“Năm 2016, chúng ta đã có đội tuyển U16 vào bán kết U16 châu Á 2016, U19 vào bán kết U19 châu Á 2016. Đến năm ngoái, chúng ta có U17 vào chung kết U20 World Cup 2017 và lần này là U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á. Việc U23 thành công ở các cấp độ trẻ gần đây là kết quả của một quá trình đào tạo trẻ lâu dài và chuyên nghiệp.
Nhiều năm trở lại đây, các CLB ở V-League đã có ý thức đào tạo trẻ một cách rõ ràng hơn bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng đào tạo trẻ giúp họ không phải bỏ ra một “đống tiền” để mua các cầu thủ nước ngoài, mà còn mang lại ích lợi như yếu tố màu cờ sắc áo, hay kéo khán giả đến sân đông hơn, thu hút tài trợ cũng tốt hơn. Bóng đá chuyên nghiệp cũng rất cần những điều như vậy, kể cả những đội bóng mạnh rất giàu, họ có thể vung tiền để mua cầu thủ, nhưng vẫn cần những con người do chính họ đào tạo”.
Cũng theo BLV Vũ Quang Huy, có nhiều yếu tố góp phần vào chiến tích lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam, trong đó các ông “bầu” của bóng đá Việt Nam góp một phần công sức không nhỏ. “Theo tôi, có hai ông “bầu” ghi đậm dấu ấn khi mở các học viện đào tạo bóng đá trẻ theo công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Nếu như “bầu” Đức là người nổ phát súng đầu tiên trong lĩnh vực đào tạo trẻ thì “bầu” Hiển là người thành công nhất.
Minh chứng rõ ràng nhất là tại giải U23 châu Á vừa qua, CLB Hà Nội đóng góp quân nhiều nhất. Có 5 cầu thủ xuất thân từ các đội trẻ của CLB Hà Nội, thường xuyên xuất hiện trong đội hình xuất quân, gồm các trung vệ Đình Trọng, Duy Mạnh, hậu vệ biên trái Văn Hậu, tiền vệ Đức Huy và tiền đạo Quang Hải. Trong nhiều năm qua, các đội trẻ của bầu Hiển gần như có đầy đủ bộ sưu tập các cúp vô địch.
Bên cạnh đó, quân trẻ của bầu Hiển có nhiều lợi thế, đó là đội 1 (Hà Nội FC) chơi rất vững vàng. Các cầu thủ có lối đá riêng và lối chơi xuyên suốt nên khi đưa quân trẻ lên thì họ dễ dàng bắt nhịp và hoà nhập, trưởng thành và phát triển nhanh chóng. Các cầu thủ trẻ giống như mắt xích, chỉ cần đưa lên dây chuyền và chạy. Trong khi đó, HLGL của bầu Đức đang còn vất vả trụ hạng nên khi đưa các cầu thủ trẻ lên sẽ gặp nhiều bất lợi”.
BLV Vũ Quang Huy cũng cho rằng, không chỉ HAGL hay Hà Nội T&T, mà các trung tâm đào tạo khác ở Việt Nam cũng đóng góp phần lớn cho kỳ tích của U23 Việt Nam. “Sau HAGL thì nhiều trung tâm bóng đá trẻ khác ra đời là PVF, Hà Nội, Viettel… Điểm chung là họ có những phương pháp đào tạo hợp chuẩn, những trận đấu, du đấu quốc tế. HAGL ra đời hơn một thập kỷ, đến bây giờ không còn là nơi hiện đại nhất nữa. Nhưng theo tôi, hiện nay các trung tâm đào tạo như Viettel và PVF bây giờ cũng không thua kém gì các trung tâm đào tạo của châu Á, thậm chí là PVF còn có thể xếp nhất, nhì châu Á, chỉ sau Học viện đào tạo trẻ Aspire của Qatar. Bóng đá trẻ Việt Nam đã tiệm cận trình độ châu Á”.
Để xây dựng một hệ thống đào tạo trẻ tốt, theo BLV Vũ Quang Huy, cần phải phát triển bóng đá phong trào, bóng đá học đường, mở rộng sân chơi cho các em bởi đây là nguồn “cung cấp” chính các tài năng cho bóng đá trẻ nước nhà. Bên cạnh đó, V-league- nơi để các cầu thủ rèn giũa thì phải có môi trường trong sạch.
“Tôi cho rằng, các giải đấu quốc nội của mình phải thay đổi để các lứa cầu thủ có đất diễn, môi trường cọ xát trong lành hơn. Tôi hy vọng là thành công của U23 Việt Nam sẽ tạo cú hích lớn, để dựa vào “chấn chỉnh” bóng đá trong nước bởi chúng ta đã có bóng đá trẻ như thế, thì tại sao sân chơi chuyên nghiệp lại không thể như thế? Làm thế nào, bóng đá Việt Nam có thể tiếp cận trình độ châu Á, không chỉ ở đào tạo trẻ, mà còn ở các đội lớn?.