Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê

0:00 / 0:00
0:00
Sự thật là, khi cà phê đến với vùng đất hoặc quốc gia nào, đều tạo nên những bước tiến vượt bậc về kinh tế và diện mạo xã hội của quốc gia đó.
Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê ảnh 1

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Kỷ nguyên thống trị của đế chế Ottoman

Sau khi phát hiện lợi ích từ hạt cà phê, người Ethopia đã mang cà phê trồng trên các dãy núi Yemen – vùng đất bị Ethiopia chiếm cứ. Vào thế kỷ 15, cà phê đã là thức uống thiết yếu và phổ biến khắp Bán đảo Ả Rập, Ba Tư, Ai Cập, Ottoman, Bắc Phi, khiến cà phê thành một loại hàng hóa có giá trị sinh lợi.

Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê ảnh 2

Giữa thế kỷ 16, Ottoman xâm chiếm Yemen và nhanh chóng nhận ra tiềm năng kinh tế của cà phê. Từ đây, quá trình giao dịch cà phê trên quy mô toàn cầu chính thức bắt đầu. Hạt cà phê được thu mua và xuất khẩu từ Yemen theo hai tuyến đường. Một tuyến đường trên đất liền dẫn đến Mecca, Medina, Damascus, Aleppo, Constantinople. Một tuyến đường khác thông qua các cảng biển ở phía tây bán đảo Ả Rập theo đường biển đến Địa Trung Hải, sau đó vào châu Âu.

Thời điểm đó, Mocha là thương cảng buôn bán cà phê sầm uất, thu hút thương gia khắp thế giới tìm đến, bao gồm cả Ấn Độ và các quốc gia Châu Âu. Mocha trở thành cái tên của cà phê vùng này. Cà phê trong giai đoạn này là xa xỉ phẩm mang lại lợi nhuận vô cùng lớn. Nguồn lợi từ cà phê đã góp phần đưa Ottoman phát triển cực thịnh, trở thành một trong những thực thể chính trị mạnh nhất thế giới. Để kiểm soát thương mại cà phê, Ottoman cấm phân phối hạt sống hoặc cây giống, nhân cà phê phải luộc hoặc rang chín trước khi xuất khẩu.

Châu Âu thay đổi cán cân kinh tế

Thế kỷ 17, nhu cầu cà phê toàn cầu tăng cao, các thương gia châu Âu đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền thương mại và tranh giành thị phần. Năm 1609, Công ty Đông Ấn của Anh thành lập một trạm giao dịch ở Mocha. Tiếp theo, năm 1614 Công ty Đông Ấn của Hà Lan tiếp cận các thương cảng Yemen. Năm 1616, người Hà Lan mang cây cà phê từ Mocha về Amsterdam nhưng cho đến năm 1696 Hà Lan mới trồng được cà phê quy mô lớn trên các vùng đất thuộc địa ở châu Á và châu Mỹ. Đầu thế kỷ 18, Hà Lan trở thành chủ lực sản xuất và cung ứng cà phê lớn nhất toàn cầu. Hà Lan thậm chí vượt qua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trở thành đế chế hưng thịnh thống trị thương mại hàng hải.

Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê ảnh 3

Năm 1714, thị trưởng của Amsterdam tặng một cây cà phê đến vua Louis XIV của Pháp. Người Pháp bắt đầu trồng cây cà phê trên đảo Martinique, từ đó nhân rộng khắp Trung - Nam Mỹ và Carribean. Đế chế Anh đến năm 1815 đã tiếp quản các đồn điền cà phê tại Ceylon của Hà Lan rồi nhanh chóng trở thành một thế lực lớn trong thương mại cà phê toàn cầu. Mặc dù cà phê không phải là ưu tiên của nền kinh tế thuộc địa Anh, nhưng với sự phát triển thuận lợi của vùng nguyên liệu và nhu cầu vận tải đường biển tăng cao, Anh đã kiếm được rất nhiều tiền từ thương mại cà phê. Nửa sau của thế kỷ 18, sản lượng cà phê tại các nước thuộc địa Pháp tăng cao, Pháp và Hà Lan trực tiếp cạnh tranh vị thế.

Trong lúc đó, cách mạng công nghiệp làm thay đổi phương thức sản xuất từ lao động chân tay được thay thế bằng chế tạo máy móc. Công việc nhà máy đòi hỏi trí óc tỉnh táo và thể lực nhanh nhẹn để vận hành thiết bị. Thức uống đang thịnh hành khắp Châu Âu lúc bấy giờ là bia và rượu không phù hợp với bối cảnh mới này. Do vậy, cà phê trở thành thói quen hàng ngày mới, một tập quán văn hóa ở châu Âu, sau đó lan sang Bắc Mỹ. Điều này dẫn đến cà phê trở thành sản phẩm thương mại có giá trị cao nhất trên thế giới, được ví như “vàng đen”. Một phần vì lợi nhuận liên quan đến cà phê, các cường quốc châu Âu đã xâm chiếm các quốc gia Châu Á, châu Mỹ, châu Phi làm đồn điền canh tác. Mở rộng vùng nguyên liệu cà phê gắn liền với chủ nghĩa đế quốc, mang lại lợi ích kinh tế cho các nước kiểm soát thuộc địa. Việc sản xuất cà phê hàng loạt đã đưa cà phê có mặt trên khắp các châu lục.

