Kỳ 1: Cọc tiêu mười sáu tuổi

Kỳ 1: Cọc tiêu mười sáu tuổi
TP - Nhiều cô gái tuổi mười sáu mười bảy trốn nhà đi thanh niên xung phong (TNXP), xông vào nơi trận mạc, bây giờ ai còn, ai mất? Những chuyện gì chưa kể ở Truông Bồn? Chúng tôi về Đô Lương, Yên Thành (Nghệ An) tìm nhân chứng.

> Truông Bồn, huyền thoại và tri ân

Cựu TNXP Đại đội 317 Lê Thị Hường kể lại những tháng năm trấn giữ Truông Bồn
Cựu TNXP Đại đội 317 Lê Thị Hường kể lại những tháng năm trấn giữ Truông Bồn.

“Không cho, con cũng đi”

Từ Mỹ Sơn (Đô Lương), vượt eo truông, tôi về huyện Yên Thành tìm bà Lê Thị Hường, cựu TNXP Đại đội 317.

Gần 70 tuổi, không chồng, không con, bà sống độc thân trong căn nhà tình nghĩa sau một thời gian dài tá túc trong căn lều ấp vịt ở Tăng Thành. Cứ mỗi lần nhắc đến Truông Bồn, nhắc đến đồng đội, nước mắt bà lại rơi.

“Năm 17 tuổi, tôi viết đơn xin gia nhập lực lượng TNXP nhưng bị từ chối. Tôi lên gặp anh Hoàng Đình Nhã - Bí thư Đoàn xã hỏi lý do, anh Nhã gạt phắt: Mi con nít, chưa đủ tuổi, về lo học đi!”. Bà Hường bảo, hồi đó, cứ nhìn thấy áo màu xanh và chiếc mũ tai bèo là “ruột gan như đổ lửa”.

Ngoài thôn, đầu ngõ tiếng trống giục giã, phong trào “Ba sẵn sàng” và hiệu lệnh tòng quân khiến cô thôn nữ nhiều đêm trằn trọc.

Truông Bồn chiến thắng!. Ảnh : Quang Long
Truông Bồn chiến thắng!. Ảnh : Quang Long.

“Phải vào TNXP bằng được!”, Lê Thị Hường tự nhủ. Một chiều, cô gái trẻ len lén vào buồng xúc một bơ gạo, gói chặt trong chiếc khăn mỏ quạ, lúi húi đi về phía đoàn người đang nườm nượp cờ hoa rời làng.

Vừa tới xóm 5 xã Tăng Thành gặp mẹ cô đi ngược chiều, bà hỏi: “Trời tối rồi, mi đi mô?” “Con đi TNXP”. “Bữa trước thằng Nhã nói mi chưa đủ tuổi, không đi được”. “Không cho, con cũng đi”. Cúi chào từ biệt mẹ, Hường chạy ngược về cuối đường. Hành trang chỉ có bơ gạo và chiếc khăn màu đen.

Cùng đồng đội lao vào những điểm nóng bom đạn: Khe Thần (Tân Kỳ), cầu Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) và điểm dừng chân cuối cùng tại Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An), Lê Thị Hường và các chiến sỹ Đại đội 317 bất chấp mưa bom bão đạn, ngày đêm bám sát con đường 15A, thông xe vào tiền tuyến.

Nữ TNXP Lê Thị Hường là người đầu tiên phát hiện, cùng 2 đồng đội khác cứu Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông- người duy nhất sống sót trong trận bom oan nghiệt rạng sáng 31-10-1968.

Tấm ảnh đứa con của người mẹ 96 tuổi

Tôi ngược làng Đại Bần về Đại Phú (xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên) gõ cửa nhà cụ Nguyễn Thị Miện (mẹ của chị Nguyễn Thị Hoài, một trong 13 TNXP hy sinh tại Truông Bồn).

96 tuổi, cụ Miện vẫn nhớ như in hình ảnh con gái: “Mười sáu tuổi, Hoài xin đi TNXP. Tôi nói con còn nhỏ, học xong hẵng đi. Nó bảo: “Con ra trận địa, vừa làm vừa học thêm cũng được mẹ ạ”.

Năm 1967, Nguyễn Thị Hoài khăn gói theo đoàn quân tình nguyện tiến về Truông Bồn.

Cụ Miện (96 tuổi) và tấm ảnh con gái Nguyễn Thị Hoài
Cụ Miện (96 tuổi) và tấm ảnh con gái Nguyễn Thị Hoài.

