Liên quan đến việc triển khai chương trình lao động kỹ năng đặc định, nhiều doanh nghiệp cho biết, Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang chậm trễ trong việc ban hành các quy định khiến các doanh nghiệp, và người lao động bất an.
Lãnh đạo một doanh nghiệp XKLĐ chia sẻ, khi chương trình được phía Nhật thông qua, các công ty phái cử đều háo hức. Nhưng đến nay, các đơn vị đều rất mơ hồ vì không biết sẽ được lựa chọn hay không, thu phí hay không được thu phí…
“Bộ hứa tháng 9, 10 sẽ xong nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin gì. Trong khi đó, các công ty Nhật cũng sốt ruột muốn Việt Nam sớm triển khai chương trình này, vì ở nước khác đã có lao động kỹ năng đặc định”.
Theo vị này, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 10 nghìn thực tập sinh về nước nên số lượng quan tâm đến chương trình rất lớn. Từ tháng 6, nhiều đối tác Nhật đã giục doanh nghiệp bao giờ có lao động kỹ năng đặc định. Họ cảnh báo nếu chậm trễ, cơ hội về thị phần việc làm cho lao động Việt sẽ bị thu hẹp.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động cho biết, chương trình kỹ năng đặc định là một chương trình mới, cần sự thận trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, phía cơ quan chức năng vẫn chưa có sự chủ động nên tạo ra sự lúng túng cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Theo ông Tân, trong các hội nghị gần đây, các doanh nghiệp đều mong muốn phía Bộ LĐ-TB&XH sớm có những tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch. Đặc biệt là không có sự chạy chọt để lựa chọn những doanh nghiệp đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải chủ động thông tin sớm về chương trình, tránh để những tổ chức, cá nhân lợi dụng lừa người lao động.
Ngày 14/10, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, 2 ngày qua, Cục đàm phán liên tục với Nhật nhưng vẫn chưa thống nhất được những nội dung triển khai.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản & Châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, hiện hai bên vẫn đang trong quá trình đàm phán với những nội dung quan trọng. Việc các doanh nghiêp và người lao động phản ánh chương trình kỹ năng đặc định của Việt Nam triển khai chậm là không đúng, vì vẫn đang còn những nội dung căn cơ chưa được đồng thuận
“Quan điểm của Cục là hướng đến những điều khoản tốt nhất cho người lao động. Mình phải lấy được tiền của Nhật để trả cho người lao động. Do đó, Cục cũng không vội vã, ảnh hưởng đến kết quả đàm phán”, ông Giang nói.
Vị này cũng cho hay, phía Cục cũng đang yêu cầu Nhật sớm trả lời các đề xuất của Việt Nam. Còn về việc lựa chọn các doanh nghiệp phái cử, ông Giang thông tin, chắc chắn không có thay đổi gì. Hiện, Cục đang đưa ra các tiêu chí lựa chọn.