Lần đầu cầm súng
Vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về nhà Đại tá Nguyễn Hải Hùng tại một khu tập thể quân đội trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Hùng điềm tĩnh ghi tỉ mỉ tên tuổi, đơn vị công tác của phóng viên. Ở tuổi gần 90, người ta có thể quên những cái của hiện tại, nhưng lại thường nhớ về quá khứ, đặc biệt, khi nói về cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, ông Hùng vẫn nhớ như in từng sự kiện.
18 tuổi, người thanh niên Nguyễn Hải Hùng được giác ngộ cách mạng, rồi tham gia tổ chức ở một cơ sở Việt Minh ở ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1940 - 1945, Thành ủy Hà Nội có tới 7 Ban chấp hành bị tan rã do địch khủng bố, bắt bớ.
Trước tình hình đó, Thành ủy có chỉ thị mở rộng căn cứ ra bên ngoài để nội và ngoại thành trở thành một căn cứ liên thông mạnh mẽ. Ông Hùng được giao nhiệm vụ tổ chức bằng được phong trào Việt Minh và kiêm nhiệm vụ Đội trưởng Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội. Cái gì khó khăn nhất của cách mạng, đội tự vệ xung phong phải đảm nhận.
Ông Hùng được giao nhiệm vụ phải tuyên truyền bằng được đường lối của Mặt trận Việt Minh và tổ chức được phong trào quần chúng nhân dân. Quần chúng càng lớn mạnh thì cơ sở hoạt động của Việt Minh càng vững vàng. Nhiệm vụ của đội thanh niên xung phong là phải trấn áp, vô hiệu hóa, hoặc lôi kéo những người lầm đường lạc lối tham gia cách mạng.
Mặt khác, ông Hùng còn phải tổ chức đội tự vệ xung phong ngoại thành với mục tiêu phải có súng trong tay. Để làm được điều này, đội tự vệ đã khôn khéo vận động những tên lính ở Pháo Đài Láng bán súng cho Việt Minh.
Những ngày Nhật đảo chính, ông Hùng và đồng đội mò súng dưới sông Hồng do bọn chúng ném xuống, rồi đem về ngoại thành trang bị cho anh em. Gần đến ngày khởi nghĩa, lực lượng xung phong ngoại thành đã có 8 khẩu súng trường và gần 10 khẩu súng lục.
Khi Nhật hạ Pháp, xứ ủy Bắc Kỳ cũng như Thành ủy Hà Nội tổ chức phổ biến chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nghiên cứu xong chỉ thị, ông Hùng lập tức về tập hợp anh em, bàn bạc kế hoạch cho ngày khởi nghĩa.
Lớp huấn luyện đặc biệt nhanh chóng được mở tại nhà ông Nguyễn Tạo ở Láng Hạ, vừa phổ biến chỉ thị vừa huấn luyện quân sự. Trong đó, môn bắn súng trường được anh em rất phấn khởi vì lần đầu tiên được tiếp xúc với loại vũ khí hiện đại này.
Gần ngày khởi nghĩa, Nhật đầu hàng đồng minh, nhân dân vô cùng phấn khởi. Không còn chỗ cho sự do dự. Ngày 17/8/1945, thanh niên công chức của chính quyền bù nhìn đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Việt Minh đã đứng lên phá cuộc mít tinh này. Kết quả là, nhân dân Hà Nội đã công khai theo Việt Minh.
Ngay chiều tối hôm đó, Thành ủy Hà Nội đã nhận định, thời cơ cách mạng đã đến. Một hội nghị do Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết chủ trì được tổ chức. Ba vị trí trọng yếu được phân công cụ thể: Đồng chí Nguyễn Quyết trực tiếp phụ trách khu vực Bảo An Binh, đồng chí Trần Quang Huy phụ trách Bắc Bộ Phủ, và khu vực ngoại thành được giao cho đồng chí Nguyễn Hải Hùng.
