Ký ức về Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên

TP - Nghệ sĩ piano, Nhà giáo nhân dân (NGND) Thái Thị Liên được nhiều người biết đến là thân mẫu của danh cầm Đặng Thái Sơn. Ngoài ra bà còn có thời thanh niên hoạt động cách mạng sôi nổi cả ở trong và ngoài nước. Bà cũng là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền móng âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam.

Nhà Lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: 'Bà là thầy của rất nhiều người thầy'

Năm 1951, vừa tốt nghiệp Nhạc viện Praha, bà ôm con gái 22 tháng tuổi bay từ Tiệp đến Bắc Kinh, rồi theo đường bí mật trở về Việt Nam. Dù phải bỏ lại quần áo, đồ dùng, nhưng sách nhạc bà nhất định phải mang theo. Gia tài ấy chẳng may bị mất hết trong lúc chạy bom, may còn giữ lại được tấm bằng tốt nghiệp Nhạc viện.

Ký ức về Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên ảnh 1

NSND Phạm Ngọc Khôi cùng nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu thăm bà Thái Thị Liên tháng 1/2018. Ảnh: Phương Vũ

Ngày lánh tạm nhà dân, đêm địu con cuốc bộ xuyên rừng với hai bàn chân trần sưng tấy, sau hai tuần bà mới về tới ATK (an toàn khu) cùng người chồng đang bệnh nặng. Bàn tay nghệ sĩ dương cầm làm đủ thứ, kể cả nuôi gà, nuôi lợn, chăn dê… Bà thèm vô cùng được đặt tay lên phím đàn. Dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp để tuyên truyền địch vận hay hát cho bọn trẻ ở lớp học chữ nghe giúp bà được gần âm nhạc hơn. Bà chính thức hoạt động âm nhạc từ khi tham gia Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương, là nơi bà gặp người chồng sau này - chính trị viên của Đoàn, nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng.

Sau hòa bình lập lại, bà Thái Thị Liên cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ, Lê Yên, Doãn Mẫn, Vũ Thuận là những người thầy đầu tiên đặt nền móng cho Trường Âm nhạc Việt Nam. Trong đó bà là người duy nhất có bằng đại học về âm nhạc.

Nhiệm vụ cấp bách được giao cho vị Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa piano là tìm giảng viên. Bà tập hợp được một số cô giáo dạy đàn nghiệp dư tại Hà Nội lúc bấy giờ rồi bồi dưỡng thêm về chuyên môn trong gần một năm. Bà không những gánh vác vai trò đầu tàu trong đào tạo, còn đảm đương cả hoạt động biểu diễn. Buổi biểu diễn đầu tiên của khoa Piano là chương trình Chopin do hai “nữ tướng” Thái Thị Liên và Vũ Thị Hiển (thân mẫu của nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh) trình bày. Bà còn đi diễn cùng các chuyên gia, kể cả lúc đang mang bầu sáu tháng cậu con trai út...

Ký ức về Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên ảnh 2

NGND Thái Thị Liên là một trong bảy người đặt nền móng cho trường Âm nhạc Việt Nam

Cuộc đời của bà lại sang trang sau chiến thắng của Đặng Thái Sơn tại cuộc thi Chopin 1980. Bà theo con ra nước ngoài và trở thành thư ký, kiêm quản lý, kiêm nội trợ cho con. Trở về sống ở Hà Nội trong những năm gần đây, bà không những vẫn làm bạn với cây đàn, mà còn đi nghe hòa nhạc, theo dõi trực tuyến các cuộc thi piano quốc tế. Bà dự hầu hết các buổi thi và biểu diễn báo cáo của Concours Piano quốc tế 2015 tại Hà Nội. Bà dành nhiều thời gian và mối quan tâm cho các thế hệ sau, chia sẻ kinh nghiệm với các giảng viên trẻ và khích lệ những em có năng khiếu.

Lần cuối cùng tôi gặp bà vào 27 tháng Chạp năm Nhâm Dần (2022). Bà hơi mệt nhưng vẫn cố nói nhiều, thương lắm nên tôi không dám ngồi lâu. Cứ ôm bà, can khi bà cố nói và hẹn lần tới bác khỏe hơn bác cháu mình tâm sự thật nhiều...

