Tăng cao nhất nhiều năm trở lại đây
Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) nửa đầu năm tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa tăng 16%, nhập khẩu tăng 10%; tiêu dùng cuối cùng tăng cao 7,13%, tích lũy tài sản tăng 7,06%. Trong khi đó, lạm phát ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân nửa đầu năm chỉ tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trên, theo ông Lâm, các ngành đều tăng rất ấn tượng, xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển kinh tế. Cụ thể, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vượt bật lên 13%. Đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Các con số trên đều rất ấn tượng tính từ năm 2010-2011 tới nay. Trong khi mục tiêu cả năm 2018, Quốc hội đặt ra là GDP tăng từ 6,5 đến 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%, CPI bình quân khoảng 4%.
Các chỉ số kinh tế kém sắc nhất có lẽ thuộc về giải ngân vốn đầu tư công và số doanh nghiệp đóng cửa. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư nửa đầu năm mới đạt hơn 124 nghìn tỷ đồng (đạt 36% kế hoạch năm). Trong đó, vốn trung ương quản lý mới giải ngân đạt 34,6% kế hoạch năm (giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước).
Trong 6 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký 649 nghìn tỷ đồng (tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Ở chiều ngược lại, cũng có tới 52.803 doanh nghiệp dừng hoạt động (tăng tới 39,3% so với cùng kỳ năm trước); đồng thời có 6.629 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng tới gần 22% so với cùng kỳ năm trước).
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, nửa đầu năm nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng nhờ Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Dù vậy, ông Lâm cũng cảnh báo, tăng trưởng GDP các quý vừa qua có dấu hiệu chậm lại, trái quy luật, quý sau tăng thấp hơn quý trước (quý I, GDP tăng 7,45%, nhưng sang quý II chỉ còn tăng 6,79%).
Dân chưa được hưởng lợi nhiều
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam) nhận định: “Sau khi nghe các con số về tăng trưởng kinh tế, lạm phát nửa đầu năm, cảm nhận đầu tiên là... giật mình”. Theo ông Trinh, trong nhiều trường hợp, tăng trưởng càng cao nợ càng nhiều, bội chi lớn, trong khi thực tế người dân không cảm nhận thấy và không được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng.
Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế được đánh giá là ấn tượng, nhưng thực tế đi vào con số thấy rất có vấn đề. Điển hình là tăng trưởng khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo cao, nhưng chủ yếu mức tăng này tới từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Samsung và Formosa). Công nghiệp vẫn mang tính gia công là chủ yếu. “Những điều đó cho thấy thực tế nền kinh tế và người dân Việt Nam không được gì mấy, nhưng lại góp phần lớn vào GDP và chỉ có tác dụng làm đẹp con số. Đó là chưa nói tới một số chỉ tiêu thống kê của chúng ta đang không giống ai”, ông Trinh nói. Ông dẫn chứng, vài năm trước giá dầu thô giảm mạnh trên thực tế, nhưng khi sử dụng con số để tính vào tăng trưởng vẫn rất cao.
“Đa số chuyên gia và giới chức lãnh đạo đều hiểu bản chất của GDP, như con số này tăng cao do đẩy tín dụng lên và tăng cho vay tiêu dùng. Thực ra, đây là điều đáng lưu ý và nên cảnh báo . Thực tế việc hoạch định chính sách của chúng ta vẫn chạy theo GDP, đó là do bệnh thành tích, cũng cần lưu ý. Trong khi các chỉ số khác quan trọng hơn lại không được đánh giá. Tổng thu nhập quốc gia (GNI), chỉ số tích lũy tài sản... rất nên xét tới”, ông Trinh nói.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, các số liệu thống kê đưa ra như vậy nhưng chất lượng, tính bền vững của tăng trưởng vẫn còn nhiều vấn đề. Theo ông Đào, việc chạy theo con số thống kê sẽ khiến việc nhìn nhận tăng trưởng bị sai lệch, như kinh tế có tăng trưởng nhưng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Samsung và Formosa, bản thân nền kinh tế chưa được hưởng lợi nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt vẫn rất yếu kém, vẫn gia công cho nước ngoài là chính, dựa trên nguyên liệu nhập khẩu.
“Nền kinh tế thời gian gần đây vẫn chủ yếu xử lý hậu quả của giai đoạn tăng trưởng quá nóng trước đó. Với các vấn đề về đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí, còn thực tế hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao, thu nhập người dân chưa được cải thiện mấy”, ông Đào nói.
Theo ông Đào, xem qua các số liệu kinh tế - xã hội nửa đầu năm vẫn còn nhiều băn khoăn, lấn cấn, vì số liệu vậy nhưng cảm nhận từ thay đổi thực tế chưa nhiều.
Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa năm, nền kinh tế xuất siêu 2,71 tỷ USD, nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,6 tỷ USD; còn khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu 12,9 tỷ USD. Tổng cục cũng dự báo, nửa cuối năm nay, khả năng 2 ông lớn có vốn nước ngoài là Samsung và Formosa sẽ tăng trưởng chậm lại, khiến chỉ số ngành chế biến, chế tạo toàn nền kinh tế giảm theo. Điều này cũng tác động lên tăng trưởng GDP nửa cuối năm sẽ thấp hơn nửa đầu năm.