CUỘC ĐỘT KÍCH NHẬP CẢNH CỦA COVID-19
Vi rus Corona nhập cư Ý từ cuối tháng 1 khi hai du khách Trung Quốc được phát hiện nhiễm bệnh, điều trị tại bệnh viện Spallanzani ở thủ đô Roma. Chính phủ lập tức lên phương án bảo vệ toàn dân bằng cách cấm người Trung Quốc chủ yếu sống tại vùng Prato (Toscana)- Ý quay lại sau đợt nghỉ Tết nguyên đán, cấm các chuyến bay đi/ đến Trung Quốc.
Chính sách này nhận được sự đồng tình cao, bình ổn lòng dân. Các chốt đo thân nhiệt, kiểm tra dịch tễ ở các sân bay quốc tế lớn như Roma Fiumicino hay Milan Malpensa nhanh chóng thiết lập. Thủ tướng Conte phát biểu: “Như các bạn biết, chúng ta vô cùng cảnh giác và tập trung từ đầu… Chúng tôi có thể làm dân chúng yên tâm vì tình hình đã được kiểm soát tốt”. Bộ trưởng Bộ Y tế Speranza nói: “Chúng tôi chờ đợi các ca nhiễm ở Italia”, thể hiện quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ càng.
Thời điểm đó, rất nhiều người Ý “cẩn trọng” đã quyết định không ra nước ngoài.Với những nước có dịch thì “chắc chắn không”. Trong nước an toàn thoải mái thì sao phải đến những chỗ “nguy cơ” !
Còn các hãng du lịch, công ty đặt tua cho khách Ý ở Việt Nam vừa qua nhiều phen dở khóc dở cười.
Đầu tháng 2, toàn dân theo khuyến cáo của Chính phủ đã đeo khẩu trang, tôi cũng nhanh chân ‘thủ” được một hộp 4 lớp để đi làm. Có đoàn Ý đi từ Nam ra Bắc, định hủy tua miền Bắc vì nghe nói có trường hợp nhiễm ở Hà Nội. Sau đó họ quyết định vẫn đi. Khi tôi đến sân bay, đón chào tôi là hai bạn Ý với bốn khẩu trang trên mặt, mỗi người hai chiếc. Sau một ngày ở Hà Nội, họ an tâm hơn. Họ kể, bạn bè nghe nói sang Việt Nam đều can: “Ôi trời, Việt Nam sát Trung Quốc đi làm gì?” Vậy đấy, Việt- Trung sát sàn sạt ắt nguy to, còn Ý- Trung xa cách đến vậy, quá an toàn? Thực tế ai an toàn hơn, giờ chắc hai bạn đã cảm nhận được.
Cậu bạn đồng nghiệp thì kể: Nhập cảnh TPHCM để xuyên Việt, đoàn khách Ý hơn chục người rơi rụng gần hết sau mỗi cuộc chia ly tại sân bay. Đến cuối tua, ra Hà Nội chỉ còn mỗi một ông “can đảm nhất”. Hóa ra người Ý sợ bệnh dịch phết! Nhưng ở nhà thì khác?
Ngày 13/2 khi Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) thành ổ dịch, cả xã bị phong tỏa. Lên báo Ý nghe to chuyện: “Việt Nam: Một thành phố gần Hà Nội với 10.000 dân bị phong tỏa”. Nhưng nhiều du khách Ý ở Việt Nam mà tôi biết lại không xoắn vì bệnh dịch, mà thấy phiền vì đang du ngoạn thì suốt ngày “ting ting” tin nhắn từ Ý nhắc nhở an toàn.
CON NGỰA THÀNH TƠ-ROA VÀ CÚ ĐÁNH BẤT NGỜ
Ngày 21/2/2020 có 16 trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện tại vùng Lombardy. Thế rồi, đầu tiên là cách ly “vùng đỏ” bị coi là ổ dịch, cảnh giác với “vùng vàng”- vùng tạm thời an toàn và cẩn trọng với “vùng xanh”- vùng chưa phát hiện ca nhiễm. Và “mũi nhọn kinh tế” mới vực dậy nhờ trao đổi thương mại - du lịch với Trung Quốc, nay bị nốc-ao.Bệnh dịch đã đánh vào nơi không ngờ đến nhất, hai thành phố Milan và Venice gần như quá sức chịu đựng.
