Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý

Đặc thù cấu thành nên “Phong cách Ý” trong thưởng lãm cà phê hiển xuất rõ ràng chính là lòng tự hào của những con người thuộc về một đất nước đang tìm lại gốc gác và tái tạo sự huy hoàng cho chính mình.
Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý ảnh 1

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Cà phê đã theo con đường giao thương thịnh vượng của Đế chế Ottoman du nhập sang Venice từ năm 1600. Ngay khi cà phê xuất hiện tại Ý, những tín đồ Kitô giáo đã xem "thức uống từ thế giới Hồi giáo" là mối đe dọa. Họ cố gắng thuyết phục Giáo hoàng Clement VIII tuyên bố cấm sử dụng. Trước khi phán quyết, Giáo hoàng tự mình nếm cà phê và từ ngụm đầu tiên đã kinh ngạc trước thức uống tuyệt vời này. Giáo hoàng ban sắc chỉ: “Hương vị cà phê quá dễ chịu, nó không thể là sản phẩm của thần dữ và thật là thiệt hại nếu người Hồi giáo độc quyền thưởng thức hương vị này. Chúng ta hãy phá vỡ điều đó bằng cách chấp nhận cà phê!”. Tiếp đó, Giáo hoàng Clement VIII thực hiện nghi thức rửa tội, tuyên bố cà phê là thức uống của Kitô giáo, đánh dấu cho sự bùng nổ của cà phê tại Ý và lan tỏa trên toàn lục địa châu Âu.

Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý ảnh 2

Ý từng là trung tâm của những nền văn minh Nuragic, Etruscan, Magna Graecia, La Mã… thống trị Tây Âu, Bắc Phi và Địa Trung Hải trong nhiều thế kỷ, có những đóng góp vô lượng cho nhân loại. Trong thời kỳ Phục Hưng, Ý là nơi phát triển mạnh mẽ về nghệ thuật, kiến trúc, văn học, khoa học, lịch sử và lý thuyết chính trị ảnh hưởng toàn châu Âu. Từ lịch sử tráng lệ ấy, người Ý luôn cố gắng khẳng định là biểu tượng của một phong thái sống đậm đà bản sắc tinh hoa của một dân tộc và cường quốc văn minh. Ngay trong các thể loại cà phê và cung cách phục vụ cũng làm hiển lộ vai trò lịch sử của Ý mà đặc biệt là Venice – thành phố đầu tiên làm rạng danh cà phê phong cách Ý.

Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý ảnh 3

Trong hơn 300 năm, cà phê Venice là sự tích hợp những cách thưởng lãm cà phê khác nhau, từ cà phê Ottoman đến cà phê lọc kiểu Anh, Pháp, Đức… tất cả đều hiện diện như một thông điệp về chặng đường lớn mạnh của Venice cùng với tiến trình giao thương Âu – Á, vốn cũng là một hành trình lan tỏa của cà phê.

Phải đến năm 1930, với sự ra đời của Espresso, cà phê “Phong cách Ý” mới trở nên hoàn chỉnh. So với cà phê từ phương Đông chọn cách nấu và ngâm, cà phê phương Tây thiên về cách lọc do nước từ trên chảy xuống hay hơi nước từ dưới bốc lên thì sự khác biệt của Espresso chính là tạo áp suất lớn để nước sôi xuyên thấu nhanh qua bột cà phê, chiết xuất đậm đà tinh chất của cà phê với một lớp bọt sóng sánh quyến rũ trên bề mặt.

Với phương thức ấy, cà phê Espresso của Ý đã tạo ra nghệ thuật pha chế và thưởng lãm mới. Người pha chế cà phê - Barista - là nghệ nhân điều hành và trình diễn nồng độ, sắc màu cũng như thể dạng của các tinh chất cà phê được chiết xuất, và người uống cà phê cũng trở thành bậc thức giả, biết đòi hỏi, phân biệt và thưởng lãm những loại cà phê thượng hảo. Đấy cũng chính là niềm tự hào độc đáo của cà phê “Phong cách Ý”.

Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý ảnh 4

Hàng quán cà phê cũng trở thành nơi chốn chuyển tải đặc sắc khí quyển văn hóa và nhất là nền văn minh lâu đời của Ý. Ví như, quán cà phê Caffè Florian (1720) được trang trí thuần túy theo chủ đề làm nổi bật tính quật cường và vượt trội của Venice. Quán Caffè Pedrocchi (1839) với những không gian lịch sử được xem là “Viện hàn lâm tư nhân” thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề về lịch sử văn hóa nghệ thuật của Ý và Tây Âu. Quán Caffè Michelangiolo (1845) lại là nơi chốn biểu trưng cho hướng vọng vượt thường của con người Ý. Caffè Aragno và Caffè Craja là hai quán cà phê đánh dấu cho sự nổi trội của “trường phái Ý” từ hội họa, điêu khắc đến mỹ thuật công nghiệp ảnh hưởng đến ngày nay…

Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý ảnh 5

Những tài danh nghệ thuật, thơ ca, hội họa, giới tri thức khai sáng như Giuseppe Garibaldi (anh hùng dân tộc Ý), Ugo Foscolo (một trong những tác gia đại diện Chủ nghĩa Lãng mạn Ý), Pietro Verri (nhà sáng lập trường phái Khai sáng Milan)… quy tụ tại quán cà phê, để hoài niệm về một thời lịch sử vàng son, để tính chuyện xoay chuyển dòng thế sự, tái tạo lại sự huy hoàng của một dân tộc từng là trung tâm của những nền văn minh tiêu biểu.

Khí quyển văn hóa cà phê ấy đã nuôi dưỡng và truyền bá rộng rãi những tư tưởng cấp tiến của Ý, từ văn hóa nghệ thuật đến kinh tế và tổ chức xã hội... Có thể kể đến như trường phái Lãng mạn (Romanticismo), phong trào Macchiaioli tái tạo nghệ thuật Ý, trào lưu nghệ thuật Futurist (Chủ nghĩa vị lai), phong trào nghệ thuật Transavanguardia… đều khởi xuất và lan tỏa từ hàng quán cà phê.

Không quá khi nói rằng, đối với người Ý, không gian hàng quán cà phê không chỉ là lúc và nơi thấu hưởng những hương vị độc đáo đến từ một loại hạt có một không hai mà còn gợi tưởng và ấp ủ một thế giới tươi đẹp cho chính bản thân và cho cả cộng đồng dân tộc.

Kỳ 19 - Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý ảnh 6

* Đón đọc kỳ sau: Cà phê phong cách Ý từ tách Espresso đến ấm Moka

MỚI - NÓNG