“Tại Truông Bồn, Nguyễn Thị Hoài ít tuổi nhất, vì thế được chị em săn sóc, cưng chiều nhất. Cô có dáng vóc nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh và rất nhanh nhẹn” - Cựu TNXP Đại đội 317 Nguyễn Thị Minh kể.

Gần một năm, ở nhà bỗng nhận tin “Nguyễn Thị Hoài được điều động đi nhận gạo trên sông Lam, bị lũ cuốn, mất tích”. Cụ Nguyễn Khánh cuốc bộ từ Hưng Nguyên vượt mấy chục cây số lên Truông Bồn tìm con.

Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân”

Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem.

Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng cụ Khánh được gặp con tại trận địa. “Hai năm chiến đấu ở Truông Bồn, Hoài chỉ về thăm nhà một lần, rồi đi mãi”, cụ Nguyễn Thị Miện mân mê tấm hình con gái.

Tấm hình duy nhất nữ TNXP mười sáu tuổi để lại, giờ đã hoen màu, dính chặt vào mảnh gương vỡ, lọt thỏm giữa lòng bàn tay người mẹ.

Hơn 44 năm, thời gian xóa nhòa dấu tích, gương mặt thiếu nữ tuổi trăng tròn như đã lặn sâu vào gương. Trên khuôn mặt hiền hậu ấy, thoảng nhẹ một nụ cười.

Từ đầu năm 1967 đến tháng 10-1968, Truông Bồn không ngày nào dứt tiếng bom đạn. “Lúc địch oanh tạc, TNXP tìm chỗ trú ẩn. Tiếng gầm rú vừa tắt, chúng tôi nhào lên mặt đường cứu xe bị cháy, cứu thương, mang vũ khí đi giấu trong khe núi. Đêm tối, chẳng kịp bưng bát cơm, nghe tiếng kẻng lại lao ra bãi bom, đứng làm cọc tiêu” - cựu TNXP C317 Phan Thị Thao (xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) kể.

“Tại tọa độ lửa Truông Bồn, máy bay địch thường xuyên thay đổi giờ ném bom, thay đổi chiến thuật hòng làm tê liệt, cắt đứt giao thông trên đường 15A!”, Tiểu đội trưởng Tiểu đội phá bom Nguyễn Tâm Cớn (xã Liên Thành, huyện Yên Thành) nhớ lại.

Hàng nghìn quả bom đủ loại ném xuống, mặt đường từ Truông Bồn đến dốc Kỳ Lợn bị cày nát, đất đá ngổn ngang. Dưới làn mưa bom bão đạn, những chàng trai cô gái TNXP Đại đội 317 vẫn quyết tâm bám sát trận địa.

Trong đêm dài thăm thẳm, tiếng sáo gọi bạn của trực ban Trần Văn Hạp văng vẳng, hòa cùng tiếng hát của chị Hà Thị Đang (Hồng Thành, Yên Thành) cất lên du dương, hồn nhiên từ xóm nhỏ Mỹ Sơn…

(Còn nữa)

Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc

Dưới mưa bom bão đạn, bất chấp nguy hiểm, hàng ngàn TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến vẫn ngày đêm bám trụ Truông Bồn với khẩu hiệu “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”; “Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc”.

Tại đây, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội phòng không, bộ đội công binh QK IV và Đại đội 317 TNXP Nghệ An đã hy sinh và bị thương. Riêng xã Mỹ Sơn (Đô Lương) có 41 người thương vong. Đặc biệt, trận bom thù trút xuống Truông Bồn vào rạng sáng 31-10-1968, một ngày trước khi lệnh ngừng chiến có hiệu lực, đã cướp đi sinh mạng của 13 TNXP.

Trước khi chính thức trở thành lực lượng nòng cốt của TNXP Nghệ An, C317 thuộc huyện Yên Thành, “tả xung hữu đột” ở nhiều điểm nóng: Mở đường, bắc 32 chiếc cầu tại khe Thần (huyện Tân Kỳ); Kéo phà qua sông, rà phá bom mìn khu vực cầu Cấm (Nghi Lộc); San lấp hố bom, tải đạn, cứu thương ở cầu Phương Tích (huyện Nghi Lộc). Tháng 6 năm 1967, thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội nhất, Đại đội TNXP 317 được điều động về trấn giữ Truông Bồn.

Năm 2008, tập thể 14 chiến sỹ TNXP Nghệ An thuộc Đại đội 317 Đội 65 (gồm 13 anh chị đã hy sinh và một chiến sỹ duy nhất sống sót trong trận bom ngày 31-10-1968) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Kỳ 1: Cọc tiêu mười sáu tuổi ảnh 4
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG