Trong những ngày qua, rất đông người dân hiếu kỳ kéo đến vườn nhà ông Đặng Mau (ở thôn Lương Quán, phường Thủy Biều) để tận mắt chứng kiến những cây nấm có hình thù kỳ dị.
Qua quan sát bằng mắt thường có thể thấy, loài nấm này khác biệt với các loài nấm thông thường. Cụ thể, những cây nấm này có thân lớn, cao khoảng 20cm, tai nấm có đường kính từ 10 đến 30cm và có màu vàng nhạt.
Nấm khổng lồ mọc dưới tán cây thanh trà.
Ông Mau cho biết, loại nấm khổng lồ này bắt đầu xuất hiện trong vườn thanh trà của gia đình ông cách đây 3 năm về trước. Những cây nấm xuất hiện từ rễ cây thanh trà và sau đó ngoi lên mặt đất phát triển từ 3-5 ngày rồi thối rữa. Sau khi nấm tàn, phần rễ cây thanh trà xuất hiện khối u, ông Mau phải đào lên chặt bỏ để tránh rễ cây bị thối.
Sau một thời gian ngắn, loài nấm khổng lồ này đã lan nhanh sang vườn các hộ dân lân cận ở thôn Lương Quán và Nguyệt Biều. Để xử lý nấm, nhiều hộ dân đã dùng vôi rải lên tai nấm làm nấm chết, sau đó đào lấy gốc đem vứt bỏ.
Nấm tàn rụi chỉ sau 3 đến 5 ngày mọc.
Theo PGS.TS Ngô Anh, công tác tại Khoa Sinh, trường ĐH Khoa học Huế_chuyên gia nghiên cứu về nấm thì loại nấm khổng lồ này thuộc chi Boletus, các bào tử nấm phát tán trong không khí và đất, đến khi có mưa, đất có độ ẩm thì nấm bắt đầu mọc lên và ít ngày sau thì tàn rụi.
“Cần phải phân tích cấu trúc của loài nấm này mới có thể xác định đây có phải là nấm độc hay không. Vì thế, người dân không nên ăn loài nấm này khi chưa biết rõ nguồn gốc”, TS Anh khuyến cáo.
Người dân lo lắng do nấm “khổng lồ” có thể làm thối rễ cây thanh trà.