Năm 2008, Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch và Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) tổ chức bán đấu giá gỗ từ các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cho các doanh nghiệp với tổng số tiền 8,2 tỉ đồng. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết số tiền trên các ban quản lý chưa được thu để nộp ngân sách.
Các ban quản lý rừng đã khởi kiện 4 doanh nghiệp trúng thầu mua gỗ ra tòa. Cụ thể, Công ty TNHH Minh Thành (làng Brel, xã Ia Der, huyện Ia Grai) nợ Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur hơn 3,8 tỷ đồng, nhưng mới trả được 250 triệu đồng. Hiện công ty này không có bất kỳ tài sản, thu nhập nào để đảm bảo việc thi hành án.
Còn Công ty TNHH Đức Thịnh (Gia Lai) và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp Đức Thiện (Kon Tum) nợ Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch 2,6 tỷ đồng, nhưng 2 doanh nghiệp này vẫn còn dây dưa chưa nộp tiền. Riêng Công ty TNHH Cường Thịnh Phát (TP. Pleiku, Gia Lai) nợ Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa 487 triệu đồng và mới chỉ nộp trả được 20 triệu đồng. Hiện Chi cục thi hành án dân sự TP. Pleiku vẫn tiếp tục xác minh để giải quyết.
Liên quan đến vụ việc trên, Sở NN&PTNT Gia Lai đã kiểm điểm đối với Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, kỷ luật khiển trách ông Nay Rcom Jem (trưởng ban) cùng 4 nhân viên của ban này. Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, cách chức ông Trần Văn Lạc (trưởng ban) và cảnh cáo ông Trần Văn Thưởng (phó trưởng ban). Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, cảnh cáo bà Nguyễn Thị Hương (nguyên trưởng ban) và khiển trách ông Nguyễn Quốc Toản (nguyên phó trưởng ban). Ngoài ra, Hạt lâm huyện Chư Prông cũng có cũng có 4 cán bộ bị kỷ luật.
Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho rằng, nguyên nhân của vụ việc trên do quá trình thực hiện bán đấu giá gỗ tại các ban quản lý rừng cho các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt, chưa nắm rõ năng lực tài chính các doanh nghiệp.