Kỳ công săn sơn cầm xuyên Tây Bắc

Hồ Văn Hiển và chú gà rừng yêu quý.
Hồ Văn Hiển và chú gà rừng yêu quý.
Tháng tư, đàn gà rừng trên những dãy núi xa xanh vào mùa “sung”, gáy râm ran cả góc rừng buổi sớm. Cánh thợ săn loài sơn cầm mào đỏ này chỉ đợi có thế để xuyên núi bẫy gà rừng.

Kỳ công săn gà rừng 

4 giờ sáng, trời đất còn mù mịt sương, Thào Chúng, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã vỗ vai lay tôi dậy: “Dậy đi, chuẩn bị lên rừng thôi, đường xa đấy. Đi sớm còn nghe xem gà gáy ở đâu”. 

Trong khi tôi còn đang ngáp ngắn ngáp dài thì Thào Chúng đã lạch cạch mở chuồng lấy con gà mồi cho vào trong túi đeo trước ngực. 

Tôi lầm lũi theo chân anh chàng người Mông vượt dốc theo lối trâu đi lần sâu vào rừng bồ đề. Độ 5 giờ 30, chúng tôi dừng lại trước một khoảng rừng thưa. Thào Chúng vỗ vỗ vào cái giỏ đựng gà đeo lủng lẳng trước ngực, con gà cục cục bên trong có vẻ muốn ra. Thào Chúng tháo giỏ, thả con gà mồi ra đất. Được thả ra, con gà mồi sung sướng, chân bới cỏ, cánh vỗ phành phạch, vươn cổ gáy vang mấy tiếng. Bất chợt phía xa có tiếng gà gáy đáp lại. Rồi ở ngọn đồi khác, gà cũng gáy te te. 

“Ở đây xa bản, ít người đi bẫy nên mới còn gà. Chứ dưới kia người ta bẫy hết rồi. Con nào còn lại cũng “thành tinh”, bẫy không được đâu”, Thào Chúng nói. 

Thào Chúng dặn tôi núp kín trong lùm cây, còn mình đem gà mồi đi dọn chỗ cắm que cọc chân gà. Loáng cái, Chúng đã đặt xong mấy bộ “giò” bẫy gà rừng. Đã được huấn luyện bài bản, con gà mồi tiếp tục vỗ cánh gáy vang, tiếng gáy như khiêu khích. 

Lúc này, ngoài kia con gà trống rừng đã đến rất gần, chỉ cách mồi độ chục mét. Nó rất ranh ma, không đến đúng hướng đặt "giò" bẫy mà chếch hướng khác. Hai con gáy đấu nhau như đang “khẩu chiến”. Gà mồi vừa gáy vừa dụ, vỗ cánh gọi đòn. Gà rừng bị kẻ xâm phạm lãnh thổ chọc tức, gáy liên hồi, chân cào bới tung đất cỏ, lá khô. Trận “khẩu chiến” kéo dài khoảng 10 phút, gà rừng điên tiết không chịu nổi, khi gà mồi gáy chưa dứt tiếng nó đã lao vào tấn công. Hai con vừa bay, vừa đá, vừa mổ nhau quần thảo đám lá khô bay xào xào… 

Kỳ công săn sơn cầm xuyên Tây Bắc ảnh 1 Nuôi gà rừng trở thành nghề “ hái” ra tiền của một số hộ dân.
Nghe tiếng gà kêu quác quác như bị chọc tiết, Thào Chúng vùng dậy, tôi cũng chạy theo lao về phía gà mồi. Thì ra, gà rừng đã dính "giò", chân bị thòng lọng thít chặt, đang bay toán loạn để thoát thân. Con gà mái rừng gần đó thấy người đến cũng hoảng hốt bay vút đi, bỏ bạn tình ở lại. 

Cầm chú gà rừng trên tay, Thào Chúng cười hả hê: “Con này cựa dài lắm, chắc phải 3 mùa rồi đấy. Bán ở dưới phố kiểu gì cũng được 500 nghìn. Dân phố thích lắm, gà rừng là đặc sản, ai thích thì để nuôi làm cảnh”. 

Xóm gà rừng 

Sau chuyến theo chân Thào Chúng lên núi săn gà rừng, tôi lại lặn lội tìm vào thôn Bản Láng, xã Bản Qua (huyện Bát Xát), nơi nghe dân chơi gà cảnh, chim cảnh đồn là có một “xóm gà rừng”. Đây là bản định cư của đồng bào dân tộc Giáy, nằm tựa lưng vào dãy núi Nhạc Sơn xanh ngút ngàn. 

Ông Phan Văn Ky, một thợ bẫy gà rừng điêu luyện, rít thuốc lào sòng sọc, cười lóe mấy cái răng bọc đồng sáng bóng, kể cho tôi nghe những chuyện ly kỳ về loài gà rừng mà ông biết qua những năm tháng xuyên rừng xanh núi đỏ đi bẫy loài sơn cầm này. 

Theo ông Ky, gà rừng hoang dã có nhiều điểm khác với gà nhà, chúng chỉ nặng từ 1 - 1,2kg, dáng cao, thân dài, chân màu chì nhỏ và có bộ lông đỏ vàng sặc sỡ. Gà rừng có khả năng bay như chim và rất nhát người. 

Kỳ công săn sơn cầm xuyên Tây Bắc ảnh 2 Vẻ đẹp của một chú gà rừng lai.

Vào mùa đông, bộ lông mã của gà rừng trống rụng hết, chỉ còn lông màu đen, mào gà rừng cũng teo nhỏ lại và chuyển sang màu thâm đen. Thế nhưng khi mùa xuân đến, cũng là vào mùa sinh sản, gà rừng trống khoác lên mình bộ lông thật rực rỡ với màu đỏ, vàng, ánh xanh. Cái mào cờ trên đầu gà trống lúc này rất nở to và đỏ tươi làm cho dáng vẻ của nó thêm oai vệ. 

Điều đặc biệt là mỗi năm gà rừng mái chỉ đẻ 2 lứa vào tháng 3 và tháng 6, và mỗi lứa chỉ đẻ từ 5 - 7 quả trứng. Trong khoảng thời gian này, gà trống và gà mái sống theo đôi chứ không đi theo đàn như các mùa khác. 

Gà rừng trống vào mùa sinh sản gáy rất hăng và rất hiếu chiến, chỉ cần có gà khác xâm phạm lãnh thổ là bay đến chiến đấu ngay. Nhờ khả năng bay tốt, nhanh nhẹn và có đôi cựa đen nhọn hoắt như hai cây kim sắt, nên gà rừng rất thiện chiến. 

Còn về nghề bẫy gà rừng, ông Ky nói mấy năm nay gà rừng thì ít mà thợ săn thì nhiều, có chuyến đi mấy quả đồi chẳng nghe tiếng gà rừng gáy, đành về tay không. Không chỉ bẫy gà rừng, có người còn lén lút dùng súng kíp để bắn. Mùa gà rừng, đi bẫy gà cũng không ít nguy hiểm, chỉ sợ đám thợ săn thấy gà gáy mang súng kíp ra bắn, thì không chỉ gà, mà người cũng bỏ mạng lúc nào không hay. 

Trong gian nhà gỗ đơn sơ dưới chân núi Nhạc Sơn, Hồ Văn Hiển, chàng trai người Giáy khoe với tôi chú gà trống lai rừng tuyệt đẹp. Hiển để con gà rừng trên tay, chú gà nghiêng ngó một lúc, rồi cong cổ, ưỡn ngực, đập cánh, cất tiếng gáy vang. Cái dáng vẻ oai vệ, sự nhanh nhẹn, khỏe khoắn và tiếng gáy đặc biệt của chú gà rừng khiến tôi mê ngay. 

Hồ Văn Hiển bảo ở Bản Láng, từ một hai người nuôi gà rừng, giờ đây thú chơi này được nhiều người quan tâm, đặc biệt là anh em dòng họ Phan. Các ông Phan Văn Ky, Phan Văn Sửu, Phan Văn Thắng… là điển hình về nuôi gà rừng. Mỗi nhà có đàn gà rừng cả chục con lớn nhỏ. Còn nuôi vài ba con để nghe gáy thì cũng không ít. 

Kỳ công săn sơn cầm xuyên Tây Bắc ảnh 3 Ông Phan Văn Ky thuần dưỡng và lai tạo thành công đàn gà rừng.

Theo Hiển, việc thuần hóa và chăm sóc gà rừng tưởng dễ nhưng không hề đơn giản, vì khi bắt từ rừng về nuôi đa số gà rừng đều bị chết hoặc sống nhưng gầy yếu và không sinh sản được. 

Để thuần hóa được gà rừng, sau khi bắt được cần nhốt chúng ở nơi thật yên tĩnh, sau đó bỏ thóc, nước cho chúng tự ăn uống. Để gà rừng đủ chất, hằng ngày cần bổ sung thức ăn tươi như sâu, gián đất, giun, dế, cào cào… cho chúng. 

Một thời gian sau gà đã quen dần, người nuôi tiếp xúc với chúng nhiều hơn cho gà đỡ nhát. Khi gà rừng đã khá thuần và cất tiếng gáy thì thả gà mái nhà vào cho chúng ghép đôi để sinh sản. Gà rừng lai được con người nuôi từ nhỏ, vẫn giữ được vẻ đẹp và giọng gáy đặc trưng của gà rừng hoang dã, nhưng dạn người hơn và dễ nuôi hơn.

Ở Bản Láng, trước đây, đồng bào Giáy nuôi gà rừng để nghe gáy cho vui. Còn hai năm qua, phong trào nuôi gà rừng lai làm cảnh và phục vụ cho các nhà hàng đặc sản ngày càng phát triển, nên gà rừng lai ở Bản Láng bán rất được giá. 

Mỗi chú gà trống lai gà rừng trưởng thành có mã đẹp, giọng gáy hay giá từ 1  -1,5 triệu đồng, gà mái 500 nghìn/con, còn gà nhỏ thì 200 - 300 nghìn/đôi. Nuôi gà rừng trở thành nghề “hái” ra tiền của một số hộ dân.

Theo Theo Nông Nghiệp Việt Nam
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.