> Hy Lạp phê chuẩn gói cứu trợ mới
Hiệp ước nhằm ngăn chặn các quốc gia trong khu vực đồng euro (eurozone) mắc những khoản nợ kếch xù và phải viện tới các gói cứu trợ như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha thời gian qua.
Để có hiệu lực, hiệp ước phải được 12 thành viên eurozone thông qua. Anh và Czech từ chối ký hiệp ước.
Những người phản đối cho rằng gói tài khoá chủ yếu là hành động chính trị nhằm bảo đảm những người nộp thuế ở Đức, nền kinh tế thống trị trong eurozone, không phải gánh thêm những gói cứu trợ khác.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt sự tức giận của công chúng về việc cung cấp thêm các gói cứu trợ trong tương lai, và sự phản đối trong liên minh trung tả khiến bà khó lòng tìm được sự ủng hộ của nghị viện trong việc mở rộng quỹ cứu trợ.
Bà Merkel cho rằng hiệp ước là một bước tiến lớn, là bước đầu tiên tiến tới sự ổn định và liên minh chính trị.
Trước đây, ngay cả Pháp và Đức cũng vi phạm nguyên tắc thâm hụt ngân sách của EU.
Hiệp ước vừa được ký kết nhằm mục đích ngăn chặn những hành động như thế. Nếu hiệp ước có hiệp lực, các quốc gia eurozone sẽ giám sát chặt chẽ ngân sách của nhau và Toà án Công lý châu Âu sẽ kiểm tra xem nước nào tuân theo nguyên tắc, và những nước vi phạm sẽ bị phạt một khoản tiền tương đương 0,1% GDP.
“Cơ chế tự kiềm chế và kiềm chế lẫn nhau về vấn đề nợ nần và thâm hụt là rất quan trọng. Nó giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lặp lại, từ đó giúp củng cố niềm tin giữa các quốc gia thành viên.
Vì thế, điều này cũng rất quan trọng trên phương diện chính trị”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy phát biểu tại lễ ký kết.
“Sự phục hồi niềm tin vào tương lai của eurozone sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế và việc làm. Đó là mục tiêu tối thượng của chúng ta”, ông Rompuy, người vừa được tái bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói.
Nhiều quốc gia “khó nhằn”
Tây Ban Nha và Hà Lan thừa nhận họ sẽ không đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Tây Ban Nha muốn thoả thuận một mục tiêu thâm hụt ngân sách cao hơn với EU, nhưng Bỉ không nhượng bộ tại cuộc họp thượng đỉnh lần này.
Tây Ban Nha cho rằng mức thâm hụt ngân sách năm 2011 của nước này chạm ngưỡng 8,5% GDP, cao hơn nhiều ngưỡng 6% của Hội đồng châu Âu. Thâm hụt của Hà Lan được dự đoán tăng từ 4,1% lên 4,5% trong năm nay.
Hiệp ước tài khoá sẽ được đưa ra trước nghị viện của các quốc gia, và Ireland phải tiến hành trưng cầu dân ý.
Một cuộc trưng cầu dân ý ở Ireland năm 2008 bác bỏ Hiệp ước Lisbon, khiến EU phải nhượng bộ, nhưng sự thành công của hiệp ước tài khoá lần này khó có thể phụ thuộc vào các cử tri Ireland.
Doanh nhân Ireland Declan Ganley, người đứng đầu phong trào nói “không” năm 2008, nói rằng, ông có thể ủng hộ hiệp ước tài khoá lần này nếu Brussels cho phép Dublin điều khoản cứu trợ thuận lợi hơn.
Cơ hội cử tri Ireland chấp nhận hiệp ước lần này là 50 - 50. Một gói cứu trợ quốc tế trị giá 113 tỷ USD đã được cung cấp cho Dublin vào tháng 11-2010.
Tuy nhiên, hiệp ước lần này chỉ cần được 12 thành viên eurozone phê chuẩn, nên nước nào không phê chuẩn sẽ mất quyền nhận được cứu trợ trong tương lai.
Tuần trước, những nền kinh tế lớn trong nhóm G20 nói rằng họ sẽ không cấp thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giúp giải quyết khủng khoảng ở eurozone, trừ khi châu Âu nỗ lực trước.
Gia Tùng
theo BBC, Reuters, Bloomberg