Kỳ vọng Cấp cao APEC đem lại kết quả thực chất

Ngày 29/10 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Chương trình Tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN.
Ngày 29/10 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Chương trình Tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch APEC CEO Summit 2017, nói rằng, ông kỳ vọng Tuần lễ Cấp cao APEC đem lại những kết quả cơ bản và thực chất trong nhiều lĩnh vực, vì người dân, vì doanh nghiệp.

Ông trông đợi gì ở Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6-11/11 tại Đà Nẵng?

Năm APEC 2017, trong đó có Tuần lễ Cấp cao APEC, là sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam trong năm nay. Vì vậy, tôi kỳ vọng Năm APEC 2017 tạo động lực mới cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Tuần lễ Cấp cao APEC đem lại những kết quả cơ bản và thực chất trong nhiều lĩnh vực, vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu trong thế kỷ 21.

Chủ đề hoạt động cho năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, nên tôi trông đợi cả 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB, OECD… chung tay thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, các nền kinh tế APEC sẽ hiện thực hóa 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017, bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, tôi trông chờ các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp khả thi, hiệu quả để hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư vào năm 2020 trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, trở thành nhân tố đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017 cũng như những năm sau đó.

Tôi hy vọng APEC sẽ duy trì được đà liên kết khu vực trong khuôn khổ các Hiệp định như Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…, hướng tới hình thành Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Tại APEC 2016 ở Peru, các thành viên APEC đã thông qua “Tuyên bố Lima về FTAAP”, trong đó nhấn việc xây dựng năng lực và thúc đẩy các cách tiếp cận hướng tới hình thành FTAAP.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, VCCI sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) và Hội nghị Thượng đỉnh các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit). Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam được tổ chức ngày 7/11 với chủ đề “Vietnam: We mean Business!” (Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng, bao gồm những thay đổi trong cải cách, định hướng thị trường mới nổi, các cơ hội hội nhập và kinh doanh của Việt Nam. Đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tiếng nói và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Cũng qua đây, các doanh nghiệp từ các nền kinh tế thành viên APEC khác có thể hiểu rõ hơn về những cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tiếp cận cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

APEC CEO Summit được tổ chức từ 8-10/11 sẽ là diễn đàn đối thoại giữa các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế năng động nhất trên thế giới cùng hơn 2.000 lãnh đạo, tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. APEC CEO Summit năm nay sẽ là dịp quan trọng để các doanh nghiệp, lãnh đạo các nền kinh tế cùng nhau thảo luận về tương lai kinh tế thế giới, biện pháp cải cách, mở cửa và tăng cường kết nối nhằm thúc đẩy thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và các nhà lãnh đạo khác sẽ gặp mặt và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi hy vọng rằng, các cuộc đối thoại tại APEC CEO Summit sẽ tạo cú hích cải cách thể chế, sẽ tạo làn sóng đầu tư, startup… ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Không chỉ đem lại những kết quả về thương mại, đầu tư, APEC 2017 chắc chắn sẽ góp phần nâng cao sự tin tưởng chính trị, tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong cả khuôn khổ đa phương và song phương. Tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Ngoài ra, tôi tin rằng, thông qua APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao với sự tham dự của các nguyên thủ, trưởng đoàn đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, sẽ có thêm nhiều bạn bè quốc tế biết đến một Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng phát triển, tích cực hội nhập… Từ đó, Việt Nam có cơ hội nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế.

Kỳ vọng Cấp cao APEC đem lại kết quả thực chất ảnh 1 Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc.

Ông nghĩ APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao, có tác động thế nào tới chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam?

Tôi mong đợi APEC 2017 sẽ có tác động tích cực đối với Việt Nam cả về đối nội và đối ngoại. Chính sách đối nội có thể tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao vai trò kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, quan tâm hơn đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… Sự tương tác giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách sẽ góp phần dẫn tới sự hình thành các chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Về đối ngoại, tôi nghĩ Việt Nam sẽ có thêm các chính sách, chương trình, dự án để đưa hợp tác song phương với nhiều nền kinh tế thành viên APEC lên một tầm cao mới. Hiện nay, 13 trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia và Singapore.

Đây cũng là dịp để Việt Nam trao đổi với các nền kinh tế thành viên khác trong khuôn khổ đa phương và song phương về tình hình kinh tế thế giới; về phương hướng, chiến lược, biện pháp cụ thể làm sâu sắc hơn các quan hệ hữu nghị và hợp tác; đẩy mạnh phối hợp tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.

Về chính sách, đường lối đối ngoại, Việt Nam sẽ càng củng cố quyết tâm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, vùng lãnh thổ, trong đó ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chủ động đàm phán, ký kết với nhiều nước trong và ngoài khu vực những khuôn khổ quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện cho thế kỷ 21… Tôi hy vọng, trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế có liên quan TPP sẽ đạt được các thỏa thuận tiếp tục thực hiện các cam kết đã đạt được nhằm đẩy mạnh liên kết khu vực.

Theo ông, Việt Nam nên có những biện pháp gì để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước lớn trong khuôn khổ APEC?

Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam nên tận dụng các lĩnh vực lợi thế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… để tăng cường hợp tác sâu rộng, kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho
các bên.

Với Mỹ, chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của 2 nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh như công nghệ cao, chế tạo, năng lượng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, môi trường, giáo dục…, đồng thời tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Với Trung Quốc, Việt Nam nên kêu gọi các quỹ đầu tư, tập đoàn Trung Quốc nghiên cứu, đầu tư hoặc đề xuất các dự án mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng... với các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Chúng tôi cũng mong muốn Trung Quốc rộng mở thị trường đối với nông - thủy sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử, than… của Việt Nam.

Đối với các nhà đầu tư khác như từ Nhật, Nga và nhiều nước khác, Việt Nam vẫn tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo, điện tử, năng lượng, khai khoáng…

Cảm ơn ông.

APEC 2017 - Lửa thử vàng

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã mới đây, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC, nói rằng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong bối cảnh môi trường an ninh và phát triển quốc tế có nhiều thách thức như hiện nay và bản thân Diễn đàn APEC cũng đứng trước thách thức phải khẳng định vai trò trong cục diện khu vực đa tầng nấc, mong rằng các kết quả của Hội nghị Cấp cao sẽ khẳng định quyết tâm của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tiếp tục thúc đẩy hợp tác, hội nhập và liên kết sâu rộng hơn giữa các thành viên, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hợp tác APEC, góp phần xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, tự cường, gắn kết và thịnh vượng.

“Năm 2020 đang tới gần. Cùng với đó là thời hạn hoàn tất triển khai các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư và chuẩn bị cho APEC bước sang thập kỷ phát triển thứ tư. Trong tình hình đó, tôi mong các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ chia sẻ tầm nhìn về hướng đi tương lai của Diễn đàn sau năm 2020 và chỉ đạo các bước cần triển khai để định hình tương lai này”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.               

Gia Tùng

MỚI - NÓNG