Xuất khẩu lao động và những trò lừa dân nghèo

Đơn tố cáo của người lao động gửi đến báo Tiền Phong
Đơn tố cáo của người lao động gửi đến báo Tiền Phong
TP - Thời gian gần đây, ở Hà Nội liên tục xuất hiện đơn thư, phản ánh về việc nhân viên công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) ôm tiền của người lao động bỏ trốn. Hàng loạt công ty không được cấp phép đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tuyển người và thu tiền, đẩy NLĐ rơi vào vòng xoáy rủi ro. PV Tiền Phong đã tìm hiểu về thực trạng hỗn độn của thị trường này.

Kỳ 1: Ma trận xuất khẩu lao động

Thực tế, các công ty XKLĐ hoạt động như một ma trận. Nhiều công ty bất chấp thu tiền sai quy định. Khi xảy ra tranh chấp, họ sẵn sàng phủi trách nhiệm, bỏ mặc số phận NLĐ.

Long đong tìm môi giới đòi nợ

Dưới trời nắng gắt, L.L.C (30 tuổi, quê ở Lang Chánh, Thanh Hóa) vật vờ khắp tòa nhà Sông Đà (số 36 Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để hỏi về số tiền đã đóng cho công ty tuyển dụng.

Theo anh C., tháng 1/2018, anh được Trần Văn Lương, tự xưng là Trưởng phòng tuyển dụng của Cty Cổ phần tập đoàn HR Group (tập đoàn HR Group, địa chỉ số 20 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) giới thiệu chương trình tuyển kỹ sư ô tô đi làm việc tại Nhật Bản (gọi tắt là đơn hàng) của Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật (tầng 4-V4, tòa nhà Home City số 177 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy). Theo giới thiệu của Lương, Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật thuộc tập đoàn HR Group.

Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, và kiểm tra trình độ tiếng Nhật, anh C. được thông báo trúng tuyển. Lúc này, Trần Văn Lương yêu cầu anh phải đóng trước 3.500 USD (gần 80 triệu đồng) cho tập đoàn HR Group. Khoảng 2 tháng sau, Trần Văn Lương thông báo, bằng cao đẳng nghề của anh C. không xin được visa kỹ sư nên yêu cầu anh phải học cao đẳng chính quy. Phí “nâng bằng” là 500 USD, trừ vào số tiền đã đóng trước đó.

Đến tháng 10/2018, sau 6 tháng đi học và nhận được bằng, anh C. nhận được thông báo của Lương rằng, tấm bằng vẫn không đủ điều kiện nên đơn hàng bị hủy. “Khi tìm đến văn phòng HR Group, nhân viên ở đây thông báo, anh Lương không nộp tiền vào công ty nên không có trách nhiệm trả lại. Còn anh Lương thì bỏ trốn, không chịu trả”, anh C. bức xúc nói.

Một nạn nhân khác cũng bị Trần Văn Lương ôm tiền cao chạy xa bay là trường hợp của chị T.T.V (28 tuổi, quê ở Thái Bình).

Vào tháng 9/2018, chị V được Lương giới thiệu chương trình tuyển kỹ sư chuyên ngành thực phẩm làm việc tại Nhật của Cty Cổ phần 3KS nhân lực (địa chỉ ở tầng 14 tháp A, tòa nhà Sông Đà) với mức phí  4.500 USD. Tại đây, Lương cũng giới thiệu Cty Cổ phần 3KS nhân lực thuộc tập đoàn HR Group.

Sau khi đóng 10 triệu đồng tiền cọc và 3.000 USD cho tập đoàn HR Group, chị được đưa đến một công ty khác ở tầng 2 tháp A, toà nhà Golden Palace (số 99 Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) để khai thông tin làm hồ sơ.  Phía HR Group cam kết sau khoảng 4-5 tháng, chị sẽ được xuất cảnh. Tuy nhiên, chờ mòn mỏi hơn 5 tháng, công ty vẫn không xin được tư cách lưu trú. Lúc này, phía công ty bất ngờ thông báo hủy đơn hàng.

“Không đi làm việc được tại Nhật, tôi liên hệ với Trần Văn Lương để rút lại tiền, nhưng Lương không chịu trả. Tôi xin gặp lãnh đạo công ty của Lương thì bị từ chối. Cuối cùng, tôi được anh Nguyễn Trung Hiếu, bên bộ phận kiểm soát của Cty cổ phần 3KS nhân lực hứa sẽ xử lý phát sinh này”, chị V nói.

