Khơi mạch nguồn Tây Nguyên

Kỳ cuối: Để Tây Nguyên cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo đánh giá của Trung ương, liên kết nội vùng và liên vùng của Tây Nguyên chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển. Do đó, chỉ có mở rộng giao thông thì Tây Nguyên mới cất cánh.

Phát triển loạt cao tốc, nâng cấp sân bay

Kỳ cuối: Để Tây Nguyên cất cánh ảnh 1

Công nhân của Cty Damaca Nguyên Phương sơ chế hạt mắc ca xuất khẩu

Liên kết để phát triển là một đột phá nhằm đưa Tây Nguyên phát triển trong điều kiện hoàn cảnh mới, trong đó hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu. Giải pháp này được thực tế chứng minh rõ thời gian qua. Chẳng hạn, tại Gia Lai, giao thông đồng bộ đã tạo cú huých trong thu hút đầu tư. Với hệ thống giao thông gồm một cảng hàng không đạt tiêu chuẩn 4C, 6 quốc lộ, 10 đường bộ cấp tỉnh cùng kết nối với gần 11.088km đường cấp huyện, đô thị, liên xã, liên thôn, đường chuyên dụng; trong 20 năm qua, tỉnh này có 557 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt hơn 138.797 tỷ đồng, bình quân đạt gần 250 tỷ đồng/dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung ương, liên kết nội vùng và liên vùng của Tây Nguyên chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển.

Tại Đắk Lắk, mạng lưới giao thông quy mô thấp, nhiều tuyến đường đang xuống cấp; chưa có đường sắt và tuyến đường cao tốc kết nối với cảng biển, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột mới kết nối với một số tỉnh, thành phố lớn trong nước, chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 5% hành khách.

Kỳ cuối: Để Tây Nguyên cất cánh ảnh 2

Sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Từ thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều đồng tình với nhận định của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT): Chỉ có mở rộng giao thông, Tây Nguyên mới cất cánh; đồng thời đề nghị Trung ương đẩy mạnh nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông, để Tây Nguyên không chỉ liên kết nội vùng mà còn mở rộng liên kết ngoại vùng (Đông Nam bộ và Duyên hải miền Trung) và quốc tế.

Theo Nghị quyết 23, vùng Tây Nguyên cũng sẽ nghiên cứu, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển Bauxit Đắk Nông - Bình Thuận; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ du lịch; xây dựng trục chính mạng đường sắt Tây Nguyên gồm: Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước...

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, tỉnh đang tập trung để trở thành trung tâm liên kết, điều phối phát triển của vùng Tây Nguyên. Trong thời gian tới, Đắk Lắk xác định hoàn thành lập, trình phê duyệt và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 bảo đảm quy hoạch quốc gia, vùng Tây Nguyên để phát huy lợi ích so sánh của tỉnh, gắn với lợi thế vùng. Tỉnh Đắk Lắk đề nghị thành lập hội đồng Tây Nguyên, ban hành quy chế hoạt động bảo đảm hiệu quả liên kết nối vùng Tây Nguyên và Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ.

Kỳ vọng đột phá

Kỳ cuối: Để Tây Nguyên cất cánh ảnh 3

Buôn Ma Thuột đang hướng tới thành phố cà phê của thế giới

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột (TP.BMT) đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, vấn đề này được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi bởi đây là lần đầu thực hiện cơ chế thí điểm cấp quận, huyện được xây dựng sau khi thí điểm tại 9 tỉnh, thành lớn.

Theo đó, 5 chính sách đặc thù được thí điểm cho TP.BMT liên quan tới: Tổng mức dư nợ vay; Phân bổ định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số; Ưu đãi thu thuế doanh nghiệp (DN) cho các dự án đầu tư trên TP.BMT; Phân cấp quản lý quy hoạch; Ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết này ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội nêu kiến nghị cần xem xét, cân nhắc kỹ các yếu tố để áp dụng hiệu quả trên thực tế, nhằm phát huy tốt nhất các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương.

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nhất trí với chủ trương áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.BMT. Theo đại biểu, BMT là thành phố đô thị lớn nhất của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là trung tâm, kết nối tất cả vùng trọng điểm phát triển như Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Địa phương này cũng là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP.BMT cho rằng, những cơ chế, chính sách đặc thù được chấp thuận sẽ là điều kiện thuận lợi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại địa bàn; có nguồn lực tăng thêm hàng năm từ 45% định mức chi thường xuyên trên quy mô dân số của thành phố để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, hạ tầng đô thị tiện ích... Đồng thời từ các chính sách ưu đãi về nâng hạn mức vay, ưu đãi về thuế TNCN, thuế TNDN sẽ tạo động lực thu hút các nhà đầu tư lớn vào địa bàn thành phố trên các lĩnh vực như: xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo; năng lượng; khoa học và công nghệ, trung tâm logistics, cảng cạn... từ đó tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương, nhất là cà phê và một số nông sản chủ lực của vùng Tây Nguyên, hướng đến xây dựng TP.BMT thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ liên quan đến cà phê; xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia…

Theo định hướng của Nghị quyết 23, thời gian tới, một số tỉnh trong vùng Tây Nguyên thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

MỚI - NÓNG