Chuyện người Jrai, Bahnar đi xuất khẩu lao động

Anh Rmah Lam chăm sóc đôi bò mới mua
Anh Rmah Lam chăm sóc đôi bò mới mua
TP - Việc những người dân tộc thiểu số ở xã Ayun Hạ huyện Phú Thiện (Gia Lai) đi xuất khẩu lao động sang tận Ả rập Xê út làm việc hưởng lương từ 10 đến 12 triệu/tháng là chuyện lạ kỳ.

Người dân tộc Jrai, Bahnar ở vốn quen nếp sống khép kín, quanh năm quanh quẩn với việc rẫy nương nơi vùng mình sinh ra lớn lên, xa hơn là vài ngôi làng lân cận. Họ ngại đi đến những nơi xa cách làng mình, đồi rẫy của mình, thay đổi công việc lao động.

Chuyện người Jrai, Bahnar đi xuất khẩu lao động ảnh 1 Niềm vui của anh Rmah Lam và các con trước căn nhà vừa được sửa lại
Ayun Hạ là một xã thuần nông, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% chủ yếu là dân tộc Jrai, Bahnar... Bà con tại các làng quanh năm suốt tháng chỉ biết làm nông sống nhờ vào việc canh tác trên nương rẫy, cuộc sống tự cung tự cấp còn nhiều khó khăn. Ở đây, 3 làng Plei Ring, Plei Đáp, Plei Ơi - nhiều bà con dân tộc, nay sáp nhập thành 2 thôn Plei Ring Đáp và Plei Ơi.

Từ năm 2016 đến nay, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã nhận ra cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương thoát nghèo. Sau đó là nhiều nỗ lực tìm các giải pháp cải thiện tư duy lao động, tích cực tuyên truyền, vận động và luôn sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý cho những người dân có nhu cầu. Sở LĐTBXH tỉnh, UBND huyện Phú Thiện cũng vào cuộc, cung cấp các thông tin thị trường xuất khẩu lao động, quyền lợi và hợp đồng lao động ở nước ngoài để tư vấn cụ thể cho từng người dân. Ngân hàng chính sách xã hội huyện tích cực thẩm định và giải ngân cho vay vốn xuất khẩu lao động.

Nhờ thế, đến nay, nhu cầu người dân tộc thiểu số đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tăng cao. Người dân 2 thôn Plei Ring Đáp và Plei Ơi ở xã Ayun Hạ chủ yếu tham gia xuất khẩu lao động ở các thị trường: Malaysia, Ả-rập Xê-út và Đài Loan. Hiện có hơn 30 người của hai làng đang làm việc tại các nước trên theo hợp đồng. Mức lương cơ bản được ký kết trong hợp đồng tuyển dụng đối với người lao động từ 10-12 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông. Đây là số tiền khá cao so với thu nhập của lao động miền núi tại địa phương.

Ông Rmah Thuyn - Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ đưa tôi đến thăm gia đình chị Siu H’Len sinh năm 1992, người Jrai ở Plei Ơi. Chị hiện đang làm giúp việc cho một gia đình ở Ả-rập Xê-út được hai năm. Số tiền chị gửi về đã được khoảng 80 triệu đồng. Chồng chị - anh Rmah Lam sinh năm 1984 kể: Trước đây hai vợ chồng mới cưới rồi sinh hai con, phải sống chung với bố mẹ và vợ chồng của các anh chị em khác - 14 khẩu trong ngôi nhà gỗ rộng chưa được 24m2. Trong khi đó nguồn thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy trồng mì, đậu, bắp. Thỉnh thoảng anh đi làm thuê cho người ta nhưng chỉ theo mùa vụ. Cuộc sống túng thiếu, lúc con cái đau ốm bệnh tật chẳng có tiền thuốc thang, tiền mua sữa. Lúc đầu mới nghe chuyện vợ đi nước ngoài làm ăn, anh nhất định không cho. Anh lo lắng đủ chuyện, làm ăn nơi đất khách quê người, ăn uống, sinh hoạt, ngôn ngữ không biết, nếu xảy ra chuyện gì thì ân hận. Nhưng nhờ được cán bộ xã tư vấn, anh chị bình tâm và suy nghĩ lại và quyết định đăng ký đi. Giờ thì với số tiền chị gửi về hàng tháng, cuộc sống đã tốt lên nhiều. Anh chị trả hết nợ ngân hàng, xây được nhà ra ở riêng, mua bò về nuôi, sửa chữa lại khu vệ sinh của gia đình. Anh Rmah Lam khoe: “Tiền vợ gửi về ngoài lo trang trải, tôi cố gắng chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để dành. Khi vợ về hai đứa tính chuyện làm ăn, nuôi con cái học hành nên người”.

Tôi đến thăm gia đình chị Siu H’Lốt, làng Plei Ring Đáp. Cách đây 2 năm nhà chị chẳng có ruộng đất, nương rẫy, thu nhập chính chỉ trông chờ vào việc đi làm thuê. Nhưng việc làm thuê cũng theo mùa vụ, lại 4 đứa con nhỏ, cả nhà quanh năm thiếu túng. Gia đình chị trong những hộ nghèo nhất xã. Chồng chị lại bê tha rượu chè, không chăm lo gia đình, nợ nần, chị rơi vào bế tắc. Nhờ vào sự vận động, tuyên truyền của cán bộ xã, tuy lúc đầu còn nhiều băn khoăn nhưng cuối cùng chị quyết tâm đi xuất khẩu lao động sang Ả-rập Xê-út, mong tìm lối thoát cho cuộc sống bấp bênh hiện tại. Sau hai năm làm ăn xứ người, cuối năm 2018, chị về nước, dồn tiền sửa lại căn nhà cũ nát cho vững chãi hơn, mua cho lũ con cái ti vi, mua tủ, giường… Chị trả được hết khoản nợ trước kia. Đầu năm 2019, chị lại đăng ký đi, chị bảo: “Mình cố gắng đi thêm vài năm nữa, dành dụm tiền về mua ruộng đất làm ăn, nuôi con, cho chúng nó đi học cái chữ, mai mốt đỡ khổ, không như cha mẹ nó”.

Trao đổi với tôi, Phó chủ tịch xã Ayun Hạ, ông Rmah Thuyn chia sẻ: “Trong thời gian tới địa phương sẽ phối hợp thường xuyên với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu xuất khẩu lao động. Các đoàn thể sẽ tham gia vận động tuyên truyền sâu rộng để bà con hiểu rõ hơn nữa lợi ích khi tham gia. Và việc làm này sẽ đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động của địa phương để đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhanh chóng thoát nghèo và địa phương có thể sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. 

MỚI - NÓNG