Doanh nhân Thái Hương bắt tay nông dân làm sản phẩm quốc tế

Doanh nhân Thái Hương.
Doanh nhân Thái Hương.
TP - Doanh nhân Thái Hương - nhà kiến tạo của Tập đoàn TH đang triển khai phương án sản xuất mới: Thay vì sử dụng đất nông lâm trường, tự gây dựng vùng nguyên liệu như hiện nay, bà làm ăn cùng nông dân thông qua các hợp tác xã (HTX). Phương án này cho phép TH kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Câu chuyện của nhà máy hoa quả ở Sơn La

Ngày 25/1, tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Tập đoàn TH khởi công Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La với mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, công suất chế biến 30.000 tấn quả/năm. Đây không đơn thuần là một dự án mới mà còn là nơi khai triển dự án hoàn toàn khác của TH.

Tại lễ khởi công, bà Thái Hương cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng giới thiệu, đưa bà đến với Sơn La; bày tỏ sự cảm kích trước việc lãnh đạo tỉnh về tận Hà Nội giới thiệu cho TH những tiềm năng của tỉnh.

“Trong ánh nắng ban mai” của ngày khởi công, “Sơn La đẹp như bức tranh thuỷ mặc”, những nét văn hoá bản địa có sức hấp dẫn và gợi lên trong nữ doanh nhân này tình yêu mến, trân trọng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Thái Hương có những bước tiến xa, thành công trong nước và vươn ra quốc tế, nhưng bà vẫn muốn đầu tư tại các vùng khó khăn như Sơn La. “Tôi là con nhà nông dân. Tiền không nhiều nhưng tôi có thể giúp được bà con nông dân đỡ vất vả, có thu nhập tốt” - bà Thái Hương nói.

Khác với mô hình thu hồi đất của các nông lâm trường, tự triển khai vùng nguyên liệu (điển hình nhất tại dự án bò sữa của TH tại Nghệ An), tại Sơn La lần này, bà khai triển mô hình liên kết với nông dân qua các HTX nông nghiệp.

Theo bà Thái Hương, nhà máy vận hành sẽ giải quyết được việc cam, xoài, nhãn, táo mèo bị thương lái ép giá, phát triển nhiều loại hoa quả đặc sản khác. Dự án tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động tại nhà máy và hàng ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài hoa quả, Tập đoàn TH sẽ kết hợp cùng nông dân, HTX nông nghiệp để trồng thảo dược, hái lượm tự nhiên theo hướng hữu cơ và trồng hữu cơ dưới tán rừng.

Doanh nhân Thái Hương bắt tay nông dân làm sản phẩm quốc tế ảnh 1 Lễ khởi công nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La của Tập đoàn TH.

HTX - mắt xích kết nối doanh nghiệp và nông dân

Bà Thái Hương cho rằng, hội nhập quốc tế đang đưa thuế xuất nhập khẩu nông sản bằng 0. Không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành một chợ tiêu thụ cho các nước nông nghiệp tiên tiến, người dân bị thụt lui, các nông sản Việt lép vế.

Để nông dân không bị thụt lùi, đứng ngoài cuộc đua hội nhập, bà cho rằng, mắt xích quan trọng nhất là các HTX nông nghiệp. “Chúng tôi về đây không lấy đất của bà con mà liên kết với bà con để hình thành nên chuỗi sản xuất. Ở đây, doanh nghiệp yêu cầu HTX kết nối bà con lại để đưa khoa học công nghệ, khoa học quản trị vào, từ đó tạo ra những sản phẩm chuẩn mực quốc tế” - bà Thái Hương phân tích. Khi tham gia HTX, người nông dân vẫn sở hữu ruộng đất, đóng góp hưởng lợi ích từ chuỗi giá trị của sản phẩm.

Trước đó, Tập đoàn TH và Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK - nơi bà làm Tổng giám đốc) ký kết hợp tác với Liên minh Hợp tác xã và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai phương thức liên kết này.

Doanh nhân Thái Hương bắt tay nông dân làm sản phẩm quốc tế ảnh 2 Anh Tráng A Cao (nông dân bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) cho biết gia đình anh rất trông chờ nhà máy của Tập đoàn TH để tiêu thụ chanh leo, cam, mận…

Tuy nhiên, để triển khai mô hình đó cần mối dây liên hệ chặt chẽ và một sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ lợi ích. Tại lễ khởi công nhà máy tại Sơn La, bà Thái Hương lo ngại việc bà con tiếp tục trồng táo mèo rất nhiều. “Chúng ta đã có sản lượng táo mèo lớn, cộng với Yên Bái và các vùng phụ cận khác. Ở đây không phải là địa dư hành chính mà ta phải kết nối vùng miền. Nơi nào có nhiều rồi mình đừng trồng nữa, phải xem trồng cây ăn quả hay cái gì nữa để nhà máy này phát huy tác dụng”- bà Thái Hương nói.

Bằng sự từng trải và mộc mạc, bà đề nghị: “Không phải con đường nào đi cũng thuận lợi. Có những lúc, thị trường cần nhưng rồi đến lúc nào đó thị trường lại thừa. Vấn đề, chúng ta phải bình tĩnh. Bà con chia sẻ và đón nhận chúng tôi thì chúng tôi sẽ quyết tâm đưa mảnh đất này để người dân Sơn La có quyền tự hào”.

“Muốn HTX phát triển tốt phải có doanh nghiệp “đỡ đầu”, ngược lại doanh nghiệp muốn “cắm chân” tại địa bàn nông thôn thì phải có mạng lưới kinh tế tập thể. Đây chính là mô hình mà BAC A BANK đang tư vấn và Tập đoàn TH triển khai”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

“Khi làm ăn với nông dân, doanh nghiệp lo ngại họ phá vỡ hợp đồng, nuôi trồng nông sản không đảm bảo, khó quản lý. Thông qua HTX, doanh nghiệp sẽ thu gọn đầu mối, dễ kiểm soát chất lượng. Tương lai, nếu HTX lớn mạnh, có thể đứng ra chế biến, bán nông sản. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tiềm lực HTX còn yếu nên cần sự dẫn dắt của doanh nghiệp, HTX và nông dân chuyên tâm lo sản xuất sẽ hiệu quả, chuyên nghiệp hơn”. 

 Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La

Tập đoàn TH đang vận hành nhiều Dự án sản xuất kinh doanh trên một số lĩnh vực. Lĩnh vực kinh doanh nổi bật của tập đoàn TH là chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao, sản xuất sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK. Dự án sữa hiện đang được mở rộng tại tỉnh thành, trong đó có Nghệ An, Hà Giang, Thanh Hóa, Phú Yên, Sóc Trăng và Liên bang Nga.

Tại Nghệ An, tập đoàn TH đã phát triển Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu - sản xuất thức uống thảo dược TH true Herbal. Mô hình trang trại thảo dược, dược liệu dưới tán rừng nhằm góp phần lưu giữ nguồn gen quý bản địa được TH tiếp tục khảo sát tại Sơn La, Hà Giang và một vài tỉnh thành khác. Tập đoàn TH cũng đang nghiên cứu sản xuất các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, đậu nành (tại Thái Bình), nước mắm, muối, nước tương, chế biến cá (Phú Yên).

MỚI - NÓNG