Xuất khẩu đầu năm: Nhiều kỳ vọng

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nối mạch đà tăng trưởng của năm 2017, trong những ngày đầu năm mới 2018, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng giá trị cao và thực hiện nhiều chuyến hàng xuất khẩu.

Gần như làm việc xuyên tết, công nhân Công ty TNHH thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T luôn tất bật sơ chế, đóng gói… các mặt hàng nông sản cho kịp đơn hàng của đối tác nước ngoài.

Tấp nập đơn hàng

Ông Nguyễn Ðình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho hay, ngay trong những ngày đầu năm, công ty đã ký nhiều đơn hàng mới, riêng khối lượng hàng đặt trong thời gian này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường mới như Canada, Ðức đặt mua khối lượng lớn thanh long, chôm chôm, nhãn, dừa, bưởi… Chúng tôi không phải lo đầu ra vì đơn đặt hàng hầu như suốt năm. Sắp tới, công ty sẽ xuất khẩu mạnh sang Mỹ vì thị trường này đang rất hấp dẫn, các đối tác đều đã đặt trước đơn hàng” - ông Tùng nói.

Ngành chế biến điều cũng kín đơn hàng đến tận tháng 4 này. Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… là những thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đang hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chế biến điều theo hướng sản xuất sạch hơn và hướng đến thị trường. “Giá mua năm 2017 đạt kỷ lúc khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô nhập kho bình quân, trong khi đó giá bình quân năm 2016 là 38.000 đồng/kg. Dự kiến giá điều năm 2018 tiếp tục ổn định khi chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas kỳ vọng.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo hữu cơ sang nước ngoài. Các sản phẩm gồm gạo lứt tím than, gạo thơm Việt Ðài được đối tác nước ngoài đặt mua rất nhiều. Ðơn vị này không dám ký hợp đồng lớn mà chỉ ký từng tháng, tùy vào khả năng đáp ứng nguồn hàng cho đối tác. Giá gạo công ty này xuất khẩu cao gấp đôi so với gạo được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP. Ðơn cử, gạo tím than hữu cơ có giá xuất khẩu tới 1.500 USD/tấn, gạo thơm Việt Ðài hữu cơ có giá 1.000 USD/tấn. “Thời điểm này, công ty không phải lo đầu ra, lo không có đơn hàng xuất khẩu mà đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng chất lượng tốt để đáp ứng các hợp đồng đã ký kết. Các lô hàng xuất khẩu trong tháng 2 nhiều nhất là gạo hạt tròn Japonica được người tiêu dùng nhiều nước như Mỹ, Nhật, Úc… ưa chuộng” – ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết.

Khẩn trương làm hàng từ những ngày đầu năm, Công ty TNHH MTV may mặc Hồng Anh (Q.2) đã xuất khẩu hai container áo sơmi và quần jean. Chị Dương Thị Ánh Nguyệt - Giám đốc điều hành Công ty may mặc Hồng Anh bộc bạch: “Do công ty mới thành lập chưa lâu cho nên chúng tôi quyết định chọn thị trường ngách để xuất khẩu. Chúng tôi luôn cố gắng tạo sự khác biệt trên từng lô sản phẩm để chinh phục thị trường nước ngoài. Hiện đơn hàng của công ty đã được ký đến tận quý 2/2018. Với những khởi đầu tốt, kỳ vọng năm nay công ty đạt được nhiều thành công”.

Xuất khẩu đầu năm: Nhiều kỳ vọng ảnh 1 Chế biến tôm xuất khẩu tại công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú.

Biết người, biết ta

Xuất khẩu đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt cũng lo lắng vì sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Ông Chu Hồng Châu - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 nhận định, tiềm năng xuất khẩu trái cây còn rất lớn, khả năng vượt xa 3 tỷ USD/năm vào những năm sau khi Việt Nam chính thức mở cửa thêm nhiều thị trường mới. Đơn cử như những mặt hàng tiềm năng như vú sữa đi Hoa Kỳ, thanh long đi Úc, chuối đi Nhật… Do đó, cần tập trung đầu tư vào những loại trái cây đã mở cửa thành công để giữ và phát triển thị trường. Muốn xuất khẩu tốt phải có những loại giống cho ra trái cây dễ bảo quản, có khả năng đi xa, và phải hết sức chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch…

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần lưu tâm đến các hiệp ước, hiệp định quốc tế, như xu hướng bảo hộ trong giao thương quốc tế ngày càng gia tăng. Các nước nhập khẩu đặt ra ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại; yếu tố bất ổn và diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế hoặc một số khu vực.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhận định: “Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đã chuẩn bị tốt nhiều năm nay để cạnh tranh với hàng Việt Nam, sẽ áp dụng những rào cản kỹ thuật và hàng hóa sản xuất tại nước ta buộc phải chấp nhận cuộc chơi này. Ðể thắng, chúng ta cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất sản phẩm hữu cơ và đặc sản sẽ là những thế mạnh mà doanh nghiệp trong nước cần xây dựng và khai thác”.

Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục mới

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 dự kiến đạt trên 8,5 tỷ USD (kỷ lục năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD). Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký VASEP lưu ý, ngành thủy sản đối mặt với rất nhiều thách thức, cả lĩnh vực nuôi trồng lẫn khu vực khai thác. Đối với hải sản đánh bắt, trở ngại lớn nhất là châu Âu đã ra thẻ vàng đối với Việt Nam vì vi phạm các quy định về đánh bắt không khai báo, không theo quy định và không được quản lý. Do đó, việc phải làm hiện nay là tổ chức lại ngành từ ngư nghiệp toàn dân sang một nền ngư nghiệp khai thác, chế biến xuất khẩu bền vững. 

MỚI - NÓNG