Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về Chỉnh đốn Đảng:
Kỷ luật đảng phải đi với thực thi pháp luật
>Nghiêm túc, quyết liệt nhưng bình tĩnh, khách quan
Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương (ảnh) cho rằng để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì kỷ luật Đảng phải đi song song với thực thi pháp luật của Nhà nước chứ không nên chỉ xử lý nội bộ trong Đảng.
Kiểm điểm phải công khai
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vừa được ban hành và rất được đảng viên cũng như người dân hưởng ứng, cá nhân ông có suy nghĩ và kỳ vọng gì?
Thực ra, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được nêu từ lâu, tập trung nhất là Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 khóa VIII, nhưng lâu nay vì bận bịu với quá nhiều việc quan trọng và cấp bách khác nên vấn đề này đã không được tập trung đúng mức. Là một đảng viên bình thường tôi cũng có những trăn trở khi nói về Đảng của mình.
Khi có Nghị quyết Trung ương 4, tôi thấy có nhiều tín hiệu tích cực từ những người lãnh đạo cấp cao trong Đảng. Những vấn đề nêu ra trong Nghị quyết tôi cho rằng Đảng ta đã bắt được trúng bệnh. Bây giờ quan trọng nhất là thực hiện trong thực tế đến đâu. Những đảng viên như tôi, cũng như nhân dân đang trông chờ vào sự thay đổi tích cực, mong muốn Đảng sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Sự gương mẫu là cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo cấp trên phải gương mẫu thì mới nói được lãnh đạo cấp dưới, mới ảnh hưởng đến được quần chúng nhân dân. Người xưa cũng đã đúc rút rất hay là thượng bất chính, hạ tác loạn. |
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều vấn đề và lần này chúng ta đã chỉ ra được những vấn đề cấp bách, những vấn đề quan trọng nhất phải tập trung làm quyết liệt.
Những hướng thực hiện trong Nghị quyết tôi rất ủng hộ, phải làm từ trên xuống, từ Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương xuống các địa phương ban ngành đoàn thể. Việc đó là rất đúng và trúng, tôi mong việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đó sẽ được công khai trước nhân dân.
Còn nếu việc kiểm điểm chỉ trong nội bộ với nhau, không công khai minh bạch thì tôi e rằng không có nhiều ý nghĩa. Như Bác Hồ từng nói rồi, một Đảng mạnh, một Đảng chân chính thì sẽ không sợ công khai những khuyết điểm của mình.
Vũ khí tự phê bình và phê bình cũng không phải đến bây giờ chúng ta mới làm và tôi nghĩ nó sẽ càng phát huy tác dụng mạnh mẽ khi quá trình thực hiện được công khai. Cũng như việc kê khai tài sản cán bộ, bây giờ chúng ta nhấn mạnh đến việc phải công khai trước dân chứ trước đây chúng ta cũng chỉ thông tin trong nội bộ, có kê khai mà không công khai. Vì vậy tôi mong việc thực hiện tự phê bình và phê bình tới đây cũng sẽ được công khai trước toàn Đảng, toàn dân.
Việc nữa là chúng ta cũng sẽ chọn ra những cá nhân hoặc tổ chức điển hình để làm nghiêm, kỷ luật nghiêm và cũng công khai trước toàn dân. Ở đây thì kỷ luật của Đảng phải đi song song với thực thi pháp luật của Nhà nước, tức là vừa kỷ luật trong Đảng vừa xử lý theo pháp luật chứ không nên chỉ xử nội bộ trong Đảng. Như thế người dân sẽ có thêm niềm tin với sự quyết tâm và chỉnh đốn lần này của Đảng, đừng để tình trạng thông tin không rõ ràng như một số vụ việc trước đây.
Không vội quy kết cho những ý kiến ngược chiều
Là người từng trải qua và chứng kiến nhiều giai đoạn đổi mới quan trọng của Đảng và đất nước, vậy đâu là điều ông trăn trở với việc thực hiện Nghị quyết lần này?
Muốn đổi mới đất nước thì trước hết Đảng phải tự đổi mới vì hiện nay Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước. Nhưng đây thực sự là một việc không hề dễ dàng, dễ đụng chạm, nhiều khi là tế nhị và cũng rất nhạy cảm vì là vấn đề con người.
Vì vậy một yếu tố cực kỳ quan trọng là thái độ tiếp thu của người lãnh đạo. Khi người lãnh đạo thực sự cầu thị, biết lắng nghe, tôn trọng những ý kiến trái chiều thì cấp dưới mới dám nói thẳng, mới dám nói lên những yếu kém cần chỉnh sửa, và có như thế thì tổ chức mới ngày càng tốt hơn, ngày càng mạnh hơn.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, chúng ta cũng hết sức bình tĩnh, đừng vội quy kết cho những ý kiến ngược chiều khó nghe. Cũng có thể có người này người khác lợi dụng nhưng lãnh đạo cũng phải tỉnh táo và có tinh thần dân chủ, không nên vội quy kết. Vì có những ý kiến khác nhau thì chúng ta mới có những quyết định sát với cuộc sống hơn, những điểm còn hạn chế sẽ sớm được phát hiện và chỉnh sửa.
Nhưng để có được điều này phải chăng công tác tổ chức cán bộ đang là khâu quyết định?
Đúng, trước hết và trên hết là phải giải quyết tốt khâu tổ chức, cán bộ, bố trí đúng người đúng việc. Không giải quyết khâu này thì không cách gì mở sang khâu khác được. Như ĐH VI đã nêu: những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Muốn sửa các sai lầm khác, thì khâu tổ chức cán bộ phải được làm trước. Đây là khâu then chốt của then chốt. Phải chọn ra được người có tài, có đức để lãnh đạo đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp. Từ lãnh đạo này chúng ta mới có những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống của người dân.
Muốn có được như vậy thì chúng ta phải dân chủ, không để tình trạng móc ngoặc, các nhóm lợi ích thao túng. Còn nếu chúng ta vẫn làm kiểu cũ như dựa vào chủ nghĩa lí lịch, thành phần gia đình... thì sự trì trệ rất chậm được thay đổi.
Ở đây đặc biệt nổi lên vấn đề gương mẫu, vì Đảng lãnh đạo bằng đường lối, bằng tổ chức và bằng tấm gương của mỗi người đảng viên. Sự gương mẫu là cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo cấp trên phải gương mẫu thì mới nói được lãnh đạo cấp dưới, mới ảnh hưởng đến được quần chúng nhân dân.
Người xưa cũng đã đúc rút rất hay là thượng bất chính, hạ tác loạn. Vì vậy một người lãnh đạo, một cán bộ đảng viên muốn người dân nghe và làm theo thì nói phải luôn đi đôi với làm, phải tiền phong, gương mẫu trong mọi việc.
Lớp trẻ hôm nay nguyện tiến bước dưới cờ Đảng Ảnh: Xuân Phú. |
Gắn với lợi ích của người dân
Thời gian tới, theo ông phải làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống tốt hơn?
Tôi nghĩ rằng những chỉ đạo trong Nghị quyết là tốt rồi, bây giờ là việc thực hiện và muốn cho Nghị quyết đi sâu vào cuộc sống thì phải làm sao cho người dân thấy được lợi ích thiết thực của mình. Muốn vậy thì chúng ta cần phải thể chế hóa ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vấn đề mà người dân đang bức xúc nhất, đang kêu ca nhiều nhất. Nếu Nghị quyết chỉ bàn những chuyện cao siêu đâu đâu, thì người ta chỉ nghe cho xong chứ không thực hiện. Nếu xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì nhất định người ta sẽ thực hiện.
Ở ta, Nghị quyết của Đảng quán triệt nhiều khi còn hình thức, làm cho xong việc. Việc nắm tâm trạng quần chúng và dư luận xã hội của mình cũng còn hạn chế. Tuyên truyền nhiều khi cứ nói lấy được, rằng nghị quyết đi vào cuộc sống, trở thành tư tưởng của nhân dân trong khi không nắm bắt được cụ thể người ta quán triệt như thế nào, người dân có quan tâm đến mức nào?
Đó là chưa kể việc “trên phổ dưới biến”, trên nói cứ nói, dưới nghe cứ nghe nhưng đến khi thực hiện thì không ai kiểm tra. Lại có trường hợp khác, người ta thuộc làu làu nghị quyết, nhưng chỉ thực hiện những cái mình cần, mình muốn, phục vụ lợi ích tính toán của mình. Người dân luôn luôn quan tâm đến những điều gần gũi nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất.
Cảm ơn ông.