Các con số bắt đầu tăng lên chóng mặt. Đến 8/3, Lombardy bị phong tỏa. Có người chạy vội ra ga tàu, chen chúc trở về quê hương miền Nam với gia đình. Gia đình là nơi an toàn, trường hợp này chả biết có đúng? Khi đem bệnh tật về cho người thân, những người ông người bà đáng yêu.
Từ 11/3 các biện pháp mạnh tay được thực thi như phong tỏa đất nước, bổ sung hệ thống y tế, sử dụng quân đội để quản lý người cách ly, đưa ra các dự luật, nghị định về cách ly phong tỏa, giấy cấp phép ra vào. Tính đến cuối tháng 3, gần như Ý đạt đỉnh dịch, số liệu quá tang thương: Hơn 100 ngàn người nhiễm, hơn 12 ngàn người chết.Và tăng mỗi ngày.
Ít ai biết, nước Ý là nơi làm xét nghiệm quét hầu họng “tampone” ở phạm vi đại trà toàn dân nhất thế giới nên số liệu sát thực tế và minh bạch. Cách tính số ca tử vong cũng thật khác: Người già có bệnh lý nền (trên ba loại bệnh) ra đi vì hậu chứng của COVID-19 cũng được tính là tử vong do COVID- 19. Phải chăng vì thế số liệu mới chóng mặt?
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẸP
Nước Ý suốt thời gian chống dịch có bao câu chuyện giống và khác các nước.Chính sách cách ly phong tỏa được áp dụng ngay sau khi các biện pháp tuyên truyền tỏ ra ít hiệu quả.Người Ý chỉ giao lưu qua ban công.Bạn trẻ xung phong đi mua sắm đồ dùng cho người già.Các tiệm Pizza vội vã vào lò những mẻ bánh ngon nhất giao đến mọi nhà, đặc biệt là y bác sỹ ở bệnh viện.
Khi trẻ em không phải đến trường và bố mẹ vẫn phải đi làm, tất cả cùng tìm cách khắc phục. Có gói cứu trợ chống dịch, thậm chí Chính phủ hỗ trợ 600 euro để trả cho người trông trẻ. Ra mắt ứng dụng “Zumbini” từ 4/4 để tiếp đón trẻ 6 - 14 tuổi có bố mẹ bị nhiễm hoặc cách ly, ở Milan. Thông tin này làm bao nhà yên tâm rằng sẽ không có chuyện đau lòng như bé trai khuyết tật người Trung Quốc bị bỏ đói đến chết khi bố bị cách ly khỏi nhà.
Tích trữ khẩu trang, nước sát khuẩn hay nhu yếu phẩm thì nước nào cũng có. Ý có lẽ thơ mộng hơn chút khi trên các quảng trường, cạnh các đài phun nước, người ta đặt những thùng mỳ pasta cho người vô gia cư. Hoặc như cụ ông Liberato Chiugi (ở Campano) tặng đồ ăn với dòng chữ ấm áp “đừng đi ngủ khi chưa ăn gì cả”.
Trong các khu vực điều trị, có những câu chuyện như đôi vợ chồng già bị cách ly cùng nhau: Cụ ông 92 tuổi nhuộm tóc cho người vợ thân yêu. Hay từ 10/3, bác sỹ tâm lý Damiano Rizzi cùng 9 đồng nghiệp thuộc tổ chức phi chính phủ Fondazione Soleterre đến bệnh viện San Matteo ở Pavia để hỗ trợ tâm lý, xoa dịu nỗi sợ ốm đau, sợ khó qua khỏi- của tất cả những người bệnh, cả người thân của nạn nhân tử vong và y bác sỹ đang chiến đấu với dịch…
Nước Ý nổi tiếng nhất là các thương hiệu Ferrari, LV, Gucci, Dior, Armani... Tất cả đều nỗ lực trụ hạng và có những bước rẽ. Hãng xe Lamborghini với những công nhân tay nghề cao, nay chuyển sang sản xuất khẩu trang và tấm che mặt cho nhân viên y tế. Người sáng lập Ferrari -ông Enzo Ferrari không chỉ cứu trợ 3 triệu euro cho chính phủ mà còn liên kết sản xuất các máy trợ thở cho cả nước. Hãng thời trang cao cấp Armani vội vã chuyển sang sản xuất áo choàng bảo hộ y tế. Hãng mỹ phẩm Ramazotti nay sản xuất nước sát khuẩn số lượng lớn. Chính phủ thông qua khoản cứu trợ 15 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp vượt qua thử thách này.