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc viết trên Facebook về NGND Thái Thị Liên: “Cuộc đời của bác là một bức tranh toàn cảnh lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam trên 100 năm qua. Trải qua bao hi sinh, gian khó, bác đã dâng cho cuộc đời những người con tầm vóc lớn lao, đi vào lịch sử văn hóa của Việt Nam và quốc tế”.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nói với Tiền Phong: “Tôi không phải học sinh chính thức của bác. Thỉnh thoảng có giờ lên lớp với bác. Hồi đó nghiêm túc lắm. Nếu thầy dạy của mình nghỉ thì phải chuyển cho người khác dạy, chứ không để gián đoạn... Bác là đại trí thức, con nhà danh gia vọng tộc. Nhưng hồi đó không ai biết về gia đình của bác. Nên sau này mình cũng bất ngờ. Ngày xưa bác cũng kham khổ như mọi người. Đặng Thái Sơn sinh ra trong thời gian khó có người mẹ vừa nuôi nấng cả về thể chất cả về tâm hồn nên tình cảm mẹ con gắn bó rất sâu sắc, máu thịt”.

NSND Phạm Ngọc Khôi: 'Chúng tôi gọi bà sư tổ'

Tôi thi vào Khoa piano năm 1971, người đưa tôi vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp là bà. Tôi được học với bà từ nhỏ. Bà là người được học hành bài bản đầu tiên ở nước ngoài về nên mọi người tranh thủ học bà được rất nhiều. Hồi tôi mới đến học, bà nhìn vào hai bàn tay tôi nói: “Khôi có tay mười tay tám”. Lúc đấy tôi không hiểu. Hóa ra người rất nhà nghề mới phát hiện ra tay thuận của mình phát triển hơn tay kia. Khi dạy, bà khắc phục cho tôi trở thành hai tay như một.

Nhìn lại Trường Âm nhạc Việt Nam mà bà là một trong 7 người đặt nền móng, chỉ 24 năm sau khi thành lập đã có Đặng Thái Sơn - Nhất Concour Chopin. Sơn chỉ học ba năm ở Liên Xô cũ thôi nhưng đến mười mấy năm ở trường Âm nhạc Việt Nam, chủ yếu mẹ dạy. Tôn Nữ Nguyệt Minh năm 1974 đi thi Concour Tchaikovsky với mấy chục nước tham gia vẫn vào đến vòng 2, cả Ngô Văn Thành bên violon. Phải nói đó là sự thần kỳ, ngoài tài năng cá nhân của nghệ sĩ, còn phải nhờ người thầy có trình độ, phương pháp, tầm nhìn để tìm ra cách tiếp cận với thế giới nhanh như vậy.

Bà có đóng góp lớn trong xây dựng nền tảng giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp. Chúng ta hội nhập với thế giới một cách toàn diện từ phương pháp học piano. Không chỉ rất giỏi về phương pháp sư phạm, bà còn sáng tác kế thừa dân ca để đưa vào giáo trình. Hầu như bà tự làm một mình vì dù ở trong tập thể nhưng những người còn lại không được đào tạo bài bản như bà. Bà đã sớm nhìn rất xa sự toàn diện của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam phải mang màu sắc Việt Nam. Những chuyên gia nước ngoài gặp bà cũng nể lắm. Chúng tôi gọi bà là “sư tổ”.

Tiếng đàn của bà rất hay, bay bổng, thả lỏng, cảm tưởng nghe như tiếng hát ấy. Ấn tượng vô cùng sâu sắc về thẩm mỹ âm nhạc đến tai của học sinh. Cái đó không giải thích bằng miệng được, mà phải thị phạm. Cách đây hơn 50 năm rồi mà đến giờ tôi vẫn nhớ.

Với nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang, nhà giáo Thái Thị Liên là một đại thụ, một nghệ sĩ với sức sống và năng lượng âm nhạc không bao giờ cạn, mãi là cảm hứng cho thế hệ sau. Lưu Hồng Quang biết đến bà qua người thầy của mình - NSND Đặng Thái Sơn. “Tôi chưa học với cụ bao giờ, nhưng từ lúc theo học chú Đặng Thái Sơn tôi đã được nghe rất nhiều về cụ. Sau khi tốt nghiệp năm 2015, lần nào về Việt Nam biểu diễn hoặc thăm nhà, tôi cũng tới thăm cụ Liên”, anh kể.

Lưu Hồng Quang vẫn nhớ dáng vẻ đầy năng lượng khi nhà giáo Thái Thị Liên trò chuyện, cười nói. Anh ấn tượng với trí nhớ siêu phàm của bà khi nói về các thế hệ học sinh: “Ở tuổi 96, cụ vẫn đi bơi và tập đàn 2 tiếng một ngày. Năm 2017 khi tôi lên thăm, cụ còn đánh cho tôi nghe 2 bản Mazurka của Chopin. Tôi ngỡ ngàng, khâm phục và tự hào khi được nghe cụ đàn trực tiếp. Sự dẻo dai, tài năng của cụ thật đáng kinh ngạc”.

Ngọc Ánh

Tin liên quan