Nhức nhối trốn thuế, chuyển giá

Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc: “Khoảng 82% (trong số các doanh nghiệp nộp thuế - pv) đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện"
Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc: “Khoảng 82% (trong số các doanh nghiệp nộp thuế - pv) đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện"
TP - Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, kiểm toán đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, truy thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Trên thực tế cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong số các doanh nghiệp nộp thuế.

Mới hậu kiểm được 18% các doanh nghiệp nộp thuế

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước 2015 nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán. Theo ông Hồ Đức Phớc, qua hoạt động kiểm toán ngân sách, đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách với số tiền thuế truy thu khá lớn.

 Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc

“Theo pháp luật thuế hiện hành, đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Có nghĩa là, khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước”.

Đơn cử, năm 2017, qua đối chiếu 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị xác định nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng thêm 1.351 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế 1.433 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, KTNN phát hiện 1.287 trường hợp có sai phạm và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm 443 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành, đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Có nghĩa là, khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn NSNN.

Đáng lưu ý, thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Hay cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.

Hay việc kiểm toán các dự án BOT đã giảm 222 năm thời gian thu phí của 61 dự án, kiến nghị những bất cập về cơ chế, chính sách. Kiểm toán 30 dự án BT giảm 4.500 tỷ đồng. Kiểm toán các khu đô thị, truy thu hàng chục tỷ đồng. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, truy thu hàng nghìn tỷ đồng. “Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng việc kiểm toán lại phải thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước nên rất khó khăn trong công tác kiểm toán”, ông Phớc cho hay, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung vào luật đơn vị được kiểm toán cho đầy đủ.

“Cái gì tốt cho dân thì phải làm”

Trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, với cách thức thân thiện, cảm thông và “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 6 tháng qua, TANDTC đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND thành phố Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của Hải Phòng. Qua thí điểm đã thu được những thành công: 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Trong đó, hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn. Sau thí điểm tại Hải Phòng, TANDTC đang tiếp tục thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố, thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2019.

Theo ông Bình, việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới để lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính. Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có.

Trên cơ sở đó, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ban hành 2 chính sách lớn: Xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; huy động nguồn nhân lực trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án hòa giải, đối thoại các mâu thuẫn, tranh chấp. “Cái gì tốt cho dân thì phải làm, khó khăn mấy chúng ta cũng phải vượt qua. Luật này rất có lợi cho dân”, ông Bình cho hay.

Khắc phục bất cập về xử lý kỷ luật cán bộ

Đại diện Chính phủ trình đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 3 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào chương trình: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cho rằng, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân rất cần thiết. Việc ban hành luật này góp phần thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn

Còn với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, việc sửa đổi lần này nhằm tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức; hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm, về công tác tuyển dụng công chức, về chính sách thu hút nhân tài. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức cấp xã nhằm bảo đảm tinh giản đội ngũ, nâng cao chất lượng và có cơ chế liên thông. Cùng với đó là khắc phục những bất cập về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nhất trí với các tờ trình, tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý các nội dung sửa đổi sao cho đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tính đồng bộ với nhau. “Riêng tổ chức hoạt động là phải đồng bộ, Luật Tổ chức Chính phủ phải đi liền với Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. 

HĐND họp bất thường nếu có 1/3 đại biểu yêu cầu

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của HĐND. Nghị quyết quy định, trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ, khi có ít nhất 1/3 tổng số đại biểu yêu cầu thì Thường trực HĐND xem xét, quyết định tổ chức kỳ họp bất thường. Văn bản yêu cầu phải nêu lý do đề nghị, có đầy đủ chữ ký, họ tên, địa chỉ của từng đại biểu yêu cầu. 

Thành Nam

MỚI - NÓNG