Liệu có “bảo kê” cho lãnh đạo Vinachem?
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đánh giá, ở một tập đoàn kinh tế nhà nước mà có tới 5 DA đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ, kém hiệu quả thì phải yêu cầu lãnh đạo của tập đoàn báo cáo lý do. Cơ quan chức năng cần quy trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và đánh giá lại từng người có khả năng lãnh đạo tập đoàn hay không.
“Tập đoàn này làm ăn thế nào, nhân sự của Vinachem có khả năng hay không? Liệu có ai “bảo kê”, cất nhắc cho lãnh đạo tập đoàn này?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Theo ông Thành, với DA muối mỏ Kali tại Lào, cơ quan chức năng cần xem lại quy trình phê duyệt DA đã thực hiện đủ các bước hay chưa? “Cơ quan chức năng phải điều tra xem liệu có việc tập đoàn đưa ra báo cáo tiền khả thi chưa kỹ rồi “chạy” để được phê duyệt DA. Sau đó, tập đoàn nhúng tay đầu tư rồi “kẹt tay” trong đó, khi bị kẹt cả cánh tay rồi mới xin Chính phủ cứu. Chính phủ không thể cứu mãi được”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng, Bộ Công Thương phải nghiên cứu trách nhiệm của ban lãnh đạo tập đoàn, người phê duyệt DA có để xảy ra vi phạm hay không. Nếu có việc cố ý làm trái để xin được DA mà rút ruột bỏ túi thì phải xử lý nghiêm.
“Cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương phải điều tra nội bộ tập đoàn. Nếu Bộ Công Thương không làm được, nên nhờ Thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra của Bộ Công an để tìm trách nhiệm của tập đoàn? Phải làm tới nơi tới chốn chứ không phải làm ăn không được cứ xin cứu DA”, ông Thành nhấn mạnh.
Nguyên đại biểu Quốc hội, bà Bùi Thị An cho rằng, với bất kỳ nước nào, muốn phát triển bền vững, phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam còn khó khăn, phải thu hút nguồn đầu tư khác như đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân, trước khi đầu tư phải tính toán vô cùng cẩn thận, để tránh trường hợp không hiệu quả như DA mỏ muối Kali tại Lào.
“Tiền đầu tư là tiền thuế là mồ hôi nước mắt của người dân. Người dân còn nghèo khổ, nhiều tỉnh phải tài trợ gạo cứu đói trong khi hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước nguy cơ đổ xuống sông xuống biển. Cơ quan chức năng phải quy rõ trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư”, bà An nói.
Xem lại về hiệu quả dự án
Dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Thành cho rằng, giải pháp hiện nay là nghiên cứu thị trường của sản phẩm DA sẽ làm ra. Để làm ra sản phẩm, chủ đầu tư mất bao tiền, giá thành sản phẩm có cạnh tranh được trên thị trường, có hiệu quả kinh tế hay không? “Nếu thấy DA đưa ra sản phẩm không cạnh tranh với thị trường thì không đầu tư nữa. Lỡ đầu tư nửa chừng thì cắt lỗ rồi dẹp DA, không vì mất một số tiền rồi lại mất thêm tiền cho DA chết”, ông Thành kiến nghị.
Cùng quan điểm, bà Bùi Thị An cho rằng, Vinachem cần đánh giá lại hiệu quả của DA mỏ muối Kali tại Lào. Từ đó, đơn vị đầu tư kêu gọi nguồn vốn khác chứ không thể đổ thêm vốn nhà nước vào DA.
