Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - một thế kỷ bên phím dương cầm

TPO - Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên đã gắn bó cả thế kỷ với âm nhạc. Bà biết đàn từ năm bốn tuổi, trước khi học chữ. Bà tự nhận mình là người mẹ, nhà giáo hạnh phúc khi các con, cháu, thế hệ học trò của bà đều đam mê và có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. 

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên sinh ra trong một gia đình đặc biệt ở TPHCM. Cả 7 anh chị em của bà đều biết đàn trước khi biết chữ, là niềm tự hào của người người cha - kỹ sư Thái Văn Lân. Bà Thái Thị Liên là con thứ tư, học chơi piano từ năm 4 tuổi. Năm 16 tuổi, bà có buổi công diễn đầu tiên ở Tòa thị chính Sài Gòn.

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - một thế kỷ bên phím dương cầm ảnh 1

7 người con của kĩ sư Thái Văn Lân bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Ảnh: TL.

Bà sang Pháp du học năm 1946, lập gia đình rồi cùng chồng công du Tiệp Khắc cũ. Bà là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Praha danh tiếng với tấm bằng xuất sắc. Năm 1951, bà Thái Thị Liên cùng chồng về Việt Nam tham gia cách mạng. Năm 1954, bài dân ca Nam Bộ do bà soạn lại, đệm đàn và thu âm tại Thượng Hải đã vang lên trên đài phát thanh, mừng Thủ đô giải phóng.

Sau khi trường Âm nhạc Việt Nam thành lập, bà phụ trách bộ môn piano. Những nghệ sĩ piano đầu tiên thành danh từ ngôi trường này, hầu hết là học trò của nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên. Trong số đó có hai con của bà - Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà, nguyên giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và NSND Đặng Thái Sơn - người châu Á đầu tiên giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin (con chung duy nhất của bà Thái Thị Liên và người chồng thứ hai - nhà thơ Đặng Đình Hưng).

Con trai cả của bà là kiến trúc sư Trần Thanh Bình - được coi như "thư ký" trọn đời của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên. Dù không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng ông tiếp xúc với âm nhạc từ khi còn nhỏ. Ông là con trai của bà Liên và ông Trần Ngọc Danh.

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - một thế kỷ bên phím dương cầm ảnh 2

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên biểu diễn ở đêm nhạc Trăm mùa thu vàng (2017).

Khi đã ở tuổi 102 tuổi, bà Thái Thị Liên vẫn ngồi bên phím đàn, nhẩm lại những bản nhạc quen. Đó là cách để nghệ sĩ rèn luyện trí nhớ. Gặp lại các học trò cũ, bà đọc chính xác tên, ôm, hôn má từng người dù sức khỏe đã yếu, không trò chuyện được nhiều.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng là học trò xuất sắc của bà. Năm 7 tuổi, ông được dạy những nốt nhạc đầu tiên. "Mỗi lần đến phố Tống Duy Tân, bước lên chiếc cầu thang bằng gỗ để học đàn do bác Liên dạy, tôi đều hồi hộp vì sợ... muộn giờ", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể.

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - một thế kỷ bên phím dương cầm ảnh 3

Bà Thái Thị Liên thời thiếu nữ. Ảnh: TL.

Nhà giáo Phương Chi - người thuộc thế hệ học trò đầu tiên của bà Thái Thị Liên cho biết bà truyền dạy nhiều bài học quý, không chỉ trong âm nhạc mà trong cả đời sống.

Với NSND Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ Thái Thị Liên vừa là mẹ, vừa là thầy. "Tôi thành danh từ cuộc thi Chopin. Người mang lại cho tôi tình yêu với nhạc Chopin cũng là má tôi", NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ trong chương trình Quê hương mùa đoàn tụ Tết 2020.

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - một thế kỷ bên phím dương cầm ảnh 4

NSND Đặng Thái Sơn được truyền tình yêu âm nhạc từ mẹ. Ảnh: GĐCC.

Theo lời kể của con trai, nhà giáo Thái Thị Liên rất thích hát và có giọng hát hay. Nếu không bị ảnh hưởng bởi bệnh phổi, bà có lẽ đã trở thành ca sĩ. Khi dạy học, bà rất nghiêm khắc khiến các con cũng phải sợ. "Má tôi sợ con cái, học trò kiêu căng. Ít khi má khen trực tiếp. Đó cũng là động lực để tôi vươn lên", NSND Đặng Thái Sơn kể.

Đăng Quang - con trai của ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Quốc Trung tiết lộ đàn cho cụ Liên nghe còn hồi hộp hơn cả thi học kỳ.

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên từng nói bà vừa là người mẹ hạnh phúc, vừa là nhà giáo hạnh phúc khi có những người con gắn bó với nghệ thuật, những thế hệ học trò đóng góp cho âm nhạc nước nhà.

Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên qua đời lúc 9h37 sáng 31/1, tại Hà Nội, hưởng thọ 106 tuổi.

Năm 2020, NSND Đặng Thái Sơn về nước ra mắt sách Đặng Đình Hưng - Một bến lạ. Ông có nhiều chia sẻ xúc động về người cha quá cố - nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng và mẹ là nghệ sĩ Thái Thị Liên. Ông Đặng Đình Hưng sớm đặt tên con trai từ khi Đặng Thái Sơn khi chưa ra đời. Ngoài nghĩa “Công cha như núi Thái Sơn”, chữ "Thái" này còn có ý nghĩa khác, lấy theo họ mẹ - nghệ sĩ Thái Thị Liên.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn kể: “Nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu sao hai ông bà lại lấy nhau vì quá khác nhau. Má cởi mở gần phương Tây hơn, bố lại rất truyền thống”, NSND Đặng Thái Sơn nói. Cuối cùng Đặng Thái Sơn nhận ra, chính là do ở họ luôn có sự chân thật.

NGUYÊN KHÁNH

Tin liên quan