Ấy thế nhưng, có một nơi, người ta trồng lá ngón ngay trong vườn nhà để dùng như một món khoái khẩu. Chưa hết, loài lá có hoa nở trong mùa xuân này được coi là đặc sản trong mâm cỗ ngày Tết của họ, nếu không có món lá ngón thì coi như không có… Tết!
Lá ngón “làm sang” mâm cỗ
Trong chuyến đi công tác cuối năm về tỉnh Lai Châu, tôi được một người bạn học cũ mời về nhà chiêu đãi món… lá ngón. Vừa nghe tên, tôi đã giật thót bởi từ trước đến nay, mọi người đều biết lá ngón là một loại kịch độc gây chết người. Đoán biết sự hoang mang hiện rõ trên khuôn mặt tôi, anh bạn cười nắc nẻ, trấn an: “Đây là loại lá ngón ăn được, rất ngon là đằng khác. Với người Thái trắng bọn tớ, ngày lễ, ngày Tết mâm cỗ mà thiếu món lá ngón là mất sang”.
Câu chuyện của người bạn cũ khiến tôi đầy hoài nghi và tò mò. Như để chứng minh về loại lá ngón ăn được này, cậu bạn hứa sẽ đưa tôi về vùng đất Mường So - nơi mà người dân coi lá ngón là một món đặc sản.
5h sáng hôm sau, trong cái lạnh cuối năm, tôi và người bạn chạy xe máy về quê anh – một bản làng người Thái trắng - ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Vượt qua những con đường ngoằn ngèo với cả trăm khúc cua, lại là vùng núi cao nên cả hai đều thấm mệt. Dù vậy, nghĩ đến món lá ngón ăn mà không chết do anh bạn kể, tôi vô cùng hào hứng.
Đến Mường So đúng phiên chợ sáng, tôi dạo quanh vài vòng chợ thì quả thật, có rất nhiều người chào mua… lá ngón. Thấy chúng tôi, người phụ nữ dân tộc Thái trắng nhanh miệng chào: “Các chú mua rau rừng đi, tươi ngon lắm. Hôm nay, có cả lá ngón, dịp Tết nên khan hiếm. Các chú mua nhiều về mà ăn dần”. Người phụ nữ này cũng cho biết, giá một bó lá ngón là 4.000 đồng, nấu canh được hai bữa, xào thì đầy một đĩa to.
Tại các chợ cóc ven đường, nhiều người dân bày bán lá ngón ăn được. Ảnh: C.T
Mang theo sự hoang mang chưa dứt, tôi tìm đến nhà già làng Lò Văn Bắc - Người nắm giữ lịch sử lâu đời của dân tộc Thái trắng cũng như những gốc tích của nền văn hóa vùng cao riêng biệt. Vừa nghe giới thiệu có nhà báo dưới xuôi lên thăm, già Bắc cười vui như “bắt được vàng”. “Ở đây, xa trung tâm nên cứ có khách đến thăm là chúng tôi rất vui. Lại có dịp được khoe món lá ngón ăn không chết người của đồng bào Thái trắng. Mà chỉ Mường So chúng tôi mới có loại lá ngón này thôi nhé”, già Bắc vừa cười, vừa nói.
Theo già Bắc, cây lá ngón không độc được phát hiện từ rất lâu. Không ai biết lâu bao nhiêu mà chỉ hay, từ đời cha ông, các cụ đã biết vào rừng hái loại lá này về nấu ăn. Loại lá này nấu ăn rất ngon, có mùi thơm đặc biệt nên nhà này truyền tai nhà khác kéo nhau vào rừng hái lá ngón. Về sau, người dân lấy thân cây lá ngón về trồng tại vườn để tiện ăn dần và đãi khách phương xa như một thứ đặc sản của người Thái trắng.
Ăn Tết phải có món lá ngón
Bà Trần Thị Thái, 70 tuổi ở thôn Tây Nguyên, xã Mường So đang hái lá ngón để mang ra chợ bán. Ảnh: Cao Tuân
Những cây lá ngón ăn chết người mà chúng tôi từng chứng kiến trong rất nhiều vụ việc đau lòng ở vùng cao còn có tên là cây cỏ ngón, thuốc rút ruột. Đây là loại cây cực độc, lá dài, đầu lá nhọn hình lưỡi mác. Hoa của loại lá ngón độc này màu vàng, mọc thành chùm ở đầu ngọn và kẽ lá. Loại lá này độc đến mức một người chỉ cần ăn 3 lá là chất độc ngấm vào cơ thể và tử vong ngay sau ít phút. Thành thử, cứ nghe đến lá ngón là người dân vùng cao nói riêng và mọi miền nói chung sợ hãi.
Già Bắc kể, ngày trước, dân làng cũng từng mang hai loại lá ngón này ra so sánh với nhau. Cây lá ngón ăn được ở xã Mường So cũng có thân leo giống như cây lá ngón độc, có điều lá của nó tròn và ngắn hơn, bản lá thì như bàn tay. Sau một thời gian mang về trồng tại vườn, người dân phát hiện hoa của hai loại cây này cũng khác nhau. Cây lá ngón độc thường nở hoa trong khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 10, còn cây lá ngón ăn được lại nở hoa vào dịp gần Tết Nguyên đán. Từ đó, người Thái trắng ở Mường So bắt đầu dùng lá và hoa của cây này để luộc, nấu canh hoặc làm các món xào thay rau rừng. Những món ăn này dần trở nên phổ biến và quen thuộc trong những bữa cơm của dân bản. Trong lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu ngày Tết của người Thái trắng ở Mường So thì nhất định phải có món… lá ngón.
