> Làm rõ kỳ án ở Kiên Giang
> Yêu cầu làm rõ dấu hiệu oan sai
> Chống án, một phụ nữ ba lần vào tù
Đó là xã Ngọc Chúc và xã Thạnh Hưng cũ (Giồng Riềng, Kiên Giang). Nếu 2 xã này luôn tách biệt, thì đất ở xã Ngọc Chúc không dính líu đến đất ở xã Thạnh Hưng cũ.
Sau giải phóng, xã Thạnh Hưng cũ chia ra thành nhiều xã, trong đó có xã Thạnh Lộc thì đất ở xã Thạnh Lộc cũng không dính líu đến đất ở xã Ngọc Chúc. Nhưng nếu hai xã từng là một, gọi là xã Ngọc Chúc, rồi tách ra xã Thạnh Hưng cũ thì một mảnh đất ở xã Thạnh Lộc, trong quá khứ thuộc xã Ngọc Chúc.
Xin phép dài dòng vì quá khứ biến động và liên quan đến số phận một con người. Bà Thái Thị Ngàn ở xã Thạnh Lộc đã 3 lần phải vào tù. Bà làm một đám ruộng mà theo bà, được cha ruột đã hy sinh để lại ở xã Thạnh Lộc (Thạnh Hưng cũ), nhưng bị một người tranh chấp, cho rằng do cha của ông này để lại. Ông này dùng bằng khoán chế độ cũ cấp cho cha của ông (đất ở xã Ngọc Chúc, vào năm 1971), để năm 1997 làm sổ đỏ đất ở xã Thạnh Hưng cũ, trùm lên đất bà Ngàn.
Năm 1999 tòa án địa phương xử dân sự, buộc bà Ngàn trả đất nhưng bà không chấp hành nên bị xử hình sự 3 lần (mỗi lần 18 tháng tù vào năm 2007, 2009 và 28 tháng tù ngày 31-5-2011).
Công văn của Viện KSND tỉnh Kiên Giang ngày 9-6-2011 gửi Ban đại diện Báo Tiền Phong tại ĐBSCL, khẳng định thời điểm năm 1971, xã Ngọc Chúc và xã Thạnh Hưng cũ là một. Công văn viết: “Sau đó, xã Ngọc Chúc được chính quyền chế độ cũ chia tách thành nhiều xã, trong đó có xã Thạnh Hưng (cũ)”. Cho nên, theo công văn, các bản án dân sự và hình sự đã xử đúng.
Đáng tiếc, công văn không cho biết cụ thể xã Ngọc Chúc được “chính quyền chế độ cũ chia tách thành nhiều xã” thời điểm nào và gồm những xã nào? Trong khi đó, cuối tháng Sáu vừa qua, nhiều người dân cố cựu ở địa phương, viết giấy xác nhận ngược lại, những giấy này có chứng thực của xã.
Ông Lâm Văn Thuyền, sinh năm 1937, trước năm 1959 làm Xã đội trưởng xã Thạnh Hưng cũ, từ năm 1959 đến 1962 làm Huyện đội phó Huyện đội Giồng Riềng, nay là Tổ trưởng Cựu chiến binh ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc.
Ông Thuyền khẳng định: “Từ năm 1953, xã Ngọc Chúc và Thạnh Hưng cũ riêng biệt, không có chuyện xã Ngọc Chúc sẻ ra xã Thạnh Hưng cũ. Hai xã này trước thuộc quận Giồng Riềng, từ năm 1965 thuộc quận Kiên Bình, nay thuộc huyện Giồng Giềng”.
Ông Lê Văn Trưởng (sinh năm 1919, trước ngụ ở xã Ngọc Chúc, nay ở ấp Ngọc Vinh, xã Ngọc Thuận), cũng xác nhận: “Từ năm 1953, Ngọc Chúc và Thuận Hưng cũ là hai xã riêng biệt”. Nếu những xác nhận này là đúng, thì việc dùng bằng khoán ở xã Ngọc Chúc để làm sổ đỏ ở xã Thạnh Hưng cũ (Thạnh Lộc hiện nay) là sai và các bản án xử bà Ngàn đã gây oan sai.
Không quá khó, song việc xác định hai xã trong quá khứ từng là một hay luôn riêng biệt là 2, đến nay vẫn gây tranh cãi. Cội nguồn vụ việc là bản án dân sự số 87 ngày 17-6-1999 của TAND tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu oan sai rất cần được kháng nghị tái thẩm để làm rõ.