“Tập đoàn phải nghiên cứu cụ thể chi tiết hướng xử lý DA. Với lãnh đạo tập đoàn, ngoài xử lý trách nhiệm tinh thần còn phải xem xét trách nhiệm vật chất, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý. Người gây ra thua lỗ phải làm cách nào để bù lại”, bà An nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong ngày 1/2 xung quanh những đề xuất gửi Chính phủ về hướng xử lý của Bộ Công Thương và Vinachem xung quanh dự án đầu tư nghìn tỷ thứ 5 của Vinachem hiện đang dừng hoạt động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo từ Vinachem về việc triển khai dự án.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dự án muối mỏ Kali tại Lào mới đang trong quá trình chuẩn bị dự án và đầu tư một số hạng mục. Tuy nhiên, do đầu ra hiện nay so với khi lập dự án tiền khả thi lúc đầu không được như mong muốn. Lúc đầu trong dự án tiền khả thi của Vinachem trình, giá Kali vào khoảng 500 USD/tấn nhưng thực tế hiện nay, giá Kali trên thị trường thế giới chỉ còn dưới 300 USD, thậm chí có thời điểm xuống còn dưới 250 USD/tấn.
“Chúng tôi thấy rằng, tất cả những dự án, nhất là trong bối cảnh này, làm gì cũng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế. Vì vậy, Bộ Công Thương đã có ý kiến chính thức từ Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trình Thường trực Chính phủ và sau đó đã báo cáo Bộ Chính trị. Chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành. Chúng tôi cũng mong muốn quyết định về việc triển khai dự án thế nào sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Lào”, ông Thắng Hải nói.
Bản báo cáo cũng cho thấy, trong nửa đầu năm 2015, Vinachem đã rót 936 tỷ đồng vào Dự án muối mỏ Kali tại Lào, dự án được coi là lớn nhất tại thời điểm đó của Vinachem. Trong bản báo cáo giải trình gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sau đó, Vinachem cho hay, dự án vướng phải nhiều thủ tục phức tạp chưa lường hết được, công nghệ phức tạp, không nhiều nhà thầu và đơn vị có năng lực để đáp ứng được công tác thi công nên việc triển khai bị chậm so với kế hoạch.
Với những khó khăn tại siêu dự án này, Vinachem đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ bảo lãnh cho dự án, nhằm bảo đảm vốn giải ngân cho dự án được triển khai đúng tiến độ. Tập đoàn cũng đề nghị Thủ tướng và các bộ nghiên cứu, xem xét để có chính sách ở cấp nghị định ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, đặc biệt là ngành khai thác khoáng sản.
So với thời điểm ra mắt Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào - đơn vị có vốn pháp định 30 triệu USD do Vinachem đầu tư 100% vốn để thực hiện dự án- tình hình hoạt động của Vinachem đã thay đổi rất nhiều. Tại thời điểm đó, ông Đỗ Duy Phi, Tổng Giám đốc Vinachem (đã về hưu) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt-Lào cho rằng, bên cạnh việc tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động địa phương trong suốt quá trình hoạt động, dự án khi hoàn thành sẽ biến khu vực khai thác muối mỏ thuộc địa phận 2 tỉnh Khammouane và Savanakhet thành một tổ hợp công nghiệp hóa chất sản xuất ra các loại phân bón cung cấp cho thị trường Lào và Việt Nam, đồng thời xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông Phi cũng cho biết, với kết quả khả quan trong việc thăm dò trữ lượng muối mỏ giai đoạn 1 trên diện tích 10 km2 tại bản Nong Lom, huyện Nongbok, tỉnh Khammouane, đây sẽ là cơ sở quan trọng bảo đảm cho dự án hoạt động hiệu quả, lâu dài, đóng góp tốt hơn cho kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, Vinachem triển khai dự án muối mỏ Kali trong bối cảnh tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn. Ít tháng sau triển khai chính thức dự án (năm 2016), Vinachem trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 đã cho thấy tình hình tài chính của đơn vị có sự thay đổi chóng mặt. Tập đoàn bị lỗ tổng cộng 204 tỷ đồng.
Ngoài DA muối mỏ Kali tại Lào, Vinachem còn có 4 DA nghìn tỷ thua lỗ gồm: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, lỗ luỹ kế đến hết 2016 khoảng 3.100 tỷ đồng; DA cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2016; DA nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai luỹ kế lỗ đến nay khoảng 1.000 tỷ đồng và DA nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng năm 2016 lỗ trên 400 tỷ đồng.