Nói rồi ông Bắc mời chúng tôi ở lại ăn bữa cơm với món lá ngón xào hoa tỏi để biết mùi vị của loài cây cực lạ này. Ban đầu tôi cứ rờn rợn, sợ nhỡ ra ở cái chốn thâm sơn cùng cốc này thì biết làm sao… Vậy nhưng trước sự nhiệt tình của chủ nhà, lẫn lời đảm bảo ban đầu của anh bạn thân, tôi đành quyết định “đánh quả liều” để thưởng thức món đặc sản này. Bữa cơm rau lá ngón dọn lên trong nỗi hoang mang của tôi. Gìn dứ một lúc, nhìn chủ nhà “ăn mẫu” mấy gắp, tôi mới dám đưa nhón lá ngón nhỏ vào miệng. Lạ kỳ, miếng rai lá ngón xào đầu tiên đã cho tôi cảm nhận mùi vị ngọt bùi như rau rừng nhưng lại thơm hơn. Lúc này thì tôi vừa ăn vừa nhâm nhi cái vị ngon khó tả của nó. Cùng với những chén rượu ngô nồng ấm, chúng tôi đã được ăn bữa cơm rất ngon, đặc biệt là hương vị không thể nào quên của món rau ngón rừng với gia đình già làng Bắc.
Trước khi chuẩn bị tạm biệt bản So, già Bắc giới thiệu chúng tôi sang nhà bà Trần Thị Thái (70 tuổi, thôn Tây Nguyên, xã Mường So) để mua vài bó lá ngón về xuôi làm quà. Dẫn chúng tôi ra vườn, vừa hái lá ngón bà Thái vừa giới thiệu: “Loại lá ngón này ăn ngon lắm, xào với thịt thì hết ý. Còn nếu xào với hoa đu đủ đực thì khắc chế được cả bệnh ung thư gan và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ (?)”.
Bà Thái cũng cho biết, từ 7 năm trước, khi bà đi làm rừng phát hiện loại cây giống hệt cây lá ngón mà mọi người vẫn thường ăn nên lấy về trồng. Loại cây này ra lá quanh năm, đến mùa xuân thì nhiều hoa. Do nhà bà trồng nhiều nên mỗi buổi sáng bà thường hái khoảng chục bó mang ra chợ bán với giá 3.000 – 4.000 đồng/bó.
“Cứ mang ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Nhiều hôm không còn lá ngón để mang ra chợ bán một số người thích ăn lại vào tận nhà tôi hỏi mua. Một số người đang dùng để chữa bệnh gan nhiễm mỡ thấy hiệu quả nên cứ gạ mua bằng được. Còn nếu dùng lá ngón để gói thịt chua thì rất hợp và dậy mùi. Ngày Tết, nhà nào mà có vườn cây lá ngón để đãi khách là nhất Mường So đấy”, bà Thái chia sẻ.
Theo lời bà Thái, đặc biệt nhất, trong lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (lễ hội ẩm thực) của người Thái Mường So ngày xuân thì chắc chắn phải có lá ngón. Đây là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban phúc cho một vụ mùa bội thu. Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu được tổ chức tại bản Huổi Én, xã Mường So với cuộc thi nấu ăn của người Thái. Các món ăn được người Thái kết hợp với các loại gia vị lấy trong rừng như: Mắc khén (hay còn gọi là hạt tiêu rừng), thảo quả… Những loại gia vị này được tẩm ướp cùng với thực phẩm tạo nên hương vị đặc trưng trong các món ăn của núi rừng Tây Bắc nói chung và người Thái trắng nói riêng.
Miền gái đẹp
Không chỉ nổi tiếng với món lá ngón ăn được, Mường So còn nức danh là miền gái đẹp. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng viết những dòng cảm xúc khi đến thăm: “Nơi hoa bản nở thành người con gái Thái”. Không ít khách phương xa đã không thể cầm lòng được với những “bông hoa rừng hoang sơ” toát ra từ các thiếu nữ Thái ở vùng này. Không biết thế giới có những cuộc thi hoa hậu từ khi nào và cuộc thi hoa hậu Việt Nam chính thức tổ chức lần đầu tiên ở đâu, nhưng những cô gái Thái ở Mường So đã thi sắc đẹp từ rất lâu. Mỗi năm, số người nhận “vương miện” ngày càng nhiều. Áp lực cuộc sống không nhiều cộng với tinh thần văn hóa đầy đủ làm cho con người nơi đây luôn tươi trẻ.
Chưa biết tên khoa học
Trao đổi với PV báo GĐ&XH, ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: “Đúng là ở Mường So người dân thường ăn một loại lá trông giống hệt lá ngón nhưng to hơn một chút. Ở các cuộc thi ẩm thực vùng miền, người Thái trắng cũng coi món lá ngón như một món đặc sản. Đến nay, chúng tôi cũng chưa biết chính xác tên khoa học của loài lá này là gì, chỉ biết rằng loại lá này ăn rất ngon và không độc. Đặc biệt, nghe bà con nói thì món lá ngón này còn ngăn chặn được những bệnh hiểm nghèo như ung thư, gan nhiễm mỡ...”.