Thêm tai nạn đường sắt: Chưa phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo

Cú đâm khiến đầu máy tàu hàng trật bánh. Ảnh: Cảnh Huệ.
Cú đâm khiến đầu máy tàu hàng trật bánh. Ảnh: Cảnh Huệ.
TPO - Liên quan tới vụ tàu hàng đâm xe tải tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào trưa 2/6, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, vụ tai nạn xảy ra do lỗi của tài xế xe tải, nên chưa phải xem xét tới trách nhiệm nhân viên đường sắt.

Vào 12h ngày 2/6, tàu hàng số hiệu 9320 lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc Nam, hướng Vinh - Hà Nội. Khi tàu tới đoạn đường sắt qua xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), đã đâm phải xe tải chở đá vượt đường ngang qua đường sắt. Cú đâm khiến xe tải bị kéo rê 15m, còn đầu máy tàu bị trật bánh 2 trục khỏi đường ray. 

Tới 17h50, tai nạn đã được khắc phụ và đường sắt Bắc – Nam lưu thông trở lại bình thường.

Chiều 2/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc VNR cho biết, vụ tai nạn xảy ra tại vị trí đường ngang hợp pháp, nhưng chỉ có biển báo quan sát, không có gác chắn hay đèn tín hiệu.

Theo ông Hoạch, vụ tai nạn xảy ra nguyên nhân lái xe tới điểm giao cắt đã không dừng lại quan sát, do đó chưa xem xét tới trách nhiệm nhân viên đường sắt. “Tổng công ty đã có chỉ thị nếu vụ tai nạn đường sắt nào lỗi do chủ quan của nhân viên ngành, lãnh đạo đơn vị sẽ phải từ chức. Tuy nhiên, vụ tai nạn vừa xảy ra bởi lỗi chủ quan của lái xe thiếu quan sát, nên không tính tới xét trách nhiệm nhân viên đường sắt”, ông Hoạch nói.

Đại diện VNR cho rằng, lỗi của đường sắt là chưa đầu tư gác chắn do khó khăn tài chính. Ông Hoạch viện dẫn, toàn hệ thống đường sắt có 1.518 đường ngang hợp pháp, nhưng chỉ có 654 điểm có người gác chắn, 380 điểm có cảnh báo tự động (biển báo, chuông, đèn, cần gác chắn tự động). Còn lại gần 500 đường ngang hợp pháp khác chỉ có biển báo (như tại vị trí xảy ra tại nạn trên).

Năm 2018, Bộ GTVT đã duyệt cấp 170 tỷ đồng để VNR nâng cấp 100 đường ngang từ biển báo lên có cảnh báo, rào chắn tự động.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị địa phương làm gờ giảm tốc với các vị trí đường bộ giao cắt đường sát, để bắt buộc lá xe khi tới đường ngang phải giảm tốc độ, dừng lại quan sát tàu.

Dù vậy, theo lãnh đạo VNR, tai nạn đường sắt vẫn luôn rình rập, vì có điểm có rào chắn tự động, nhưng mỗi năm vẫn phải thay tới 30 lần thanh chắn vì bị xe đâm phải khi cần chắn đã hạ xuống.

Trước đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, tổng công ty đã họp quán triệt tới lãnh đạo từng đơn vị trực thuộc, nếu trong 3 tháng tới đơn vị nào còn để xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan của cán bộ nhân viên, lãnh đạo đơn vị đó sẽ phải từ chức (dù có thể chưa tới mức bị cách chức).

Đây đã là vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng thứ 6 chỉ tính từ ngày 24/5 tới nay, và là vụ tai nạn thứ 3 xảy ra trên đoạn đường sắt chạy qua tỉnh Nghệ An.

Trước đó, rạng sáng 24/5, tàu khách đâm ô tô ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa làm 2 người chết, 10 người bị thương, 1 đầu máy và 6 toa tàu lật xuống ruộng.

Chiều 26/5, xảy ra vụ 2 tàu hàng đâm nhau ở ga Núi Thành, Quảng Nam, và 1 tàu hàng tự lật tại Yên Xuân, Nghệ An.

Chiều 27/5, tàu hàng đã đam phải xe tải ở Diễn Châu, Nghệ An.

Rạng sáng 28/5, tàu hàng đâm phải xe tải ở Văn Điển (Hà Nội).

MỚI - NÓNG