'Kỳ họp Quốc hội lần này có thể sẽ rất nóng'

'Kỳ họp Quốc hội lần này có thể sẽ rất nóng'
TP - TS Nguyễn Sĩ Dũng- Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội trao đổi với Tiền Phong về những nội dung quan trọng trong kỳ họp Quốc hội khai mạc sáng nay (22-10).

> Cử tri mong xử lý nghiêm tham nhũng, lãng phí

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Đây là kỳ họp rất quan trọng. Nhiều vấn đề nóng bỏng được đặt lên bàn nghị sự. Trong đó, tất nhiên, có tình hình kinh tế hết sức khó khăn; có Luật Đất đai sửa đổi; có dự thảo sửa đổi Hiến pháp; có đề án bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức được Quốc hội bầu hoặc
phê chuẩn…

Thưa ông vấn đề sửa đổi Hiến pháp sẽ được tiến hành theo lộ trình như thế nào?

Lộ trình thì còn khá nhiều bước. Lần này Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến. Sau đó dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được hoàn thiện một bước và trong tháng 1-2013 sẽ đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Sau đó dự thảo lại tiếp tục được hoàn thiện và trình ra Quốc hội.

Nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thông qua, vậy sau khi thông qua có thực hiện luôn ở kỳ họp này không?

Theo tôi hiểu là không. Sang năm 2013 việc bỏ phiếu tín nhiệm mới được thực hiện.

Nhưng nếu các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) muốn thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này luôn thì sao?

Thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Nghĩa là phải có ít nhất 20% trên tổng số các vị dân biểu đề nghị, thì việc bỏ phiếu tín nhiệm mới có thể thực hiện được. Bỏ phiếu tín nhiệm hay không, phụ thuộc vào ý chí của các vị dân biểu.

Theo ông, Đề án bỏ phiếu tín nhiệm được QH thông qua sẽ thực sự khả thi chứ không còn mang tính hình thức như trước đây nữa?

Tôi cho là hoàn toàn khả thi. Đây là việc đến hẹn lại lên, mỗi năm lại lấy phiếu tín nhiệm của các vị dân biểu một lần. Mà như vậy thì mọi rào cản về thủ tục gần như đã bị loại bỏ.

Kết quả của bỏ phiếu tín nhiệm có được công khai ?

Điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của các vị dân biểu. Công khai hay chưa công khai là những phương án cần được cân nhắc. Mỗi phương án đều có những hệ lụy của nó.

Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm QH có cung cấp thông tin cho các ĐBQH về những quan chức sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm?

Tôi nghĩ các quan chức “được” bỏ phiếu tín nhiệm sẽ khá đông. Thiếu một hệ thống thông tin đầy đủ, nhớ cho hết tên các quan chức còn khó, chứ chưa nói đến việc đánh giá cho đúng đắn, khách quan. Tất nhiên, có một số quan chức thì ai cũng biết, và các vị dân biểu sẽ dễ đánh giá các quan chức này hơn. Còn số khác chắc phải cần có thêm nhiều thông tin trợ giúp. Các vị dân biểu cũng cần có trách nhiệm tổng hợp thông tin trong cả một năm về các quan chức mà mình sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo ông việc bỏ phiếu tín nhiệm có làm hạn chế việc các bộ trưởng hứa suông trong các kỳ chất vấn trước QH và khiến các bộ trưởng có ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình?

Tôi không nghĩ là các vị bộ trưởng của chúng ta chỉ hứa suông trước Quốc hội. Nhiều vị bộ trưởng đã hứa thì cố gắng thực hiện. Vấn đề là nhiều việc hứa thì dễ, nhưng thực hiện thì không dễ. Nhiều việc phải có thời gian và phải có sự hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành và cả của người dân nữa thì mới có thể thực hiện được. Việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm tất nhiên sẽ gây sức ép rất lớn đối với các vị bộ trưởng. Một sức ép như vậy thường rất đa nghĩa. Tuy nhiên, sự khuyến khích phải làm vừa lòng các vị dân biểu chắc chắn là sẽ được xác lập. Vấn đề còn lại là phải làm sao để bảo đảm được rằng: vừa lòng các vị dân biểu chính là vừa lòng nhân dân.

Kỳ họp QH hẳn sẽ được nhân dân trông chờ theo dõi nhiều hơn khi diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 6 – một Hội nghị bàn nhiều vấn đề đại sự của đất nước?

Tôi nghĩ là như vậy.

Kỳ họp QH lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế đề ra khó đạt được, đời sống của người dân lao động bị tác động xấu. QH sẽ đánh giá thế nào về công tác điều hành nền kinh tế của
Chính phủ?

Tôi không phải là ĐBQH nên không thể trả lời được là đánh giá như thế nào. Tuy nhiên, QH sẽ dành khá nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Trong quá trình thảo luận, những nguyên nhân khách quan và chủ quan đều sẽ được làm rõ.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước khi diễn ra kỳ họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều có những phát biểu thừa nhận tình trạng tham nhũng hiện nay đang rất trầm trọng và cần phải chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Tinh thần chống tham nhũng sẽ được thể hiện như thế nào ở QH?

Tinh thần chống tham nhũng ở diễn đàn QH chắc chắn sẽ quyết liệt hơn vì áp lực đòi hỏi phải chống tham nhũng từ các cử tri là rất lớn. Tôi nghĩ đây sẽ là một kỳ họp QH sôi nổi và có thể sẽ rất nóng. Vì độ nóng từ những những vấn đề của xã hội, của người dân sẽ dội vào nghị trường thông qua các ĐBQH.

Xin cảm ơn ông.

Phùng Nguyên
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.