Ông Đặng Văn Thành: Làm điện mặt trời cũng như lắp… giá phơi bánh tráng

Ông Đặng Văn Thành tự tin vào khả năng làm điện mặt trời của Thành Thành Công và triển vọng của lĩnh vực năng lượng này tại Việt Nam trong tương lai.
Ông Đặng Văn Thành tự tin vào khả năng làm điện mặt trời của Thành Thành Công và triển vọng của lĩnh vực năng lượng này tại Việt Nam trong tương lai.
Ông chủ Thành Thành Công ví von việc triển khai dự án điện mặt trời cũng dễ làm, thân thiện và nhanh chóng như lắp các giá phơi bánh tráng.

Chia sẻ về quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng của Thành Thành Công, ông Đặng Văn Thành cho biết, việc dừng dự án điện hạt nhân trong lúc nhu cầu cung ứng điện để phục vụ nền kinh tế đang tăng trưởng là thời cơ để ông làm điện mặt trời. Ông cho rằng triển khai các dự án điện này sẽ nhanh chóng và đơn giản như việc lắp các… giá phơi bánh tráng.

“Vừa qua chính phủ có quyết định tạm dừng dự án năng lượng hạt nhân. Tôi cho đây là quyết sách rất đúng đắn. Kinh tế và năng lượng là sự lệ thuộc. Việc tìm nguồn năng lượng thay thế như điện mặt trời rất thuận lợi cho Việt Nam và các quốc gia nằm gần đường xích đạo nhờ bức xạ tốt. Tính khả thi và khả năng triển khai nó cũng rất tốt. Nó không ảnh hưởng gì về môi trường, giống như việc lắp các giá phơi bánh tráng vậy, rất nhanh”, ông Thành ví von tại tại Forbes Business Forum diễn ra chiều 14/9 tại TP HCM.

Quyết định nhảy vào điện mặt trời của Thành Thành Công mới được công bố vào giữa năm. Tập đoàn này dự tính đầu tư 10 đến 20 dự án điện mặt trời với tổng công suất đến 2020 là 1.000 MW. Ông Thành xác nhận, các đối tác cùng góp vốn là Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và một công ty năng lượng sạch tại Singapore. Tháng sau, dự án đầu tiên sẽ triển khai theo dạng hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay nhằm học hỏi kinh nghiệm.

“Tôi bước sang lĩnh vực năng lượng thì lập tức cũng phải có những chuyên gia để hợp tác tham mưu cho mình. Ví dụ tháng 10 này khởi công dự án tại Huế thì tôi sẽ chọn đơn vị chìa khóa trao tay để làm thương vụ đầu tiên. Tuy rằng đến giờ phút này, đội ngũ chúng tôi có thể thiết kế những cái giá để đặt tấm pin lên, nhưng chúng tôi chấp nhận những chi phí vừa làm vừa học. Xưa nay, tôi làm nhà băng cũng vậy, tôi không sĩ diện. Cái gì cần học tôi chấp nhận học. Cái gì làm thì tôi cặp kè làm”, vị doanh nhân thẳng thắn chia sẻ.

Ấp ủ tham vọng lớn ở lĩnh vực năng lượng nhưng ông Thành cho biết mía đường vẫn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn đa ngành do ông sáng lập. Quan điểm kinh doanh của ông là xác định rõ lĩnh vực cốt lõi để tạo nền tảng để tiếp cận các lĩnh vực mới khi có cơ hội. Ông bỏ ngỏ một ngày nào đó năng lượng cũng có khả năng trở thành lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thay cho mía đường. Tuy nhiên, hiện tại, tập đoàn này vẫn đang nắm 30% thị phần ngành mía đường Việt Nam với hơn 55.000 hécta đất canh tác.

“Chúng tôi đang chịu trách nhiệm trên 55.000 hécta đất của nông dân và của Thành Thành Công nên đang thiết kế lại đồng ruộng. Chúng tôi khẩn trương để nâng cao chữ đường trên đồng ruộng chứ không phải trong nhà máy nữa. Đây là một thách thức mà tập đoàn đang giải quyết bằng cách mời chuyên gia nước ngoài về thiết kế đồng ruộng cho chúng tôi”, ông Thành nói về lĩnh vực mía đường của tập đoàn.

Ông Đặng Văn Thành cùng nhiều CEO cấp cao khác tại diễn đàn hôm 14/9 cùng chia sẻ quan điểm về một môi trường kinh doanh thế giới nhiều biến động nhưng cũng tạo ra những cơ hội mới. Mỹ rút khỏi TPP. Liên tiếp nhiều sự kiện căng thẳng chính trị, thiên tai và “cơn bão” Cách mạng 4.0 diễn ra trên thế giới trong chưa đầy một năm qua.

“Mọi người đều sốc khi trong một ngày đêm thì TPP không còn nữa. Những tác động tiêu cực từ TPP chưa xảy ra. Đầu tư FDI vào Việt Nam thì vẫn tăng. Chúng ta có 20 hiệp định thương mại tự do nữa”, ông Don Lam - Nhà sáng lập và CEO của VinaCapital lạc quan.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch TBS Group cũng chia sẻ sự tích cực dù Mỹ rút khỏi TPP. “Thực tế, Việt Nam xuất khẩu mỗi năm trung bình 200 tỷ USD. Da giày và thời trang góp khoảng 50 đến 60 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất sang Mỹ chưa đầy một phần ba. Như vậy, vùng thị trường của chúng ta còn rất rộng. Ngoài TPP, thì chúng ta còn bốn hiệp định mà chúng ta có thuận lợi hơn các nước khác để tiếp cận thị trường”, ông Thuấn nhận định.

Đứng ở góc độ quan sát của một doanh nhân nước ngoài, ông Binod Chaudhary - Chủ tịch tập đoàn Chaudhary, tỷ phú duy nhất của Nepal cho rằng, về dài hạn Việt Nam nên quan tâm xuất khẩu chất xám nhiều hơn.

“Mỗi khủng hoảng đều dẫn đến cơ hội. Chúng tôi nhìn vào GDP đầu người tại Việt Nam thì thấy là tin tốt vì đang tăng trưởng. Nhưng cũng có những quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam như Bangladesh hay Sri-Lanka. Trước đây Việt Nam rất mạnh về sản xuất quần áo, nhưng giờ đã có nhiều cạnh tranh hơn. Chúng tôi nghĩ thay vì xuất khẩu hàng hóa thì quý vị cần quan tâm xuất khẩu về trí tuệ nhiều hơn”, vị tỷ phú kết luận.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG