Kỳ bí những căn hầm chứa ngập báu vật

Kỳ bí những căn hầm chứa ngập báu vật
Liên tục các kho báu được khai quật, cả làng (ở Hải Phòng) nhìn thấy tận mắt, bán lấy bộn tiền, nên không ai nghi ngờ gì về tính hư thực của những kho báu này. Cả làng đều tin chắc chắn rằng, đó không phải là những câu chuyện truyền thuyết suông.

Ông Trần Anh Nghĩa vốn là công an xã, chủ tịch xã và bây giờ về hưu thì làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã Chính Mỹ. Chẳng rõ ông có phải con cháu cụ Trần Tung (Trần Tung là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức anh vợ vua Trần Thánh Tông) hay không, nhưng ông bảo tổ tiên đời nảo đời nào nhà ông đã sống ở chân ba quả núi làng Mỹ Cụ, gồm núi Phượng Hoàng, Hổ Phục và núi Rùa.

Ông Trần Anh Nghĩa bên tháp mộ chùa Linh Sơn

Ông Trần Anh Nghĩa bên tháp mộ chùa Linh Sơn.

Theo người dân trong xã, ông Nghĩa là người nắm rõ nhất về cụ Trần Tung và xa hơn nữa là truyền thuyết về những quả núi này từ thời Hùng Vương. Dù nhiều năm làm cán bộ, công việc bận mải, nhưng ông vẫn luôn yêu mến lịch sử, văn hóa nên chịu khó sưu tầm lịch sử địa phương.

Ông Nghĩa pha trà, trịnh trọng dẫn tôi ra ngã ba làng Mỹ Cụ, chỉ hướng chân vạc của ba quả núi, rồi bắt đầu câu chuyện huyễn hoặc về những quả núi kỳ bí này.

Núi Phượng Hoàng

Núi Phượng Hoàng.  

Truyền thuyết kể rằng, làng Mỹ Cụ có từ thời Hùng Vương, nhưng lúc đó, làng chỉ là cái trại nhỏ ven biển, do một vài cư dân nơi khác kéo đến sinh sống, đánh cá, trồng cấy. Thời Thục Phán An Dương Vương, dân cư đông đúc hơn, trại được mở rộng thành trang (trang là đơn vị hành chính lớn hơn trại - PV), được đặt tên là Mỹ Cát Trang, có nghĩa là bãi cát trắng rất đẹp.

Hiện nay, làng Mỹ Cụ thờ thành hoàng là vợ chồng cụ Lý Huy Chân và Đào Thị Bảo. Tên tuổi, gia cảnh hai cụ vẫn được ghi trong sử sách của làng, trong các câu chuyện truyền miệng và được thờ tự trong đền, đình. Quê gốc hai cụ ở Thanh Hóa, là hào phú anh hùng, biết nghề địa lý, giỏi buôn bán thương nghiệp.

Đền thờ cụ Lý Huy Chân ở làng Mỹ Cụ

Đền thờ cụ Lý Huy Chân ở làng Mỹ Cụ.  

Thời Hùng Vương, cụ Bảo từ quan, rồi dắt gia quyến về vùng đất thuộc huyện Thủy Nguyên bây giờ. Đến trang Mỹ Cụ, thấy thế đất đẹp, tiền có án thủy đáo đường (thủy triều lên xuống), hậu có đan phượng hàm thư (con chim phượng ngậm sách), tả hữu có song đồng sơn (hai quả núi hai bên), nên dừng chân, lập trại sinh sống, buôn bán.

Xưa kia, nơi nào có đất thiêng, thì thầy địa lý thường khuyên mang mồ mả tổ tiên đến chôn, với niềm tin sẽ phát nghiệp đời sau. Tất nhiên, cụ Chân đã rước mồ tổ tiên ra vùng đất này và chôn đúng huyệt thiêng giữa trại. Tuy nhiên, giờ đây, dân làng không biết huyệt đạo đó ở đâu.

Núi Rùa

Núi Rùa.  

Truyền thuyết kể rằng, tiền của nhiều, vàng bạc chất thành núi, nên để bảo toàn tài sản, tránh nạn cướp bóc, cụ Chân đã cho người đào các đường hầm ngang dọc trong lòng núi Mỹ Cụ rồi cất giấu các kho báu vào đó. Trải mấy ngàn năm, thế sự đổi thay, trộm cướp đào núi lấy đi vô số vàng bạc, châu báu, thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều.

Một hầm mộ từng cất giấu nhiều báu vật lộ ra khỏi vách núi

Một hầm mộ từng cất giấu nhiều báu vật lộ ra khỏi vách núi.

Cách đây chừng 20 năm, khi ông Trần Anh Nghĩa còn đương chức Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ, đã được vinh dự đón Hòa thượng Kim Cương Tử (thành viên Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam... Hòa thượng đã mất năm 2001, thọ 88 tuổi) về thăm chùa Linh Sơn.

