Lời giải nào cho khu công nghiệp?

Làm bài bản, đón sóng đầu tư vào khu công nghiệp

KCN Việt Nam Singapore VSIP I (Bình Dương) do tư nhân xây dựng có tỷ lệ lấp đầy 100%
KCN Việt Nam Singapore VSIP I (Bình Dương) do tư nhân xây dựng có tỷ lệ lấp đầy 100%
TP - Nhiều địa phương đã thành công trong phát triển khu công nghiệp (KCN) khi tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Vì thế cho đến nay, không lạ khi có tỉnh đưa ra chiến lược lựa chọn doanh nghiệp (DN) vào các KCN với các tiêu chí: Không chọn dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, chọn DN thuộc ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao... 

Nhiều KCN lấp đầy 100%

Trong khi nhiều địa phương phải loay hoay tìm đủ cách thu hút vốn đầu tư nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy thì tại Vĩnh Phúc, nhiều KCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẵn sàng lắc đầu với dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Năm 1997, Vĩnh Phúc chỉ có duy nhất KCN Kim Hoa với diện tích 50 ha. Đến nay, sau hơn 20 năm, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 18 KCN với quy mô 5.228 ha. Nhiều KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: KCN Khai Quang gần 98%; KCN Bình Xuyên trên 92%; KCN Bình Xuyên II đạt 100%; KCN Bá Thiện  đạt 100%; KCN Bá Thiện II đạt 87,8%...

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bối cảnh kinh tế bị tác động của đại dịch COVID-19 nhưng Ban quản lý KCN Vĩnh Phúc vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 12 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 22 dự án. Các dự án đăng ký mới chủ yếu thuộc ngành sản xuất điện tử, linh kiện điện tử, sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy…Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước “lắc đầu” với dự án thuộc ngành nghề nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như dệt, nhuộm.

“Đến nay, Vĩnh Phúc có 364 dự án trong các KCN. Trong đó, có 63 dự án đầu tư trong nước có số vốn 14.956 tỷ đồng và  301 dự án FDI với số vốn khoảng 4,1 tỷ USD. Nhiều KCN của Vĩnh Phúc có tỷ lệ lấp đầy 100% như KCN Bình Xuyên…”, đại diện Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Để đạt hiệu quả thu hút đầu tư, trong buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư FDI, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, địa phương quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt mục tiêu 3 tốt, gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, phục vụ doanh nghiệp tốt. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng.

Sự trỗi dậy của tư nhân xây dựng KCN 

Trước đây, KCN chủ yếu do chính quyền địa phương đầu tư nên dẫn tới tình trạng “đua nhau” thành lập dự án, chưa tính đến hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy. Thậm chí, một lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế của Bộ KH&ĐT từng thẳng thắn chỉ ra thực trạng, địa phương viết đề án với các chỉ số “đẹp” về tỷ lệ lấp đầy để được thông qua. Tuy nhiên, từ khi có sự tham gia của các DN tư nhân đầu tư KCN, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Một làn sóng đầu tư bài bản được thổi vào các KCN kiểu mới.

Một trong những KCN đầu tiên do DN tư nhân xây dựng là KCN Việt Nam Singapore VSIP I (Bình Dương). KCN này do Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, một liên doanh giữa Tổng Công ty Becamex IDC và tập đoàn Sembcorp Industries làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư cho KCN VSIP I lên đến hơn 1,5 tỷ USD.

Với quy mô 500 ha, đến nay, KCN đã lấp đầy 100% và có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD từ 231 dự án. Khu VSIP I thu hút được hàng loạt nhà đầu tư từ các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... KCN này tập trung khuyến khích và ưu đãi đầu tư một số ngành như công nghệ cao, thân thiện với môi trường như lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí chính xác. KCN này cũng tạo ra 95.000 việc làm cho người lao động.

Đầu năm 2020, khi làn sóng dịch chuyển đầu tư triển khai mạnh mẽ, tại Việt Nam, các DN đua nhau đầu tư các KCN với quy mô lớn, bài bản. Tháng 5/2020, tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An), Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam khởi công dự án KCN Việt Phát. KCN này rộng 1.800 ha là một trong những KCN lớn nhất cả nước tính đến thời điểm này, cách trung tâm TPHCM khoảng 59 km.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, việc khởi công KCN Việt Phát nhằm chủ động đón đầu thu hút vốn FDI chất lượng cao trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19. 

Để tạo sự hấp dẫn đón làn sóng dịch chuyển DN do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và COVID-19, nhiều địa phương cải thiện các điều kiện, môi trường kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai, giải quyết vấn đề về lao động cho doanh nghiệp; giải quyết nhanh thủ tục, công khai quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên hệ thống thông tin điện tử. 

MỚI - NÓNG