Kỳ vọng ở sự chuyển biến đột phá
PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá, sau 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên với quan điểm nổi tiếng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đất nước mới có Hội nghị Văn hóa toàn quốc quy mô, thu hút sự quan tâm của công chúng.
“Hội nghị vừa rồi có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng về văn hóa. Dư luận nhìn chung rất hồ hởi, đặt kỳ vọng lớn ở hội nghị. Những người làm văn hóa kỳ vọng rất nhiều, mong muốn sau hội nghị thì một số vấn đề về văn hóa, di sản văn hóa sẽ đi vào thực tiễn thiết thực hơn, có chuyển biến lớn trong sự phát triển văn hóa của nước ta”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nêu.
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, cùng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngành văn hóa nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thủ tướng vừa ký phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Quyết định về bảo tồn di sản đến năm 2025.
PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. |
“Câu hỏi lớn nhất đặt ra là làm thế nào để những văn bản, quyết định ấy đi vào thực tiễn. Chúng ta đón chờ, phấn khởi khi Tổng Bí thư tới dự và phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Điều đó cho thấy chưa bao giờ văn hóa được đề cao, được nhấn mạnh và được khẳng định như hiện nay. Tôi nghĩ rằng ngành văn hóa không thể chỉ dừng lại ở các quyết định, văn bản mà cần hành động cụ thể”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nêu.
Ông cho rằng, về mặt luật pháp ngành văn hóa cần bổ sung, hoàn chỉnh hoàn thiện các văn bản đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới. Văn hóa có nhiều lĩnh vực, trong đó văn bản pháp luật về văn hóa cần được chỉnh sửa, bổ sung để bắt kịp thực tiễn. Chẳng hạn Luật Di sản văn hóa cần sửa đổi, bổ sung. “Ngành văn hóa cũng cần quan tâm tới cơ chế chính sách để khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nêu.
Trong thời đại công nghệ phát triển, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu cho nên văn hóa cũng cần tiếp cận với kinh tế thị trường, cần nhìn nhận giá trị văn hóa trong kinh tế và ngược lại. “Không thể để văn hóa chỉ mang tiếng là tiêu tiền, văn hóa cũng đáp ứng yêu cầu và có đóng góp vào nền kinh tế. Tôi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngoài đề án cần có chương trình hành động cụ thể, phân công phân nhiệm, chú trọng đầu tư để thực hiện được”, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nêu.
Nghệ sĩ trông đợi hoạt động thiết thực
NSND Thanh Hoa sau khi dự Hội nghị bày tỏ sự bất ngờ khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm tới nhiều vấn đề tồn đọng của ngành văn hóa. “Là một nghệ sĩ, tôi có cảm nhận văn hóa không phải chỉ là âm nhạc, thi ca, điện ảnh…mà văn hóa là cội nguồn, làm nên nhân cách con người”, NSND Thanh Hoa nói.
Cảm động trước những lời tri ân, sự chia sẻ với văn nghệ sĩ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, NSND Thanh Hoa hy vọng, sau Hội nghị Văn hóa Toàn quốc này, nghệ sĩ hiểu rõ hơn vai trò của mình để từ đó có hành động xứng đáng với sự trao gửi, sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. “Tôi rất hy vọng và tin tưởng sẽ có sự đổi mới về văn hóa trong thời kỳ tới. Chúng ta nhận thấy sự tâm huyết, tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho công cuộc đổi mới văn hóa”, NSND Thanh Hoa nêu.
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. |
NSƯT Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam dẫn đầu đoàn nghệ sĩ của Nhà hát dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc hôm 24/11- cảm nhận bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là lời hiệu triệu, vừa là lời chỉ đạo, cũng vừa là sự chia sẻ, tâm sự.
“Chúng ta thấy sự đau đáu của Tổng Bí thư mong muốn văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Chúng ta thấy rõ được rằng, với những luận điểm, với những vấn đề, chỉ đạo của Tổng Bí thư đưa ra rất gần gũi, tạo động lực, niềm tin cho những người làm văn hóa nói chung. Chúng tôi rất tin tưởng vào những thay đổi trong thời gian sắp tới, để đưa văn hóa về đúng giá trị”, NSƯT Xuân Bắc nêu.
Không riêng NSƯT Xuân Bắc, nhiều văn nghệ sĩ nhận thức rằng, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung đều phải luôn luôn tu dưỡng, hoàn thiện để có nhận thức đúng đắn, từ đó tạo ra tác phẩm có giá trị thẩm mỹ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:
Sứ mệnh hệ trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Văn nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật để bảo tồn và lan tỏa những vẻ đẹp, giá trị của văn hóa. Họ làm cho văn hóa được đời sống hóa một cách sống động. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng: văn hóa không bất động, không phải những thứ để ngắm nhìn hay thờ cúng mà nó là một đời sống. Và văn hóa luôn luôn được cộng vào những vẻ đẹp, những giá trị mới của các thời đại.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này mang một sứ mệnh vô cùng hệ trọng-xác lập ở một chiều kích sâu rộng hơn về sứ mệnh của văn hóa, đồng thời cảnh báo những mối đe dọa tới nền văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, văn nghệ sĩ phải trở thành những hạt nhân, tiên phong trong chiến lược văn hóa.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. |
Việc nhận thức chính xác vai trò của văn nghệ sĩ, việc tạo điều kiện mọi mặt và điều quan trọng nhất là giải phóng tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ sẽ là yếu tố then chốt trong việc bảo tồn và thúc đẩy những giá trị văn hóa truyền thống hòa vào đời sống đương đại và phát triển đất nước. Nếu không có các văn nghệ sĩ với những tác phẩm chất lượng thì mọi chiến lược văn hóa mãi mãi ở trong phạm vi của văn bản.
…Nếu lãnh thổ văn hóa bị xóa nhòa thì nền độc lập của bất cứ quốc gia nào cũng bị đe dọa. Người ta có thể đòi lại lãnh thổ địa lý trong một đêm, nhưng khi đã đánh mất lãnh thổ văn hóa thì có thể hàng trăm năm sau mới có thể giành lại được. Một hiện thực cho thấy những vẻ đẹp làm nên văn hóa Việt như khát vọng hòa bình, ý chí độc lập, sự đùm bọc yêu thương, lòng vị tha, hiếu thảo, sự khiêm nhường… đang bị chủ nghĩa thực dụng tấn công. Cách con người ứng xử với thiên nhiên và đồng loại đang ở trong tình trạng báo động mức rất cao. Bởi thế, Hội nghị văn hóa lần này là sự đòi hỏi cấp bách của đất nước. Và chỉ văn hóa mới có thể chữa được những căn bệnh tinh thần và đạo đức cho một xã hội.
TOAN TOAN (ghi)