Giây phút làm chủ thật đặc biệt
Nhiệm vụ then chốt của ông Nguyễn Hải Hùng lúc đó là chiếm Đại Lý Hoàn Long - cơ quan cai trị ngoại thành của chế độ cũ, khu vực già nửa đất đai ngoại thành Hà Nội. Đứng đầu cai quản Đại Lý Hoàn Long là Tuần phủ Đặng Vũ Liết. Đây là một nhiệm vụ cấp thiết, phải làm trước tiên để xem quân Nhật có can thiệp nữa không?
Nhận được nhiệm vụ, ông Hùng tổ chức một cuộc họp khẩn, bàn kế hoạch tác chiến, giải phóng ngoại thành. Theo đúng kế hoạch, đến khoảng 9 giờ ngày 19/8/1945, đoàn biểu tình tiến ra khu vực Thái Ấp.
Hàng ngàn quần chúng nhân dân, không phân biệt già trẻ, gái trai, cứ gặp là gia nhập đoàn biểu tình. Đội tự vệ đi đầu, quần chúng theo sau, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Quân Nhật chạy theo đoàn theo con đường số 6, rồi từ trong ô tô chĩa súng vào đoàn biểu tình nhưng không dám động thủ.
Ta một đường, quân Nhật một đường, thấy địch có súng, lúc đầu còn hơi sợ, nhưng sau đó khí thế lại càng dâng cao. Đây được xem là một thành công bước đầu, cho thấy kẻ địch đã chùn tay bởi mặc dù được trang bị súng hiện đại nhưng không dám manh động.
Lúc này, ở Đại Lý Hoàn Long có hàng chục tên lính được trang bị súng ống đầy đủ. Không hề sợ hãi, ông Hùng dẫn đầu đoàn tiến thẳng vào. Nắm bắt được tâm lý đang hoang mang lo sợ của địch, ông Hùng thuyết phục số lính gác nộp súng cho Việt Minh.
Vẫn ngoan cố, một tên lính gác nói phải chờ lệnh quan cai trị Đặng Vũ Liết. Ông Hùng kiên quyết: “Không chờ được”. Trên thực tế lúc đó Đặng Vũ Liết đã bỏ trốn, mãi đến tối mới dám mò ra trình diện. Thế là toàn bộ lính ở Đại Lý Hoàn Long phải giao súng, đầu hàng Việt Minh.
Ngay lập tức, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành tiếp quản, kéo một lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước cửa Đại Lý Hoàn Long. 10 giờ ngày 19/8/1945, toàn bộ khu vực ngoại thành thuộc về Việt Minh. Ngay sau đó, người dân tiếp tục kéo vào nội thành để tham dự cuộc mít tinh vào 12 giờ cùng ngày.
Tiếp nối thành công này, nhiều khu vực khác ở Hà Nội hừng hực khí thế, vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Nhưng khó khăn lớn nhất là việc chiếm đóng trại Bảo An Binh. Dù đã chiếm được Bảo An Binh, lính ở đó cũng đã đầu hàng, nhưng ngay sau đó Nhật điều xe tăng đến. Cuộc thương thuyết sau đó kéo dài và cuối cùng đã thành công vang dội.
“Dù đã 70 năm rồi nhưng những ký ức về cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi. Chỉ trong một ngày, từ nô lệ chúng ta đã trở thành người làm chủ. Cũng chỉ một ngày, tất cả những thứ gì của Pháp, của Nhật đã thuộc về Việt Minh. Giây phút lần đầu được làm chủ đất nước thật đặc biệt”, Đại tá Nguyễn Hải Hùng xúc động chia sẻ.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nguyễn Hải Hùng lại hăng hái lên đường, chiến đấu bảo vệ vùng duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng. Sau đó, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị chính trị viên tiểu đoàn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Hùng chiến đấu 8 năm trên đất Quảng Trị. Năm 1973, ông Hùng ra Bắc làm thầy giáo dạy lý luận Mác- Lê Nin tại học viện cấp cao cho đến khi nghỉ hưu.