Chặn chất thải tràn vào Việt Nam

Siết chặt danh mục phế liệu nhập khẩu

Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với đại diện các hiệp hội, bộ ngành về việc loại bỏ một số danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với đại diện các hiệp hội, bộ ngành về việc loại bỏ một số danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
TP - Sáng qua (24/7), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các hiệp hội, bộ ngành về việc rà soát, sửa đổi danh mục nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Ðây là một trong những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng Việt Nam trở thành bãi thải của thế giới.

Nhiều hình thức biến Việt Nam thành trung tâm rác thải thế giới

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan tăng đột biến về phế liệu nhập khẩu thời gian gần đây cho thấy, dòng chảy chất thải rắn của thế giới đang về phía Ðông Nam Á. Theo thống kê của cơ quan chức năng, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu, có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển Ðông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dòng chảy chất thải đang đến Việt Nam từ hai phía, cả trên biển và đất liền. Trên biển là các container phế liệu có nguy cơ vào Việt Nam. Trên đất liền đang có sự dịch chuyển công nghệ tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường về Việt Nam.

Theo Tổng cục Môi trường, chính sách cấm, dừng hoạt động các cơ sở tái chế phế liệu quy mô trung bình nhỏ, trung bình, lạc hậu của một số nước lân cận sẽ tạo ra dư thừa công nghệ tái chế phế liệu cũ, lạc hậu. Từ đó có việc dịch chuyển dây chuyền tái chế phế liệu này sang Việt Nam, biến Việt Nam thành nơi sơ chế, xử lý phế liệu, phế thải.

Mặc khác, chính sách cấm dừng hoạt động các cơ sở tái chế phế liệu quy mô trung bình, nhỏ, lạc hậu tạo nên sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu tái chế, bán thành phẩm tái chế từ phế liệu phục vụ sản xuất. Ðể giải quyết việc thiếu hụt này, doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm cách đầu tư bằng nhiều hình thức và quy mô khác nhau (FDI, bán dây chuyền công nghệ tái chế) sang một nước khác để đặt cơ sở sản xuất, tái chế trong đó có Việt Nam. Sản phẩm sau tái chế sẽ được doanh nghiệp nước ngoài mua lại toàn bộ, chất thải phát sinh trong quá trình tái chế sẽ để lại cho quốc gia tái chế xử lý như Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng buôn bán ngầm chất thải rất rõ, cứ xuống các làng nghề ở Hải Dương, Hưng Yên thì thấy toàn tiếng tây, tiếng tàu. Chất thải chủ yếu từ nhập từ các cảng Hải Phòng”. Trước đó, Cục phòng chống tội phạm buôn lậu từng cảnh báo việc xuất hiện tình trạng một số thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam liên danh với người Việt Nam để làm một số xưởng xử lý phế liệu trái phép, trá hình.

Loại 12 phế liệu trong danh mục được phép nhập khẩu

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, rà soát, sửa đổi danh mục nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giảm từ 36 loại xuống còn 24. Một số hàng phế liệu bị đề xuất cấm nhập khẩu gồm Giấy loại hoặc bìa thu hồi (phế liệu và vụn thừa); phế liệu và mẩu vụn từ Plastic; Xỉ hạt nhỏ; Thạch cao; Tơ tằm; Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc cấm nhập khẩu các phế liệu trên do một số phế liệu trong nước có đủ khả năng cung cấp, một số phế liệu lẫn tạp chất, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, một số phế liệu mặc dù được cấp phép nhưng không có doanh nghiệp nào có nhu cầu. Về lộ trình, sẽ có những mặt hàng cấm ngay lập tức, có những mặt hàng có lộ trình vài năm, có những mặt hàng hết giấy phép thì thôi không cấp nữa.

Ðại diện các hiệp hội đồng tình với việc siết danh mục phế liệu nhập khẩu như xỉ. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, năm 2020, Việt Nam có thể sản xuất khoảng 13 triệu tấn gang, tạo ra khoảng 15 triệu tấn hạt xỉ nhỏ. Xỉ lò cao có thành phần hóa học gần đá vôi nên được sử dụng trong san lấp, sản xuất xi măng. Vì vậy, có thể loại xỉ hạt nhỏ ra khỏi danh mục cho phép nhập khẩu.

Nguyễn Nhân Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cũng cho rằng, giấy phế liệu có 2 loại. Giấy bao bì lớn đã qua sử dụng có thể làm nguyên liệu sạch, sản xuất bao bì xuất khẩu tốt. Hai là giấy phế liệu và vụn thừa, có thể loại bỏ khỏi danh sách.

 Ðại diện Cục Quản lý Giám sát, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần xây dựng lộ trình để doanh nghiệp tìm nguyên vật liệu sạch thay thế, tránh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Ông Quân cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy chuẩn với 15/24 loại phế liệu giữ lại để Hải quan có cơ sở thông quan.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bên cạnh việc siết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp được phép nhập khẩu cũng sẽ cân nhắc kỹ. Ðơn vị nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí gồm nhu cầu sản xuất, năng lực bảo quản, năng lực tài chính, khả năng chịu trách nhiệm, khả năng công nghệ. Với các trường hợp tổ chức cá nhân không đáp ứng đầy đủ thì không được nhập khẩu. Với trường hợp dùng nguyên liệu nhập khẩu để sơ chế rồi xuất khẩu sẽ không được ủng hộ.

“Việc nhập khẩu phải để sản xuất hàng hóa chứ không phải để xử lý chất thải rồi tái xuất”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).