Ký túc xá độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Ký túc xá độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Lúc đầu tôi nghĩ đây là ký túc xá (KTX) “độc” ở Đà Nẵng, nhưng hỏi đi hỏi lại nhiều người, chưa ai thấy có cái nào tương tự tại miền Trung cũng như cả nước. Đó cũng có thể gọi là một ngôi nhà chung tập trung hơn 100 sinh viên là con em của 20 dân tộc thiểu số đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Mỗi giáo viên, cán bộ nhân viên Trường Cao đẳng Đức Trí kèm từ 3-5 sinh viên dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Thu trò chuyện, thăm hỏi nhóm sinh viên do mình phụ trách
Mỗi giáo viên, cán bộ nhân viên Trường Cao đẳng Đức Trí kèm từ 3-5 sinh viên dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Thu trò chuyện, thăm hỏi nhóm sinh viên do mình phụ trách.

Ngày nhận giấy báo nhập học của Trường Cao đẳng Đức Trí Đà Nẵng, mẹ của A Hên (xã Măng Bút, H. Kon Plong, tỉnh Kon Tum) lo lắng dặn dò con trai, rằng ở thành phố không giống rừng núi bao la của người Xơ Đăng, chuyện ăn ở, đi lại rồi cả giấc ngủ cũng khác.

A Hên tung hoành khắp nơi trên những ngọn núi cao hay các khu rừng vắng như những chàng trai Xơ Đăng khác, nhưng đi xa lắm thì cũng mới xuống tỉnh. Giờ được xuống phố đi học thì vui mừng lắm nhưng cũng lo lắng bội phần. “Mẹ bảo đi học để kiếm cái nghề, khỏi phải phụ thuộc vào mấy mẫu lúa nước. Nhưng ở thành phố khó sống mà dễ hư, cái gì cũng phải cẩn thận, xuống đó rồi không ai lo cho mày nữa hết”, A Hên kể.

Rồi cậu cũng xách ba lô lên đường. Tiền học thấy mẹ đưa đủ, nhưng cậu biết là phải vay mượn nhiều nơi. Cậu được cô giáo ra tận bến xe Đà Nẵng đón về ở trong tòa nhà 5 tầng.

Không như những hình dung về việc phải đôn đáo tìm nhà trọ với giá mấy trăm nghìn đồng mỗi tháng, KTX mà Hên ở có hàng trăm bạn bè, và may mắn hơn nữa, cậu được ở chung với A Chàng và A Hậu, cũng là 2 tân sinh viên người Xơ Đăng của tỉnh Kon Tum. Đang ngồi học bài sau giờ lên giảng đường, cô sinh viên năm đầu Phan Thị Hiếu (người dân tộc Cơ Tu, H. Nam Đông, TT-Huế) vui vẻ kể: “Lần đầu tiên được cô giáo dẫn lên phòng KTX, em ngạc nhiên vì mỗi bạn trong phòng nói một thứ tiếng.

Hỏi thì mới biết, ngoài một bạn người Kinh thì những người còn lại đều là người dân tộc thiểu số đến từ khắp mọi miền của đất nước. Dẫu xa cách nhau nhưng sau thời gian làm quen, chúng em sống như người một nhà. Thân thiết lắm!”.

Qua mỗi phòng ký túc, mỗi bậc cầu thang, tôi thấy thực sự thú vị khi đối mặt với từng em sinh viên. Khi thì cô gái người Chăm với đôi mắt sâu thẳm, khi thì chàng trai Ê Đê rắn rỏi, khi lại thấy mình quá xô bồ trước sự nguyên sơ, chất phác của người con Xơ Đăng. Cả những người đồng bào xa xôi mà lần đầu tôi mới thấy bằng da bằng thịt như Nùng, Thái, Hơ Mông, Bơhroa, Cơ Ho, Mạ, Hơ Rê...

Có thể biết nhiều trên sách vở, nhưng trong thực tế, đời người dễ gì gặp được vài chục người của vài chục dân tộc thiểu số, chứ đừng nói đến con số 54 phong phú mà ta vẫn hay nhắc tới mỗi khi nói về khối đại đoàn kết dân tộc. KTX được sơn phủ bởi màu hồng đậm, lan can màu xanh, tường phòng màu trắng pha vàng. Những cây phượng cổ thụ vươn cành vào hành lang, phủ bóng cả khoảng sân rộng dành cho hoạt động vui chơi giải trí.

Thầy Nguyễn Quang Thảo – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đức Trí cho biết: Sinh viên của KTX đặc biệt này phần lớn là con em nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Các em không phải đóng bất cứ một khoản tiền nào cho các hoạt động liên quan đến đời sống tinh thần như đi học bơi, học võ, tập aerobic, đi tham quan, học ngoại ngữ, tin học...

Nhưng đó chưa phải là tất cả để khiến các em gắn bó với thầy cô và nhà trường, mà đằng sau đó chính là một tình cảm rất khác nếu đem so sánh với sinh viên ở các vùng đồng bằng, thành thị. Ngoài ra, ở trường, mỗi thầy cô trực tiếp kèm cặp từ 3-5 em ngay từ khi xuống xe nhập học cho đến khi các em làm quen được cuộc sống, thậm chí là theo dõi quá trình học và định hướng nghề nghiệp cho các em đến khi ra trường”.

Cô Nguyễn Thị Thu ví chuyện này như công việc của một người đỡ đầu, càng gần gũi lại càng thấy thương các em hơn. Cô kể, nhiều em có gì khó xử, chưa quen với cuộc sống là đạp xe đến nhà cô để hỏi. “Nhiều em gái còn nhờ thầy cô lập kế hoạch chi tiêu trong một tháng, thậm chí mỗi khi nhận tiền từ gia đình là cất cẩn thận rồi nhờ cô quản lý như cha mẹ”.

Tôi đọc được ở đâu đó nói rằng Trường Cao đẳng Đức Trí là trường ngoài công lập phi lợi nhuận. Rất lấy làm ngạc nhiên với lời giới thiệu này, nhưng kỳ thực khi tìm hiểu những chế độ chính sách mà nhà trường dành cho con em các huyện nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số vào thời điểm mà nhiều ngôi trường đang ở trong tình trạng “sống mòn”, thì mới thấy đây là chuyện lạ, chuyện hiếm.

Theo Công an Đà Nẵng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG