Nhờ tóc mà người dân xã Hồng Đà (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được người ta biết đến, nhờ tóc mà hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên. Và cũng nhờ tóc mà Hồng Đà dần dần được người ta gọi với cái tên "làng tỷ phú".
Xuất ngoại buôn tóc
Hàng trăm ngôi nhà cao tầng, người qua kẻ lại tấp nập… ít ai nghĩ xã Hồng Đà vốn là một xã nhỏ, nghèo nhất nhì huyện Tam Nông. Đầu những năm 1980 ở đây rộ lên phong trào thu mua sắt vụn. Cả làng, cả xã bỗng dưng bỏ hết ruộng vườn chuyển sang nghề buôn phế liệu. Họ đi khắp các tỉnh thu gom “đồng chì, nhôm bẹp” về đổ đống khắp thôn. Dọc từ cầu Trung Hà kéo dài cả cây số, bãi phế liệu chất cao như núi. Các đại lý thu mua phế liệu mọc lên như nấm sau mưa, từ người già đến trẻ nhỏ mò mẫm hang cùng ngõ hẻm mua hàng như một thứ nghề truyền thống.
Đang hưng thịnh với cái nghề đồng nát bỗng dưng cả làng lại chuyển sang nghề buôn tóc, họ chuyển nhanh đến mức chính quyền địa phương cũng chẳng hiểu tại sao.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Đà nhớ lại: “Dân ở đây rất nhạy bén với thị trường. Khi buôn sắt vụn kiếm được vốn, nhận thấy nghề buôn tóc mới là nghề “hốt bạc”, chẳng ai bảo ai thế là thành làng nghề buôn tóc”.
Những ngày đầu đi chợ tóc, người may mắn có khi kiếm vài triệu một ngày, không thì cũng phải kiếm tiền trăm. Số tiền quá lớn ấy khiến nhiều người ở Hồng Đà phải thốt lên: “như thể một giấc mơ!”. Họ tràn đi khắp nơi, kể cả tận những bản làng xa xôi để thuyết phục người ta bán tóc. Thế rồi nguồn tóc cũng cạn dần, dân làng lại bảo nhau chuyển địa bàn thu mua sang tận nước bạn Lào, Campuchia.
Theo các cán bộ địa phương, số lượng hộ chiếu của tỉnh Phú Thọ thì Hồng Hà chiếm vị trí hàng đầu. Hiện cả xã có xấp xỉ 200 hộ chiếu do Công an tỉnh cấp. Người dân xin hộ chiếu để xuất ngoại nhiều đến mức lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng phải “giật mình”. Chẳng ai hiểu được vì sao một địa phương thuần nông ấy lại xuất ngoại nhiều đến vậy? Thế rồi Công an tỉnh phải cử cán bộ về Hồng Đà để xác minh làm rõ. Khi nguyên nhân được làm rõ, không ít người phải gật gù nể phục độ “liều” của bà con nơi đây.
Ông Hùng kể: “Người dân ở đây chủ yếu là sang Lào, Campuchia để mua tóc. Ngay trong họ nhà tôi cũng có vài người theo nghề này. Điều đặc biệt là những người sang nước ngoài mua tóc chủ yếu lại là phụ nữ. Cứ hai người 1 xe, thay chở. Họ đến các bản làng xa xôi hẻo lánh bên nước bạn để thuyết phục bán tóc”.
Chúng tôi được giới thiệu đến gia đình bà Nguyễn Thị Nha, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Đà, người được mệnh danh là khá “thành đạt” với nghề chợ tóc. Chồng mất sớm, bà phải bươn chải trăm thứ nghề để nuôi hai con nhỏ ăn học. Làm cật lực cũng chẳng đủ nuôi các con. Mãi sau này có nghề tóc gia đình bà mới khấm khá được lên.
Bà Nha kể: “Cả làng đi chợ tóc mà, khắp các tỉnh chúng tôi đi cả rồi. Lúc đó còn mới, mua cũng dễ bán cũng thuận, cứ mỗi ngày trung bình cũng phải được 500 nghìn đồng, có người may mắn có khi được tiền triệu. Cách đây cả chục năm thu nhập như vậy quả là đáng mơ ước còn gì. Nhờ nghề tóc mà một mình tôi cũng xây được ngôi nhà khang trang, nuôi được các con ăn học đến nơi đến chốn”.
Những lúc đỉnh cao, cả xã có tới 400 người đi “chợ tóc” thì có tới hơn 200 người đi xuyên Đông Dương để thu mua. Nhận thấy người dân vùng cao của nước bạn còn rất khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Người dân Hồng Đà nắm bắt rất nhanh, không chỉ mang theo tiền để mua, họ còn mang theo cả nước mắm, mỳ chính, muối hay cá khô để đổi lấy tóc.
Bà Nha nói thêm: “Nhiều vùng họ khổ lắm, cuộc sống khó khăn thiếu thốn, họ cần mắm muối hơn cả tiền. Nhiều khi đổi một đôi gói mì chính lấy được 1 bộ tóc dài, đẹp. Bên nước bạn họ không quan niệm “cái răng, cái tóc là góc con người” như mình đâu, thuyết phục họ bán dễ dàng lắm. Khó khăn nhất với chúng tôi là ngôn ngữ, cứ hai người đi thu mua tóc chúng tôi lại phải thuê 1 phiên dịch. Công trả cho phiên dịch khoảng 200 nghìn đồng/ngày”.
