơn 300 năm gắn liền với sự hình thành từ khời khẩn hoang của vùng đất Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, năm nay 60 tuổi nhà gần cây lộc vừng nói với phóng viên Tiền Phong rằng: Cây ra bông thường vào tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, tuy nhiên năm nay, lần đầu ra bông đúng vào dịp tết nên rất bất ngờ. "Tôi sống từ nhỏ đến giờ đã 60 năm mới lần đầu tiên thấy cây ra bông như thế này", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, cây lộc vừng mới ra hoa khoảng tuần nay, đặc biệt vào chiều tối hoa nở rất đẹp và tỏa mùi hương thơm, dễ chịu.