Đắng chát cà phê

Cà phê chín mọng nhưng vẫn đắng với nông dân
Cà phê chín mọng nhưng vẫn đắng với nông dân
TP - Niềm tự hào “cường quốc cà phê” từ lâu vẫn được truyền thông lan tỏa, tuy nhiên, ngót nửa triệu người sản xuất ra mặt hàng “xuất khẩu tỷ đô” này trên cả nước tới nay vẫn cứ “đau tim” bởi giá lên xuống thất thường.

Hạt thơm mà đắng

Kết thúc niên vụ cà phê (CP) 2018-2019, người trồng CP cả nước lại tiếp tục đau lòng vì giá cà phê rớt quá sâu, hiện chỉ còn hơn 33 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Chị Đinh Thị Nhật chủ trang trại CP rộng 4 hecta ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Do lợi nhuận từ việc trồng CP ngày càng giảm, gia đình chị đã phá bỏ dần để trồng các loại cây cho thu nhập khá hơn như bơ, sầu riêng. “Nhà mình đang tạm gửi mấy tấn CP mới thu hoạch cho đại lý quen gần nhà, chờ giá lên mới bán. Công chăm sóc CP quá vất vả, chi phí lớn, mà giá cả thế này thì người trồng CP sống thế nào được?”.

Số gia đình đủ lực để trữ CP chờ giá cao mới bán như nhà chị Nhật không nhiều. Đa số người dân thu đâu bán đó, để trả nợ phân bón xăng dầu đã ứng vay từ đầu vụ. Ông Nguyễn Văn Tân, một hộ nông dân có hơn 2 hecta CP ở xã Dray Sáp huyện Krông Ana cho biết, cả xóm gần tết rồi mà vẫn buồn hiu. “Chục năm trước, thời giá CP 45-47 triệu đồng/ tấn, cứ tới mùa thu hoạch ai nấy tha hồ mua sắm. Còn bây giờ chủ nợ tới thu CP tận vườn, không biết sống cách sao đây?”.

Thời điểm trước Tết nguyên đán cũng là lúc Tây Nguyên bước vào mùa khô. Các chủ vườn đều phải lo tiền xăng dầu chạy máy bơm tưới để CP ra hoa đồng loạt. Không ít hộ đánh vật với việc tìm nguồn nước tưới cho CP khi nước ngầm lẫn nước mặt vẫn đang ngày càng cạn kiệt. Đây là lúc nghề đào vét, khoan giếng đắt hàng nhất trong năm. Tuy nhiên, nhiều nơi khoan mãi không ra nước, đành bỏ vườn CP chết khô.

Đắng chát cà phê ảnh 1 Làm ra mặt hàng tỷ đô, nông dân vẫn vất vả và nghèo khó

Do CP rớt giá liên tục nhiều năm liền, nhiều hộ không còn mặn mà với chủ trương tái canh. Năm 2018, diện tích tái canh các vườn CP già cỗi của Đắk Lắk chỉ đạt hơn nửa so với chỉ tiêu 4.259 ha. Nguồn tin từ  Agribank Đắk Lắk (hội sở chính, phụ trách 8 huyện/15 huyện thị thành toàn tỉnh) cho biết: Năm 2018 dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 9.835 tỷ đồng. Trong đó, cho vay trong lĩnh vực CP đạt 1.151 tỷ đồng chủ yếu để thu mua, chế biến và xuất khẩu, còn vay tái canh cà phê chỉ 48,2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hắc Hiển-Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết sản lượng CP nhân niên vụ 2018-2019 tăng khoảng 4.400 tấn so với vụ trước, ước đạt hơn 464.000 tấn. Dù năng suất bình quân của CP tái canh đã đạt 2,7 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân của những vườn cây cũ 3 tạ/ha, nhưng diện tích CP Đắk Lắk vẫn giảm so với niên vụ trước khoảng 231 ha, hiện còn hơn 204.577 ha.

