Tôi đã bỏ qua một vấn đề khác, là sự khác biệt giữa một “ông” đã “ăn dầm, nằm dề” trên đất châu Âu nhiều năm trời, thông thạo bóng đá Ý cũng như thế giới. So với một “tay mơ”, kinh nghiệm gần như là số “0”, ngoại trừ sự háo hức về vẻ đẹp của đất nước, con người Nga và những trận cầu sôi động của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Cả những tình cảm trìu mến dành cho nước Nga từ những tác phẩm của Pushkin, Lev Tolstoy hay Ivan Tourghenhep…
Nếu so với những cảnh báo trước khi lên đường, 2 ngày ở Moscow vừa qua thật dễ chịu. Hành trình 9 tiếng trên chuyến bay của hãng hàng không VN Airlines bắt đầu lúc 11h40, hạ cánh xuống sân bay Domodedovo đúng 17h chiều (giờ địa phương) như lịch trình.
Chính quyền Nga đã tạo điều kiện tối đa cho CĐV các nước trên thế giới tới World Cup 2018 thông qua việc cấp FAN ID kèm với vé xem. Các CĐV khi đặt mua vé xem một trận đấu ở World Cup sẽ được cấp thẻ FAN ID. Với thẻ này, CĐV có quyền nhập cảnh vào Nga không cần visa, với thời hạn 10 ngày trước và sau khi World Cup khai mạc, kết thúc. FAN ID cũng cho phép CĐV sử dụng các phương tiện công cộng miễn phí ở Nga, từ tàu điện tới tàu điện ngầm, xe buýt…
Trên chuyến bay của VN Airlines, tôi đã gặp anh Tiến, một CĐV nổi tiếng, từng song hành cùng tuyển U20 Việt Nam ở giải U20 thế giới (Hàn Quốc). Anh Tiến cho biết sang Nga bằng FAN ID hơn một tuần, xem 2 trận đấu tại Moscow trong đó có trận tối 17/6 giữa tuyển Đức và Mexico. Chiếc vé anh Tiến mua xem trận đấu này giá hơn 18 triệu đồng! Tuy nhiên, mức giá này còn là… rẻ nếu so với thời điểm mua sát trận đấu. Anh Dũng, một CĐV đến từ TpHCM nói với tôi, đã phải bỏ 1.500 USD để mua vé cho một người bạn vì quá gấp.
Tại khu vực nhập cảnh, các nhân viên an ninh Nga đã phì cười với mái đầu “độc” của tay CĐV Việt Nam. Mái tóc của anh Tiến đã được cạo thành chữ “Russia” phía trên đỉnh đầu, cộng thêm dăm vạch xung quanh. Chỉ đến khi đụng các CĐV Mexico, Đức… ở sân vận động Luzniki, tôi mới biết “độc” cỡ vậy vẫn là bình thường. Những người đam mê bóng đá thì Âu hay Á, Mỹ hay Phi có lẽ đều cuồng nhiệt, thú vị như nhau!
Bạn bè ở khắp mọi nơi
“Anh có thể đi khoảng 700m rồi dùng tàu điện ngầm. Cất cẩn thận ví và điện thoại”-đấy là lời khuyên của nhân viên khách sạn nơi tôi đặt chân tại Moscow, cách sân vận động Luzniki dăm km. Chiều qua, Luzniki diễn ra trận đấu giữa đội tuyển Đức và Mexico.
Thực tế là tôi chỉ phải hỏi đường 2 lần, trước khi hoà vào dòng CĐV cả Đức lẫn Mexico đổ về sân Luzniki. Tất cả đều náo nhiệt, đầy màu sắc và vô cùng cởi mở. Không như sự quyết liệt trên sân bóng, CĐV các nước khi tới Nga rất nhanh chóng hoà vào nhau. Người ta sẵn sàng ôm hôn, bắt tay, chụp ảnh chung với nhau, cho dù phía trước là cuộc chiến không khoan nhượng của đội tuyển quốc gia.
CĐV đi chật trên tàu điện ngầm, gây náo nhiệt trên đường phố với những tiếng “Ô lế! Ô lề!” không ngừng vang lên. Có cả những CĐV Nga đến sân chỉ để được tận hưởng không khí bóng đá, cổ vũ cho cả 2 đội. Lera, tự giới thiệu là một thành viên đảng Cộng sản Nga, đi cùng bố tới sân vận động. Cô cho biết hôm nay sẽ ủng hộ Mexico. Cũng dễ nhận ra đội bóng yêu thích của Lera bằng chiếc mũ rộng vành đặc trưng.
Hai tiếng trước giờ bóng lăn, khu vực quanh sân Luzniki đã chật cứng CĐV. Họ hò hét, ca hát vang rộn, gần như không có sự phân biệt nào. Thoáng vài CĐV Đức không mua được vé, trông thật ngộ nghĩnh với tấm biển treo trên ngực “Tôi cần vé!”-bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga.
Các hàng quán quanh sân vận động Luzniki trở nên đặc biệt hút khách. Truyền thông Anh từng đưa tin BTC nước chủ nhà Nga ban hành lệnh cấm bia rượu ở World Cup 2018. Thực tế thì… ở đâu bạn cũng có thể kiếm cho mình một cốc bia đại, sóng sánh vàng. Người ta ngồi quây thành từng khu, thưởng thức bia và bàn luận về trận đấu sắp diễn ra. Chỉ có điều, bia được bán trong các cốc nhựa, có vẻ như để đề phòng lúc “hữu sự”, những người quá chén sử dụng để “choảng” nhau.