Sự trỗi dậy của châu Mỹ

Vào thế kỷ 19, cà phê đã trải qua một sự thay đổi cơ bản, thúc đẩy các nền kinh tế công nghiệp và trở thành trung tâm của nền kinh tế nông nghiệp ở nhiều nước châu Mỹ. Các quốc gia Venezuela, Colombia, Mexico, Jamaica, Brazil… giành được độc lập tạo ra bước nhảy vọt mới cho ngành cà phê. Trong khi châu Phi và châu Á giảm sản xuất thì năm 1850, Brazil chiếm hơn một nửa lượng cà phê trên thế giới.

Giai đoạn này, Mỹ vừa là quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới, vừa là trung tâm công nghệ hóa ngành cà phê. Năm 1790, Mỹ xây dựng các nhà máy sản xuất cà phê ở New York, chính thức tham gia ngành thương mại cà phê. Khoảng năm 1860, cà phê rang xay đóng gói được bán ra thị trường New York. Năm 1864, Mỹ sáng chế máy rang cà phê công nghiệp, cách mạng hóa sản xuất cà phê. Năm 1865, nhãn hiệu cà phê thương mại đầu tiên được đăng ký. Năm 1881, sàn giao dịch cà phê được thành lập tại New York. Năm 1900, phát minh bao bì chân không ra đời giữ cho cà phê tươi lâu hơn. Năm 1906, Mỹ sản xuất cà phê hòa tan tinh chế hàng loạt đầu tiên.

Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê ảnh 4

Thế kỷ 19, thương mại cà phê mở rộng gấp 20 lần. Châu Mỹ khẳng định sức ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường toàn cầu. Vì tầm quan trọng trong kinh tế của xuất khẩu cà phê, năm 1940, Mỹ và một số nước Mỹ Latinh đã thỏa thuận phân bổ hạn ngạch xuất khẩu để mỗi nước được đảm bảo thị phần nhất định. Đến năm 1962, các quốc gia sản xuất cà phê và các nước tiêu thụ ký Hiệp định cà phê quốc tế nhằm duy trì hạn ngạch của các nước xuất khẩu và giữ sự ổn định trên thị trường cà phê.

Kỳ tích Việt Nam và bước tiến của châu Á

Từ nửa sau thế kỷ 20, quyền lực cà phê dịch chuyển sang châu Á. Các quốc gia của lục địa trà đã hiện diện trong mọi bước của chuỗi cung ứng cà phê, từ sản xuất đến cung cấp công nghệ, tạo dựng thương hiệu và thúc đẩy văn hóa cà phê.

Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines… nổi lên như vùng nguyên liệu cung ứng cà phê cho toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là đại diện tiêu biểu nhất. Cuối những năm 1990, Việt Nam đã trở thành cường quốc cà phê thế giới. Những quốc gia có truyền thống uống trà như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay là thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu toàn cầu, có khả năng cạnh tranh được với Mỹ. Các thương hiệu cà phê đến từ châu Á như Trung Nguyên Legend, cà phê hòa tan G7 (Việt Nam), Caffe Bene (Hàn Quốc), Suntory Boss (Nhật Bản)… đã bao phủ khắp các châu lục.

Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê ảnh 5

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), châu Á có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cà phê năng động nhất trên thế giới, lục địa này đang trở thành “miền đất hứa” của ngành cà phê. Đặt biệt, với sự mở rộng quy mô của thị trường, cà phê đang là sản phẩm chủ chốt trong nền kinh tế ở các nước Đông Nam Á, dự kiến dư địa lợi nhuận vẫn còn rất dồi dào.

Hiện nay, thị trường cà phê toàn cầu đạt giá trị hơn 100 tỷ USD. Hơn hết, hệ thống kinh tế thế giới đang dần chuyển đổi sang hình thái kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo với hạt nhân là năng lực sáng tạo đổi mới của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia. Cà phê ngày càng có vị trí đặc biệt trong trật tự kinh tế thế giới, đóng vai trò nguồn năng lượng “thức tỉnh và sáng tạo”, là thức uống pha chế phổ biến và được tiêu thụ nhiều nhất giới. Giờ đây các quốc gia chủ động phát triển tiềm năng văn hóa, tri thức bản địa và các hình thức sáng tạo liên quan đến cà phê có thể để đón lấy cơ hội lãnh đạo ngành cà phê, góp phần tạo nên quyền lực mềm, quyền lực thông minh cho quốc gia đó trong kỷ nguyên kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo.

Kỳ 79: Lược sử kinh tế cà phê ảnh 6

Đón đọc kỳ sau: Đi tìm nguồn gốc sự giàu có từ quán cà phê.

MỚI - NÓNG