Đến ngày 28/2/2019, chị V được một người tên là Nguyễn Văn Hoàng gọi lên để trả tiền. Tuy nhiên, số tiền nhận được chỉ là 1.000 USD, địa điểm nhận tiền lại ở Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt (tầng 20 tháp B, tòa nhà Sông Đà). Còn hơn 2.000 USD, công ty này thông báo tự liên hệ với Trần Văn Lương để đòi lại.

Bất thường, khó hiểu

Chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh khác về Trần Văn Lương và những người tuyển dụng lao động tự xưng là nhân viên của HR Group. Họ đã ôm hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc của NLĐ “cao chạy xa bay”. Được biết, sau khi dính nhiều khiếu kiện, văn phòng của HR Group tại 20 Tôn Thất Thuyết cũng biến mất.

Liên hệ với đại diện Cty Cổ phần 3KS nhân lực, người này thừa nhận đơn hàng mà chị T.T.V tham gia là của Cty Cổ phần 3KS nhân lực. Tuy nhiên, về Trần Văn Lương, vị này cho biết, chỉ quen biết chứ Lương không phải là nhân viên của công ty.

“Tại thời điểm đó, Lương chỉ đóng 1.000 USD cho công ty nên công ty chỉ trả lại số đó cho lao động. Số tiền còn lại hai bên tự giải quyết. Còn về tập đoàn HR Group, và Trần Văn Lương chúng tôi không biết”, đại diện Công ty Cổ phần 3KS nhân lực nói.

Ông Nguyễn Hồng Quảng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt và ông Ông Nguyễn Đức Thắng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật cũng phủ nhận các công ty này không liên quan HR Group.

Ông Quảng khẳng định không có hóa đơn xuất ra để trả lại tiền cho NLĐ tên là T.T.V. Tuy nhiên, thực tế chị T.T.V nhận lại tiền ngay trong căn phòng có treo biển Việt HR (tên viết tắt của Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt). Ông Quảng xác nhận, văn phòng này là của HR.

Trong khi đó, ông Thắng cũng cho biết, Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật không có trường hợp nào trúng tuyển làm kỹ sư ô tô tại Nhật có tên là L.L.C. Tuy nhiên, trong danh sách thông báo trúng tuyển của công ty này mà phóng viên nắm được có tên L.L.C ở vị trí dự bị. Vị cán bộ phụ trách đơn hàng này của Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật cũng xác nhận là có.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định các công ty XKLĐ chỉ được thu tiền cọc sau khi xin được tư cách lưu trú cho NLĐ. Việc các công ty trên thu tiền đặt cọc lên đến cả nghìn USD, trong khi mới chỉ tổ chức thi tuyển là hoàn toàn sai.  Về số tiền bị nhân viên tuyển dụng “om” khi đơn hàng bị hủy, ông Liêm cho rằng, các công ty phải có trách nhiệm liên hệ với các cán bộ, nhân viên…để hoàn trả số tiền mà NLĐ đã đóng, không thể nói không liên quan. “Trường hợp các công ty thu tiền sai quy định, và để nhân viên lạm dụng “om” tiền, nếu có bằng chứng cụ thể NLĐ có thể gửi đơn đến Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục sẽ cho kiểm tra và xử lý”, ông Liêm cho hay.    

(còn nữa)

Xuất khẩu lao động và những trò lừa dân nghèo ảnh 1 Hóa đơn không có dấu đỏ mà các nhân viên tuyển dụng tự xưng là người thuộc HR Group dùng để thu tiền của người lao động

Một ngày sau khi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Quảng, phóng viên trở lại tầng 20, tháp B tòa Sông Đà thì phát hiện tấm biển Việt HR đã bị tháo dỡ. Ở đối diện văn phòng này, biển một công ty khác được treo lên có tên Cty Cổ phần liên kết nhân lực Á Châu. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế tại Hà Nội không có công ty nào tên là Cty Cổ phần tập đoàn HR Group. Điều kỳ lạ, trong quá trình làm rõ vụ việc, phóng viên nhận thấy những công ty: Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật, Việt HR, 3KS lại được nhiều nhân viên các công ty này thông báo với NLĐ rằng thuộc HR Group.  

MỚI - NÓNG