Kỳ thú sư tử mèo miền biên viễn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi độ Xuân về, làng trên, bản dưới ở xứ Lạng lại náo nức, rộn ràng tiếng chũm chọe, giòn tan vang xa, trống dồn báo hiệu đoàn sư tử mèo đến chung vui, mang điều lành đến từng gia đình, ngõ xóm.
Kỳ thú sư tử mèo miền biên viễn ảnh 1
Tôn vinh các thế hệ gìn giữ múa sư tử mèo. Ảnh: Duy Chiến


Kể từ thời khắc giao thừa, sau khi bày mâm cỗ, thắp nhang đón Xuân đến, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Nông Văn Hiện, 59 tuổi, dân tộc Nùng Phàn Slình, trú tại thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn ra cây nêu trước ngõ, hú lên một tiếng. Như lời hẹn ước, các thành viên đội múa sư tử mèo của thôn gồm 8 thành viên nhanh nhẹn rời khỏi nhà mang theo đầu sư tử cùng các đạo cụ như: Mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ), chiêng, chũm chọe cùng đinh ba chạc, gậy, đoản đao, kiếm, dao nhọn… rồi tụ họp bên bờ sông Kỳ Cùng. Sau đó, mọi người thắp nhang, lấy nước rửa mặt cho đầu sư tử Mèo được thần sông ủy thác rung lên theo tiếng “tông cha” (trống nhịp).

Tích xưa

Với khuôn mặt tròn đầy, ánh lên niềm tự hào, Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hiện chia sẻ: Múa sư tử vào dịp Tết thì nhiều nơi có, nhưng biểu diễn sư tử mèo thì xứ Lạng được coi là “thánh địa”, có từ lâu đời, ước tính cũng trên 300 năm tồn tại và phát triển.

Theo ông Hiện, người Tày, Nùng xứ Lạng truyền lại rằng: Khi trái đất hình thành chỉ có con sư tử mèo được Ngọc Hoàng giáng cho quyền tối thượng trừ khử tà ma, vía yểu cho hạ giới, cho con người cầu lộc, cầu tài và bình an, hạnh phúc. Vậy nên mỗi năm khi Tết đến, Xuân về, người dân lại có tục tổ chức cho con vật này chúc tết.

“Tôi từng nghe già làng kể cho nghe câu chuyện xưa kia bản làng hay bị ma quỷ quấy phá, mùa màng thất bát, dân tình khốn khổ. Vào một ngày đầu xuân, nắng ấm, người dân đi sông bắt được một con vật kỳ lạ, thân mình nom giống cá nhưng đầu có ba sừng, mắt tôm, má có râu và mồm rất rộng như con hổ. Khi thầy Mo cầm lấy linh vật thì trời bỗng hiện lên những đám mây mang hình con mèo rực rỡ. Từ đó, dân làng bình an, mưa thuận, gió hòa, mọi nhà sung túc. Đến khi linh vật già chết, dân làng thương tiếc bèn lấy đất sét về nặn thành hình đầu, lấy giấy về bồi và tô vẽ thành khuôn mặt vừa giống kỳ lân, vừa giống mèo. Dân bản còn góp vải xanh, đỏ nối với nhau làm thân dài, sau đó choàng lên người để diễn tả lại hình ảnh cùng tính cách của linh vật ân nhân”, ông Hiện xúc động kể lại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gần 100 đội múa sư tử mèo, với trên 1000 người biểu diễn cùng hàng chục nghệ nhân làm đầu sư tử mèo. Bộ VH-TT &DL đã công nhận múa sư tử của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Qua đó, đưa loại hình này trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn, riêng có của xứ Lạng, góp phần làm phong phú thêm hành trình tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách gần xa.

Ðộc đáo

Múa sư tử mèo được đồng bào các dân tộc xứ Lạng yêu thích vì có nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp với tinh thần thượng võ của người miền núi, đủ sức bảo vệ vùng biên giới. Theo ông Hiện, không chỉ mùa Xuân, người Tày, Nùng còn múa sư tử trong các ngày vui của làng, bản như: Lễ hội cúng cơm mới, mừng ngày hội đại đoàn kết, lễ cúng Giàng, cúng thần linh sông, núi...

Rộn vang tiếng chúc tụng, ông Hiện nhanh nhẹn bước ra cửa. Tại đây, có 8 thanh niên trai tráng trên tay cầm đai vải đỏ “đai hồng phúc”. Họ kính cẩn đứng trước chiếc trống có thắp hương, niệm thần sư tử mèo ban phúc bình an cho anh em trong quá trình hành việc. Sau đó đai đỏ được vắt thắt ngang qua người. Chân mỗi thành viên quấn xà cạp chắc chắn, gọn gàng.

Theo ông Hiện, học múa sư tử mèo không khó, quan trọng người múa phải nhanh nhẹn, có đủ sức khỏe, biết võ để biểu diễn những động tác nhào lộn, nhảy cao, trồng cây chuối, nhào lộn qua vòng lửa... Hằng năm, cứ đến tháng Chạp là đội tổ chức tập luyện, ôn lại các động tác để biểu diễn vào dịp tết và các lễ hội Xuân.

“Qua 40 năm theo nghề và học hỏi, múa sư tử sư tử mèo của người Nùng Phàn Slình có 6 điệu, với các động tác phù hợp với từng không gian, hoàn cảnh biểu diễn, bao gồm: múa đi đường, múa trên sân khấu, múa chào khán giả, chào nhau, múa vào nhà và múa nả lình báo đông’, ông Hiện chia sẻ thêm.

Góp vui với dân bản, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT &DL) tỉnh Lạng Sơn cho biết: Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp, chứa đựng nhiều thành tố: Âm nhạc, mỹ thuật, múa… có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội cùng nhiều giá trị khác, thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của đồng bào dân tộc xứ Lạng.

MỚI - NÓNG