> Phố cổ Hà Nội sẽ có tám tuyến phố đi bộ
> Đổi giờ học, giờ làm đã qua nghiên cứu
Kỹ sư trẻ Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nghiên cứu chống ùn tắc. Ảnh: DMT. |
Phải điều chỉnh đèn giao thông
Trao đổi với Tiền Phong khi đang cùng kỹ sư thực nghiệm hiện trường, Viện trưởng Khoa học và Công nghệ GTVT Doãn Minh Tâm, cho biết: “Vấn đề ùn tắc nếu ngồi mà nói với nhau thì nhiều vấn đề lắm. Ai nói cũng đúng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, thực chất đường Hà Nội chưa phải là quá tải.
Nguyên nhân chính là tại các nút giao thông, người và phương tiện cản trở nhau. Chúng tôi có nhiều biện pháp, thế nhưng nói mà không làm thì không chứng minh được. Từ đề tài nghiên cứu, chúng tôi trao đổi với địa phương và CSGT trên địa bàn, cử kỹ sư trẻ ra hiện trường nghiên cứu một tuần”.
Từ ngày 31-10, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cử 3 kỹ sư trẻ mặc đồng phục đứng chốt tại 3 nút giao thông không có đèn tín hiệu, luôn xảy ra ùn tắc và có xe buýt lưu thông: Cầu Yên Hoà, Cầu Cót và Cầu 36 (trên đường Láng).
“Kết qủa nghiên cứu thật bất ngờ. Tôi thường xuyên đi làm tuyến này, giờ cao điểm tắc cứng, mỗi lần qua một nút giao thông phải mất 5 phút. Tuy nhiên, ngày đầu tiên, các kỹ sư phân luồng, mỗi nút giao thông phải chờ không quá 10 giây. Lưu lượng xe rẽ trái không bằng 1/10 lưu lượng ở dòng chính trên đường Láng. Nếu không điều chỉnh, mỗi xe rẽ ngang sẽ cắt cả dòng xe chính. Từ nghiên cứu, nói không ai tin, chúng tôi ra hiện trường và chỉ cần dừng những xe rẽ ngang 5 giây thôi, hiệu quả rõ rệt”, ông Tâm nói.
Từ đó, ông Tâm khẳng định, chu kỳ đèn giao thông hiện nay cần được nghiên cứu điều chỉnh; các nút vòng xoay tự điều chỉnh (ngã tư, ngã ba bị bịt-PV) bên cạnh lợi ích không cần người điều hành cũng là nguyên nhân gây ùn tắc khi để dòng phương tiện đi tự do.
Đề án nghiên cứu 30 triệu đồng
Trước hiện tượng các kỹ sư phân làn chống ùn tắc, nhiều người dân tham gia lưu thông trên đoạn đường thực nghiệm lấy làm lạ vì hiệu quả khá rõ. Nhiều tài xế xe buýt hỏi liệu tình trạng này kéo dài được mấy ngày. Ông Tâm cho biết 99% người tham gia giao thông tuân thủ sự điều khiển của các kỹ sư và ủng hộ. Viện sẽ chuyển giao công nghệ điều tiết giao thông cho các đội tự quản của phường để họ tiếp tục.
“Chúng tôi đã khảo sát địa điểm, sau đó sẽ lập hồ sơ trình Sở GTVT Hà Nội để thẩm tra và phê duyệt. Coi như chúng tôi đang hiến kế”, ông Tâm nói.
Đề án “Thí điểm giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Láng, đoạn Cầu Giấy-Ngã tư Nguyễn Chí Thanh, sáng từ 7g tới 8g30, chiều từ 17g tới 18g30” do Viện trưởng Khoa học và Công nghệ GTVT Doãn Minh Tâm làm chủ nhiệm. Đề án cấp bộ này được cấp kinh phí 30 triệu đồng nghiên cứu từ năm 2007, bảo vệ năm 2008 và đã được Bộ GTVT nghiệm thu.