Thực ra, từ mấy chục năm trước, hòa thượng đã về thăm chùa, nhưng lần đó ông Nghĩa mới được diện kiến. Sau khi nghiên cứu sắc phong, bia đá, mộ tháp, hòa thượng chỉ nói: “Ngôi chùa này đã có rất lâu đời”.

Vết tích thành mộ Hán bên sườn núi Rùa

Vết tích thành mộ Hán bên sườn núi Rùa.

Bản thân hòa thượng cũng không thể khẳng định chùa có từ khi nào. Nhưng trong cổ sử có ghi rằng, cha mẹ Lê Hoàn là người Thanh Hóa, vốn làm nghề đăng đó, đã về ngôi chùa này cầu và sinh vương.

Sau này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng về nghiên cứu và cho rằng thời Đinh đã khôi phục lại ngôi chùa này, còn nó có từ khi nào thì không ai biết. Trong tâm trí người dân Mỹ Cụ, trong các câu chuyện truyền miệng, thì ngôi chùa này có từ trước Công nguyên, khi Phật giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam. Hiện trong ngôi chùa này vẫn còn thờ nhiều pho tượng giống người Ấn Độ.

Tác giả dưới một hầm đào kho báu

Tác giả dưới một hầm đào kho báu.  

Nhưng chuyện về ngôi chùa với những bí ẩn không được nhiều người quan tâm bằng những thông tin về kho báu mà vợ chồng thương gia giàu có nhất xứ Lý Huy Chân chôn giấu trong núi từ thời Hùng Vương.

Ngay trong 3 quả núi quây quần bên nhau bao bọc làng Mỹ Cụ này có vô số đường hầm bằng đất, bằng gạch lộ ra và đã có vô số người trong rất nhiều thời kỳ, cả ngày xưa và nay tìm được kho báu, nên việc có kho báu không phải là hư, là truyền thuyết huyền ảo, mà rõ ràng là thực.

Cổ vật đào được ở núi Phượng Hoàng

Cổ vật đào được ở núi Phượng Hoàng.

Trong lần Hòa thượng Kim Cương Tử về thăm chùa Linh Sơn, ông Trần Anh Nghĩa dẫn hòa thượng đi thăm quan chùa, xem thế đất và đặc biệt là một số miệng hầm gạch do người dân đào bới và đất lở lộ ra.

Xem xét thực địa, hòa thượng Kim Cương Tử nói với ông Nghĩa: “Đây là những ngôi mộ Sở. Người Sở thường chia của cho người âm nên trong lòng những ngôi mộ này có rất nhiều của báu”.

Hòa thượng này cho rằng, vào thời Chiến Quốc (thế kỷ 5 trước Công nguyên), nước Tần hùng mạnh đánh chiếm xuống, người Sở không chống đỡ nổi phải di cư sâu xuống phía Nam. Thời kỳ đó, lãnh thổ các quốc gia không rõ ràng như bây giờ. Có thời kỳ người Sở lấn sâu vào nước Việt, đến tận vùng Hải Phòng, Quảng Ninh.

Người Sở có tục chia của cho người chết, nên khi nhà giàu chết đi, họ xây dựng những ngôi mộ lớn, rồi chia của cho người chết công bằng như người sống. Đồ dùng, tiền bạc, báu vật được đặt trong các hầm mộ rồi lấp lại vĩnh viễn.

Những quả núi lưu giữ các kho báu ở làng Mỹ Cụ bị quên lãng 2.500 năm cho đến tận ngày nay. Hòa thượng Kim Cương Tử cũng dặn dò chính quyền, người dân và nhà chùa giữ gìn những kho báu này và coi đó là tài sản quốc gia.

Đường lên núi Rùa

Đường lên núi Rùa.  


Không rõ thông tin Hòa thượng Kim Cương Tử cung cấp lấy ở đâu ra, nhưng người dân Mỹ Cụ rất tin và giờ đây, người dân Mỹ Cụ gọi những ngọn núi này là nơi cất giữ kho báu Sở.

Không phải ai cũng biết những truyền thuyết, huyền thoại về những kho báu trên mấy quả núi này, nhưng ai cũng biết và tin chắc chắn rằng, ba quả núi nằm cạnh nhau, gồm Phượng Hoàng, Hổ Phục và núi Rùa, là nơi cụ Lý Huy Chân thời Hùng Vương và người Sở cất giữ kho báu.

Suốt hàng trăm năm nay, cứ thi thoảng có người đào trúng kho báu thực sự, nhất là 10 năm trở lại đây, liên tục các kho báu được khai quật, cả làng nhìn thấy tận mắt, bán lấy bộn tiền, nên không ai nghi ngờ gì về tính hư thực của những kho báu này. Cả làng đều tin chắc chắn rằng, đó không phải là những câu chuyện truyền thuyết suông.

Phạm Ngọc Dương
VTC NEWS
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.