Trình bày diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Suốt quá trình công tác trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng (từ năm 1955 đến năm 1998), trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện rõ phẩm chất cách mạng, với tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân... Đồng chí cũng là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng đường lối đổi mới từ những năm 1980; từ các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán một trăm” rồi “khoán mười”, đến Cương lĩnh đổi mới năm 1991.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: PV. |
Đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận về đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí đã góp công xây dựng bản “Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế”. Nội dung của bản kết luận này được đưa vào Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng, đánh dấu sự đổi mới rất căn bản về tư duy phát triển kinh tế của Đảng ta.
Đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành Nghị quyết từ Đại hội VI đến Đại hội VIII của Đảng và đã để lại nhiều tác phẩm, nhiều bài nói, bài viết có giá trị, tổng kết sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng...; chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng...
Đồng chí Đào Duy Tùng còn là một nhà lãnh đạo công tác báo chí tài năng, đồng thời là nhà báo lớn của Đảng. Với 17 năm (từ năm 1965 đến năm 1982) làm Tổng Biên tập tạp chí Học tập, nay là tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đồng chí đã có công đưa tạp chí lý luận của Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện, trở thành ngọn cờ lý luận và chính trị tiên phong của Đảng.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: PV. |
“Đồng chí Đào Duy Tùng là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, phong cách làm việc dân chủ, khoa học. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng gắn liền với chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, nhân dân ta", Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, với hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ cơ sở, huyện, tỉnh đến lãnh đạo cấp cao của Đảng là Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, trong bất kỳ hoàn cảnh và cương vị công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng cũng luôn giữ gìn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trung thực, khiêm nhường, làm hết mình, sống giản dị, nghĩa tình và gần gũi mọi người, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
“Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tri ân những cống hiến của đồng chí đối với Đảng, với nhân dân, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào về Thủ đô Hà Nội, nơi sinh ra những người con ưu tú đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Học tập, noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các bậc tiền bối và các thế hệ đi trước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu.
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp, trí tuệ, tài năng của nhà lãnh đạo cấp cao, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng ta.
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, tháng 9/1945, đồng chí Đào Duy Tùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa. Đồng chí đã trải qua vị trí công tác tại tỉnh Phúc Yên, Khu uỷ Việt Bắc, Tỉnh uỷ Cao Bằng. Đến tháng 5/1955, đồng chí được phân về công tác tại Ban Tuyên huấn T.Ư. Tháng 12/1962, làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư. Từ năm 1965 đến năm 1982, đồng chí kiêm chức Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí Đào Duy Tùng được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Tháng 11/1980, đồng chí được cử làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11/1981, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng, phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, phân công phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.
Với công lao to lớn đối với cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.