Danh bất hư truyền về độ nhanh nhạy của dân xã Hồng Đà, chỉ một thời gian ngắn tiếp xúc, giao dịch với người Lào, người Campuchia thế là ai cũng biết tiếng. Người biết nhiều dạy người biết ít, tối thiểu cũng phải biết cách thuyết phục người ta cắt mái tóc dài bán cho mình.
Mỗi chuyến xuất ngoại của người dân Hồng Đà kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, hầu hết những chuyến đi như vậy đều thắng lớn. Người may mắn có thể gom được cả tạ tóc, trung bình cũng được vài chục cân tóc đẹp. Trừ mọi chi phí, mỗi người cũng được cả vài chục triệu. “Các cháu không thể tưởng tưởng được dân ở đây ham thế nào đâu, chưa đến 1 tháng có khi kiếm được cả vài chục triệu. Những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể nghĩ kiếm tiền đơn giản như vậy”- bà Nha cười.
Không chỉ người dân mà cán bộ cũng rất tích cực đi chợ tóc. Như anh Phan Văn Thơm, đã có 15 năm làm cán bộ xã cũng liên tục có những hành trình dài ngày ở Campuchia. Anh Thơm nhẹ nhàng lấy trong tủ cho chúng tôi xem cuốn hộ chiếu, anh kể: “Hộ chiếu đây, lúc nào cũng sẵn sàng để lên đường. Còn đây là tóc vừa được thu mua về. Bây giờ bán cũng được khoảng 7,6 triệu/kg. Tính sơ sơ hộp này cũng gần 100 triệu chứ chả chơi”.
Mọi người ở đây cũng chẳng giấu giếm, trung bình mỗi tháng thu nhập cũng 7-8 triệu, người may mắn, có duyên thì vô cùng. Anh Nguyễn Xuân Quang, bí thư chi bộ khu 2 cũng đã nhiều lần sang Lào và Campuchia mua tóc.
Như để chứng minh cho việc xuất ngoại của mình, anh Quang cho chúng tôi xem tấm hộ chiếu và nói: “Đi mua tóc ở nước ngoài cũng có cái thú vui. Vừa có tiền lại vừa mở mang đầu óc. Sang các tỉnh của nước bạn mua tóc, rồi còn đi tham quan các di tích bên đó nữa chứ. Nói chung là rất vui”.
Hàng trăm tỷ phú nhờ tóc
Khi mà tiếng tăm đã nổi như cồn, việc thu mua tóc ngày càng khó khăn thì rất nhiều thợ mua tóc ở Hồng Đà đã đứng ra lập thành đại lý, chuyên thu mua với quy mô cực kỳ lớn.
Cán bộ xã Hồng Đà cũng phải thừa nhận, người dân bây giờ chẳng tha thiết với đồng ruộng. Có nghề tóc đời sống nhân dân tăng lên trông thấy. Con cái được học hành đến nơi đến chốn, nhà cao tầng mọc lên san sát… Dù không có một khảo sát, cũng chẳng có quy chuẩn xác định có bao nhiêu tỷ phú, hay ai là tỷ phú nhưng thực tế thì họ đúng là những tỷ phú nhờ nghề tóc.
Theo thống kê, vào năm 2008, cả xã có tới 9 hộ rơi vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, ngân hàng đã làm thủ tục để niêm phong nhà. Vậy mà chỉ sau 2 năm đi chợ tóc, số nợ đã trả hết, kinh tế khá giả lên trông thấy.
Người giàu lên nhờ tóc nổi nhất ở vùng này phải kể đến gia đình anh Tửu, chị Nhung thuộc khu 6. Trước đây cặp vợ chồng này cũng bươn chải đi khắp nơi thu mua tóc. Sau này có vốn, lại quen nhiều công ty thời trang nên đã lập đại lý lớn bậc nhất tại xã. Chỉ cần nhìn ngôi biệt thự bề thế của gia đình anh Tửu đủ thấy họ giầu thế nào nhờ tóc.
Bà Nha chỉ tay về phía những ngôi nhà cao tầng của thôn mình cười nói: “Thấy chưa, bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên. Tất cả cũng là nhờ tóc, nếu không có nghề chợ tóc chắc chắn dân chúng tôi không có được như ngày nay. Không chỉ nhiều hộ giàu lên trông thấy đâu mà rất nhiều gia đình đã thoát được hộ nghèo rồi. Như gia đình chị Bé, chị Hoa đấy, bây giờ cũng khá khẩm chẳng kém gì ai”.
Dân Hồng Đà giàu lên trông thấy là điều ai cũng rõ, nhưng đi buôn tóc họ cũng gặp không ít rủi ro mà không phải ai cũng biết. Nhiều người thừa nhận việc xuất ngoại mua tóc tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Đã có 2 người tử nạn vì nghề và hàng chục người bị thương do tai nạn.
Bà Nha nhớ lại: “Sang Lào mua tóc về đến nhà mới nghĩ mình còn sống. Bên ấy các vùng núi vắng người lắm, có khi đi cả vài chục cây số mới gặp được nhà dân. Hai chị em đèo nhau trên xe máy là phải mua xăng vào can, mang theo dự trữ. Thế rồi đường sá xa xôi không cẩn thận còn bị cướp dọc đường. Đi lại nhiều như vậy cũng không tránh khỏi tai nạn giao thông. Cái gì cũng có giá của nó mà”.