Nhiều lo ngại về hạ tầng, thủ tục,…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Úc (AusCham) Matthew Lourey, TP HCM là điểm đến ngày càng kém hấp dẫn trong những năm gần đây bởi các nhà đầu tư thất vọng về tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng và tiến độ chậm chạp của dự án tàu điện ngầm (metro). “Nếu không giải quyết được những vấn đề này, mong muốn đặt cơ sở tại TP HCM của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có tiềm năng sẽ bị giảm đi”, ông Matthew Lourey khuyến cáo.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam kiến nghị mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đảm bảo hoàn thành dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2020, xử lý tình trạng ngập nước, cải thiện giao thông công cộng, trật tự đô thị và quy hoạch giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc.
“Metro sẽ không giải quyết được ùn tắc nếu không kết nối với hệ thống xe buýt kèm với các dịch vụ tiện lợi khác”, ông chia sẻ.
Theo ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TPHCM, sự chậm trễ của các dự án metro, dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ảnh hưởng đến thu hút ĐTNN đến từ Tây Ban Nha bởi việc thiếu cơ sở hạ tầng làm tăng chi phí sản xuất.
Ông Carlos Dominguez Agulleiro cũng chỉ ra dù có những cải tiến lớn, TP HCM vẫn thiếu sự minh bạch trong một số thủ tục hành chính, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư.
Theo bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) việc thường xuyên thay đổi hiệu lực và quy định bao gồm chính sách thuế và thuế suất sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà ĐTNN. Những thay đổi trên còn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư, ngay cả đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư.
“TP HCM đã có nhiều cải tiến nhưng việc kiểm tra sau nhập khẩu thường xuyên là không cần thiết. Việc kiểm tra thuế đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp của AmCham đang phải đối mặt với việc kiểm toán thuế định kỳ thường đòi hỏi các quy trình dài hơi”, bà Amanda Rasmussen nói.
Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ý (ICham) cho rằng các cơ quan thuế, hải quan và kho bạc cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện nguồn nhân lực, tăng tính minh bạch để đón đầu làn sóng đầu tư bởi trong năm 2019, ĐTNN vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh. “Nhiều nhà đầu tư trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn, đang chọn Việt Nam làm điểm đến. Các doanh nghiệp Ý đang xem xét ngày càng nhiều việc đầu tư hoặc dời các cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TP HCM”, ông Michele D’Ercole cho hay.
TP HCM “đột phá” về cải cách hành chính
Theo Phó Giám đốc điều hành Sở GTVT Trần Quang Lâm, vấn đề khó khăn của thành phố hiện nay là phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh. Trong năm 2018, số mô tô đang ký mới tăng 8%, ô tô tăng 17% so với cùng kỳ. Giai đoạn 2015 -2020, TP HCM có 94 dự án, trị giá gần 4 tỷ USD tập trung vào việc cải thiện kết nối giao thông sân bay, cảng biển, xây dựng đường vành đai 2. Các dự án metro đang được triển khai…”, ông Lâm cho hay.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong năm 2019, TPHCM sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, đề án chậm triển khai trong thời gian vừa qua như chương trình giảm ngập, chống ùn tắc giao thông,…
“Vừa qua lãnh đạo TP HCM đã làm việc với các nhà đầu tư tuyến metro số 1. Chủ tịch UBND TPHCM cũng vừa ký tạm ứng hơn 2.000 tỷ đồng thanh toán cho các nhà thầu để đảm bảo tiến độ thi công”, ông Nhân cho biết.
Vị lãnh đạo cao nhất TPHCM cho biết năm 2019, TPHCM sẽ đột phá về cải cách hành chính. Người dân đến phường xã làm thủ tục sẽ đánh giá cán bộ và TP HCM phấn đấu đạt 80% mức độ hài lòng trở lên.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong năm 2018, ĐTNN đóng góp khoảng 2% trong mức tăng trưởng 8,3% tổng sản phẩm quốc dân (GRDP). Nếu không có ĐTNN, quy mô GRDP của thành phố giảm 18% và thuế sản phẩm giảm 31%. Gần 12.000 DN có vốn ĐTNN đóng góp cho ngân sách 62.000 tỷ đồng (bình quân 5 tỷ đồng/DN). Các DN có vốn ĐTNN đang giải quyết việc làm cho 670.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ban ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ĐTNN, trong đó đáng lưu ý là thủ tục “một cửa điện tử”, mở chuyên mục tiếp nhận giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà ĐTNN.
Tổ công tác liên ngành về đầu tư UBND TPHCM thành lập do ông Phong làm tổ trưởng hoạt động ngay trong quý 1/2019 nhằm hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho đến khi nhà đầu tư nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.