Giải pháp cho cà phê bền vững

Đắk Lắk mấy năm qua đã triển khai đề án “Phát triển CP bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, với nhiều giải pháp khá đồng bộ. Tuy nhiên, vấn đề giá cả, điều nông dân quan tâm nhất, thì tỉnh bó tay. Trong họp báo về Lễ hội CP Buôn Ma Thuột lần thứ bảy chiều ngày 15/1, khi có phóng viên hỏi liệu sau những lễ hội tưng bừng, tỉnh có cách nào để giúp người trồng CP đỡ khổ? Một vị lãnh đạo đã lắc đầu nói việc này thì tỉnh chịu thua. Cường quốc hàng đầu thế giới về CP như Brazil còn không dẫn dắt nổi giá CP, thì Việt Nam sức nào mà tác động?

Theo giới phân tích thị trường, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, các nước EU... đã gây bất lợi cho giá nông sản. Giá trị đồng đô la Mỹ có khuynh hướng tăng cũng kéo lãi suất ngân hàng tăng, khiến các nhà nhập khẩu CP lớn của thế giới dè dặt, hạn chế mua vào.

Cố gắng giữ ổn định sản lượng CP, các Sở NN&PTNT, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn nông dân chọn các kỹ thuật trồng và chăm sóc CP tái canh thích hợp, chọn giống CP mới năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được bệnh gỉ sắt. Nông dân cũng được khuyến khích trồng xen những loại cây ăn trái có giá trị cao để vừa tăng thu nhập, vừa không phá bỏ CP, loài cây tới nay vẫn tạo nên nguồn thu chính cho các tỉnh Tây Nguyên.

Một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ thu về nhiều hơn giá trị cho chuỗi CP xuất khẩu, là đẩy mạnh đầu tư cho “Specialty Coffee”- Cà phê đặc sản, loại CP hạt được bán với giá gấp 2-3 lần CP thông thường do đáp ứng được những yếu tố ngặt nghèo về thổ nhưỡng, khí hậu, khép kín từ khâu canh tác đến thu hoạch, sơ chế. Tuy nhiên một chuyên gia CP cho biết: Việt Nam hầu như chưa có CP đặc sản đúng nghĩa để xuất khẩu, ngoài sản lượng nhỏ CP Arabica của Lâm Đồng bán được cho vài nhà rang xay.

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, TS Phạm S- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện diện tích CP toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 158.000ha, trong đó trên 20.000 hecta Arabica. Những năm qua tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững, tái canh thành công với năng suất dẫn đầu cả nước, bình quân khoảng 3,2 tấn/ha. Đặc biệt, vùng Cầu Đất và Lạc Dương ở độ cao 1.000-1.600m so với mặt biển, chuyên sản xuất CP Arabica đặc biệt ngon trên diện tích hơn 6000 ha đã được Starbucks và tập đoàn UCC của Nhật Bản đặt hàng bao tiêu với giá cao, tuy nhiên xét theo bộ tiêu chí ngặt nghèo của thế giới thì vẫn chưa thể gọi là  Specialty Coffee đúng nghĩa.

Đắk Lắk đang xúc tiến nhiều việc chuẩn bị tổ chức Lễ hội CP lần thứ 7 từ ngày 9/3-16/3/2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 H’Hen Niê là Đại sứ truyền thông. Các hoạt động nhằm đẩy mạnh giá trị gia tăng cho CP tại Lễ hội lần này có Hội nghị Xúc tiến đầu tư; Hội chợ triển lãm chuyên ngành CP; Hội thảo phát triển CP đặc sản Việt Nam; Triển lãm lịch sử CP thế giới; Hội thi Nhà nông đua tài... Ngoài ra còn có Hội thi ẩm thực Tây Nguyên; Hội Voi Buôn Đôn; Đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk; Tour trải nghiệm, khám phá quy trình trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến CP; Du lịch sinh thái tham quan Vườn quốc gia Yok Đôn; Thưởng thức miễn phí các loại CP ngon v.v... 

MỚI - NÓNG
Công an tìm bị hại vụ người bán cháo lòng mạo danh Cục phó Cảnh sát hình sự để lừa 'chạy án'
Công an tìm bị hại vụ người bán cháo lòng mạo danh Cục phó Cảnh sát hình sự để lừa 'chạy án'
TPO - Công an xác định từ tháng 8/2024 đến ngày 9/10, Hoàng Văn Thảo dùng nhiều thủ đoạn gian dối, giả danh là cán bộ để chạy án, chiếm đoạt tài sản của nhiều người có liên quan. Do đó, Công an tỉnh Bình Thuận thông báo tìm người bị hại liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đối tượng Thảo thực hiện.